.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng gia tăng giá trị bền vững

Thứ Hai, 20/04/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 257 đảng viên sinh hoạt ở 19 chi bộ trực thuộc. Trong 5 năm qua, Đảng bộ Sở đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các mặt; có 9/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 5 năm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Kết quả nổi bật là, trong 5 năm qua, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, phát triển toàn diện theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 4,5%; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước chuyển dịch tích cực; sản lượng lương thực về đích trước 4 năm; diện tích canh tác có giá trị hơn 50 triệu đồng/ha/năm chiếm 19,2%.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi đã nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 45%. Thủy sản phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng; tốc độ đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác vùng biển xa tăng nhanh; sản lượng khai thác liên tục tăng đạt 57.000 tấn, bình quân tăng 3,5%; tổng diện tích nuôi trồng đạt 5.100ha với sản lượng nuôi đạt 11.000 tấn. Sản xuất lâm nghiệp từng bước được xã hội hóa và chuyển đổi theo hướng giá trị; diện tích trồng rừng tăng nhanh, bình quân trên 5.000 ha/năm, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 68%.

Trong 5 năm qua, ngành NN-PTNT đã đầu tư trên 1.570 tỷ đồng vốn ngân sách cho xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nông, lâm, thủy sản, nước sạch; bảo đảm diện tích tưới tiêu chủ động trên 96%, tỷ lệ hộ nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 83%. Kinh tế hợp tác, trang trại tiếp tục phát triển; đến nay có hơn 130 hợp tác xã và gần 630 trang trại phát triển theo hướng đa ngành nghề, khâu dịch vụ, nâng cao chất lượng, tăng sản lượng hàng hóa, góp phần hỗ trợ nhau trong sản xuất. Ngành nghề nông thôn có bước phát triển mới, đến nay có khoảng 26.500 cơ sở, ổn định thường xuyên với hơn 54.500 lao động; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 36%.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Sở đã tập trung lãnh đạo thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên cơ sở quy hoạch ngành nông nghiệp, thủy sản đến năm 2020 được tỉnh phê duyệt và thực hiện công bố, công khai, minh bạch đối với các quy hoạch được phê duyệt.

Phát triển cây cao su phù hợp với quy hoạch.
Phát triển cây cao su phù hợp với quy hoạch.

Trong đó, đã hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch thủy lợi sông Roòn và vùng phụ cận. Bổ sung quy hoạch phát triển cao su; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chỉ đạo lập quy hoạch bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng. Quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Đặc biệt, Đảng bộ Sở đã bám sát các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra. Để đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, Ban Giám đốc Sở đã xây dựng và ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng  nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, chế biến bảo quản nông lâm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch và các đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của từng địa phương. Tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, sản xuất theo cánh đồng lớn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp...

Bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, dự án, đề án trên, nhờ sự góp sức của các địa phương, các ban ngành trong tỉnh và đặc biệt là của nông dân, liên tục nhiều năm nông nghiệp Quảng Bình luôn được mùa. Trong đó, năm 2014 sản lượng lương thực đạt 29,9 vạn tấn, cao nhất từ trước tới nay.

Tại Đại hội Đảng bộ Sở lần này, chúng ta sẽ tập trung thảo luận, bàn giải pháp thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn gắn với đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, doanh nghiệp; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang tập trung, trang trại, gia trại; chuyển mạnh khai thác thuỷ sản ven bờ sang xa bờ; phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế có năng suất, chất lượng cao.

Một số chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu đạt được: Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5 năm 4-4,5% (nông nghiệp tăng 3,2%; thuỷ sản 7,3%; lâm nghiệp 3,4%/năm). Đến năm 2020, sản lượng lương thực đạt 28-28,5 vạn tấn; diện tích có giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm đạt 19.000ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 46-47% giá trị sản xuất nông nghiệp; sản lượng thủy sản 63.000- 64.000 tấn; độ che phủ rừng 69-70%; tỷ lệ tưới tiêu chủ động 98%;  tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh trên 90%. Phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 50% số xã đạt xã nông thôn mới và có ít nhất 1 huyện đạt nông thôn mới.

Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa; chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường, phát triển mạnh cao su theo quy hoạch.

Lĩnh vực chăn nuôi, chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp, chất lượng, giá trị, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; từng bước hình thành, phát triển vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; gắn giữa sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ; sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Lĩnh vực thủy sản, tập trung đẩy mạnh khai thác theo hướng chuyển đổi mạnh khai thác thuỷ sản ven bờ sang khai thác vùng biển xa, giảm hợp lý tàu cá dưới 20 CV vùng bãi ngang, cồn bãi; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu thuyền/nghề khai thác hướng theo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững; tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là các vùng nuôi tập trung, bảo đảm đủ điều kiện nuôi thâm canh theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững và khả năng cạnh tranh cao.

Đối với lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng giá trị, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi; thực hiện tốt quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020; chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển mục đích sử dụng rừng, cải tạo rừng theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Về thủy lợi, tăng cường chỉ đạo nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu và hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, khuyến khích các doanh nghiệp có phương án đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để sản xuất các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao; nhanh chóng chuyển hướng sản xuất vào chế biến tinh, sâu.

Tin tưởng rằng với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân, nhất định ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gặt hái được những thành quả quan trọng, có bước đột phá mới trong chặng đường 2015-2020.

Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn