.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI: Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và kiến nghị của cử tri

Thứ Năm, 19/12/2013, 11:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, Sở GTVT đang chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung thi công phần mặt đường bê tông xi măng và thảm nhựa mặt cầu để hoàn thành cơ bản trước Tết Nguyên đán 2014 phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và hoàn thiện các hạng mục còn lại để tổ chức khánh thành công trình nhân dịp Lễ kỷ niệm 410 năm thành lập tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Lĩnh vực giao thông vận tải

* Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) trả lời những vấn đề sau đây.

- Cử tri xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cầu Minh Cầm - Sảo Phong bắc qua sông Gianh và nâng cấp tuyến đường Sảo Phong đi Ngọc Lâm (tuyến qua phà Sảo Phong cũ), vì hiện nay tuyến đường này đã bị xói lở, hư hỏng nhiều đoạn.

Trả lời: Với nhu cầu thực tế của nhân dân và học sinh qua sông hàng ngày tại bến phà Sảo Phong, việc đầu tư xây dựng cầu vượt sông Gianh từ Minh Cầm - Sảo Phong (xã Phong Hoá) là rất cần thiết. Đây là công trình cầu lớn, khả năng đáp ứng về nguồn vốn từ ngân sách địa phương là hết sức khó khăn.

Vì vậy, UBND tỉnh đã đưa công trình này vào Dự án xây dựng Đường nối khu Kinh tế Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến - Châu - Văn Hoá để sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (dự án được phê duyệt tại Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 4-3-2011 của UBND tỉnh). Kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các Khu kinh tế Quảng Bình (chủ đầu tư) cân đối nguồn vốn và sớm triển khai xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và học sinh như kiến nghị của cử tri.

Đối với tuyến đường từ Sảo Phong - Ngọc Lâm: trước đây đoạn tuyến này thuộc QL 12A do Sở GTVT quản lý. Sau khi QL 12A cải tuyến về phía chợ Gát, Sở GTVT đã sửa chữa bảo đảm êm thuận cho nhân dân đi lại và bàn giao cho UBND huyện Tuyên Hoá quản lý, duy tu sửa chữa theo phân cấp.

Do mặt đường chưa được kiên cố hoá nên sau nhiều năm khai thác, tuyến đường này bị xuống cấp, hư hỏng khá nghiêm trọng; nhiều đoạn bị sình lầy về mùa mưa, bụi về mùa khô vv... Trong điều kiện ngân sách huyện gặp nhiều khó khăn, Sở GTVT đã báo cáo Bộ GTVT đưa tuyến đường này vào danh mục sửa chữa định kỳ của Dự án GTNT3 và đã hoàn thành việc sửa chữa những vị trí hư hỏng nặng trên tuyến trong quý II-2011 theo tiêu chí của Dự án. Tuy nhiên, sau các mùa mưa lũ năm 2012 và 2013, đến nay tuyến đường này đã hư hỏng trở lại, nhiều vị trí sình lún, lầy lội gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 4-7-2011 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Đường cứu hộ, cứu nạn các xã dọc Sông Gianh (do UBND huyện Tuyên Hoá làm chủ đầu tư), trong đó đoạn tuyến Sảo Phong - Ngọc Lâm thuộc danh mục đầu tư của dự án này. Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế nên đến nay dự án chưa bố trí được nguồn vốn để thi công. Trong thời gian chờ triển khai thực hiện dự án, đề nghị UBND huyện Tuyên Hoá kiểm tra tình hình thực tế và có biện pháp khắc phục, sửa chữa bảo đảm êm thuận cho nhân dân đi lại.

- Cử tri TP. Đồng Hới đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xem xét, giải quyết việc Dự án xây dựng nâng cấp QL 1 đoạn qua phường Phú Hải có cao độ mặt đường thiết kế mới cao hơn mặt đường hiện tại 0,4m sẽ làm ngập úng nhiều hộ dân phường Phú Hải.

Trả lời: Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 1 đoạn Km649+700 - Km657 + 025,89; Km663 + 900 - Km671+228,94 và Km672+821,54 - Km717+100 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1377/QĐ-BGTVT ngày 23-5-2013. Trong đó, đoạn qua phường Phú Hải hoàn toàn tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng TP. Đồng Hới và các vùng phụ cận đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1358/QĐ-CT ngày 6-7-2012 của UBND tỉnh Quảng Bình.

Cầu vượt đường sắt qua xã Văn Hoá (Tuyên Hoá).
Cầu vượt đường sắt qua xã Văn Hoá (Tuyên Hoá).

Theo đó, những chỗ đã có cao độ lớn hơn +2.3 thì chỉ nâng cao 20-23cm, với độ dốc ngang mặt đường 2,5% thì tại mép đường hầu như không nâng nữa; những chỗ có cao độ thấp hơn +2.3 thì nâng nên cho đủ + 2.3 như định hướng quy hoạch đã được phê duyệt. Trong hồ sơ thiết kế, cao độ được ghi ở tim đường; vì vậy, cao độ mép mặt đường thấp hơn cao độ tim đường 23cm. Do đó, việc nâng cao độ so với nhà dân hai bên tối đa đối với những chỗ thấp trũng từ 20-25cm (không phải 40cm như cử tri đã phản ánh).

- Cử tri xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh phản ánh: Trong quá trình thi công cầu Trung Quán, tuyến đường giao thông liền kề đã bị hư hỏng nặng, đề nghị tỉnh sớm có giải pháp khắc phục để nhân dân đi lại được an toàn.

Trả lời: Dự án xây dựng cầu Trung Quán được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3241/QĐ-UBND ngày 10-11-2009 và được khởi công xây dựng tháng 7-2010. Quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư và vướng mắc GPMB nên tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch ban đầu; mặc dù đã được thông tuyến từ đầu năm 2013 để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng do thiếu vốn đầu tư, công trình phải tạm dừng thi công theo Chỉ thị 1792/CT của Chính phủ và phần mặt đường chưa được thi công nên sau một thời gian thông tuyến, xe tải trọng nặng lưu thông khá nhiều đã làm hư hỏng phần nền đường, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Hiện nay, Sở GTVT đang chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung thi công phần mặt đường bê tông xi măng và thảm nhựa mặt cầu để hoàn thành cơ bản trước Tết Nguyên đán 2014 phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và hoàn thiện các hạng mục còn lại để tổ chức khánh thành công trình nhân dịp Lễ kỷ niệm 410 năm thành lập tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Riêng đối với các tuyến đường GTNT xã Duy Ninh liền kề với dự án: quá trình thi công phần cầu, đơn vị thi công có sử dụng đoạn đường GTNT qua thôn Hiển Vinh để vận chuyển vật liệu và thiết bị thi công; sau khi hoàn thành phần cầu đoạn đường này đã được sửa chữa hoàn trả theo hiện trạng ban đầu, bảo đảm êm thuận cho việc đi lại của nhân dân và đã được nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng; hiện nay, đoạn đường này vẫn đang sử dụng bình thường.

Ngoài ra, có 2 tuyến GTNT khác đấu nối với dự án đều đã được bê tông hoá mặt đường, bảo đảm êm thuận; các vị trí tiếp giáp của 2 tuyến đường này với dự án đã được thiết kế vuốt nối vào dự án theo quy mô và kết cấu tuyến đường, Sở GTVT sẽ chỉ đạo thi công để phục vụ nhân dân đi lại trước Tết Nguyên đán 2014. Các tuyến GTNT khác trong khu vực không bị ảnh hưởng bởi phương tiện thi công công trình, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh kiểm tra, xem xét tình hình thực tế và có biện pháp sửa chữa (nếu có hư hỏng) để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

- Cử tri xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đề nghị tỉnh chỉ đạo sớm giải phóng mặt bằng cho các hộ dân có đất dọc tuyến đường 565 (tỉnh lộ 16 cũ) đoạn Đông Thành, xã Liên Thuỷ để các hộ dân có thể làm nhà ở.

Trả lời: Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 565 (đường 16 cũ) huyện Lệ Thuỷ, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 18-8-2010 với mục tiêu xây dựng, nâng cấp toàn tuyến có chiều dài 72km, từ ngã ba giao cắt với QL 1 tại Cam Liên đến biên giới Việt Nam - Lào; tổng mức đầu tư 894 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2015.

Do khó khăn chung của nền kinh tế nên hạn mức vốn Trái phiếu Chính phủ mới được Trung ương chấp thuận bố trí cho dự án 501 tỷ đồng (bằng 55,6% tổng mức đầu tư); vì vậy, dự án mới được triển khai thực hiện đầu tư đoạn từ Km27-Km72 và xây dựng 2 cầu là Khe Bang tại Km19+106 và cầu Chu Kê tại Km21+129 (thuộc địa bàn các xã Kim Thuỷ và Lâm Thuỷ) để thông tuyến, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đối với đoạn tuyến từ Km0-Km27 (gồm cả đoạn qua địa bàn xã Liên Thuỷ được cử tri kiến nghị ở trên), hiện nay chưa bố trí được nguồn vốn nên việc bồi thường GPMB chưa thể thực hiện được. Trong thời gian chờ nguồn vốn bổ sung cho dự án, đề nghị chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 và Nghị đinh số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; không xây dựng mới các công trình trong phạm vi chỉ giới GPMB để thực hiện dự án đã được xác định.

Lĩnh vực tài chính

- Cử tri đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với cô nuôi trong các trường mầm non vì hiện nay thu nhập của đối tượng này quá thấp chủ yếu là từ các khoản đóng góp của phụ huynh.
Sở Tài chính trả lời: Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh khóa 15, ngày 31-12-2010, UBND tỉnh có quyết định chuyển 105 trường mầm non bán công sang công lập. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường mầm non trong tỉnh khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dạy học. Giáo viên giảng dạy các trường mầm non được tuyển dụng vào biên chế và được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Riêng đối với loại hình lao động “cô nuôi” – tên thường gọi nhân viên bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú cho học sinh, làm  nhiệm vụ chăm sóc và hỗ trợ giáo viên, chăm sóc học sinh trong các giờ ăn, ngủ... hiện nay Bộ Nội vụ chưa có chủ trương và chưa giao biên chế. Vì vậy, chế độ làm việc và chính sách đối với các đối tượng này được thỏa thuận và thực hiện thông qua hợp đồng lao động giữa cơ sở giáo dục và người lao động. Các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách cho người lao động làm nhiệm vụ cô nuôi từ nguồn hợp pháp của mình và nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương (nếu có).

Phản ánh của cử tri là hoàn toàn hợp lý. Kính đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách phù hợp cho đội ngũ cô nuôi ở bậc học mầm non.

- Cử tri Lê Thị Dương, xã Lý Trạch đề nghị tỉnh nghiên cứu, hỗ trợ ưu đãi 13% phí bảo hiểm xã hội cho các đối tượng giáo viên mầm non nghỉ hưu khi chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Sở Tài chính trả lời: Đối tượng, thời gian, điều kiện được Nhà nước hỗ trợ ưu đãi 13% phí BHXH được quy định rõ tại Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-8-2011 và Thông tư liên tịch số 28/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 14-8-2012. Như vậy chính sách như phản ánh của cư tri đã được Nhà nước quy định. Đề nghị UBND huyện Bố Trạch chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện triển khai thực hiện tại Thông tư liên tịch số 28/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

(Còn nữa)
     V.P