Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ hội Tịch điền - Ðọi Sơn và phát động Tết trồng cây

Cập nhật lúc 13:54, Thứ Hai, 30/01/2012 (GMT+7)

Sáng 29-1 (tức ngày mồng 7 tháng giêng năm Nhâm Thìn), tại xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền - Ðọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xuống đồng cày ruộng trong Lễ hội xuống đồng tại xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: KHẮC HƯỜNG
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xuống đồng cày ruộng trong Lễ hội xuống đồng tại xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: NDĐT

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự, phát biểu ý kiến và thực hiện cày Tịch điền. Ðến dự còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam và đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Lễ hội Tịch điền - Ðọi Sơn là lễ hội truyền thống, kết hợp ý nghĩa tâm linh, nơi trường tồn của ngôi chùa trên núi Ðọi - một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam thời nhà Lý, đồng thời là nơi cách đây 1025 năm vua Lê Ðại Hành chọn tổ chức cày Tịch điền, khuyến khích nông tang. Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thông, chăm lo đời sống người nông dân, đây là năm thứ tư tỉnh Hà Nam tổ chức tái hiện Lễ Tịch điền thời vua Lê Ðại Hành, kết hợp với nghi lễ truyền thống lâu đời ở xã Ðọi Sơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thay mặt Ðảng và Nhà nước phát động ngày hội xuống đồng đến toàn thể nhân dân năm 2012 với mong muốn cho một năm mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ và khẳng định: Việc tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền tại nơi mà cách đây 1025 năm vua Lê Ðại Hành thực hiện Lễ Tịch điền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là phù hợp với đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp.

Sau khi khai mạc Lễ Tịch điền, là nghi lễ nhập thế vua Lê. Một cụ ông đức độ, thần thái uy nghiêm đã được chọn trong cộng đồng cư dân Ðọi Sơn khoác Long bào, đeo mặt nạ thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng vua Ðại Hành xuống mở những sá cày lễ đầu tiên trên thửa ruộng phù sa màu mỡ. Tiếp đó, Chủ tịch nước cùng lãnh đạo một số ban, ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện nghi lễ cày Tịch điền.

Lễ hội Tịch điền - Ðọi Sơn được tổ chức có ý nghĩa quan trọng, nhắc nhở mọi người hãy nhớ tới công ơn của những người đi trước, những vị vua anh minh đã có công chăm lo cho nhân dân, cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Lễ hội cũng mang đến một tinh thần mới, một khí thế lao động hăng say đầu xuân mới, để mọi người cùng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong không khí của những ngày đầu Xuân mới, ngày 29-1, tại xã Kim Ðộng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Ðời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát động Tết trồng cây. Cùng dự có Thượng tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và đông đảo nhân dân địa phương.

Trong buổi lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Ðể phát triển kinh tế bền vững, phải đi đôi với bảo vệ môi trường và vì nó đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, việc trồng cây bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Vì vậy, tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, các cụ, các bác, các anh, các chị, các em thanh niên, thiếu nhi cả nước trong những ngày vui Tết đón Xuân Nhâm Thìn hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu bật những nỗ lực của Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh thời gian qua không ngừng tham gia phong trào trồng cây, bảo vệ rừng. Tỉnh Ninh Bình thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác trồng và bảo vệ rừng gắn liền với phát triển bền vững, đã trồng mới ba nghìn ha rừng, hơn năm triệu cây phân tán và nhất là trồng hàng trăm ha rừng ngập mặn, chắn sóng bảo vệ vùng bãi bồi ven biển, cải tạo đất phát triển sản xuất và cải tạo môi trường.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự lễ dâng hương và trồng cây lưu niệm ở đền thờ Nguyễn Công Trứ (thuộc xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn). Thắp hương và trồng cây tại đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu (TP Ninh Bình).

                                                                                                   Theo NDĐT


 

,
.
.
.