Kết quả bước đầu của phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Lệ Thủy

Cập nhật lúc 10:25, Thứ Tư, 18/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU của Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2009 - 2011, thời gian qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ đã đạt được những kết quả tích cực cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của các địa phương.

Ngay từ đầu năm, Ban Dân vận Huyện uỷ Lệ Thuỷ đã chỉ đạo khối dân vận các xã, thị trấn tập trung rà soát và đăng ký các chuyên đề phù hợp với thực tế của từng địa phương. Đặc biệt, chú ý gắn các chuyên đề "Dân vận khéo" với việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của huyện cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Khối dân vận xã, thị trấn đã tham mưu cho Thường vụ Đảng uỷ các xã, thị trấn thành lập và tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chuyên đề "Dân vận khéo" của đơn vị mình. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Đảng uỷ, BCĐ các xã, thị trấn đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên và triển khai thực hiện. Hàng quý, 6 tháng, BCĐ các xã, thị trấn đã kiểm tra tiến độ thực hiện và rà soát những việc đã làm được, chưa làm được, phân tích nguyên nhân và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.

Đồng thời, Ban Dân vận Huyện uỷ cũng thường xuyên phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và Thường trực Đảng uỷ các xã, thị trấn đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện các chuyên đề "dân vận khéo" để kịp thời có hướng chỉ đạo cụ thể. Năm 2011, khối dân vận xã, thị trấn đăng ký thực hiện 36 chuyên đề "Dân vận khéo" với 11 nhóm chuyên đề; trong đó có 8 xã thực hiện 2 chuyên đề và có trên 1.800 mô hình SXKD giỏi của các tổ chức như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Các mô hình chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giải phóng mặt bằng, xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có một số chuyên đề được triển khai thực hiện khá tốt và đã thu được những kết quả tích cực trên các mặt, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Khối Dân vận xã Cam Thủy với mô hình dân vận khéo "Về phát triển giao thông nông thôn, dãn dân ra khỏi vùng bị ngập lụt giai đoạn 2" đã tuyên truyền, vận động tích cực 247 hộ dân hiến 4.200 m2 đất để làm đường liên thôn, hiến 55.000m2 đất trồng màu để cấp cho những hộ trong vùng bị ngập lụt. Nhờ vậy xã đã tổ chức di dời được 70 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt trong năm 2011. Khối Dân vận xã Tân Thủy với mô hình "Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cứng hóa đường nông thôn và đường nội đồng". Kết quả, đã huy động sự nhiệt tình đóng góp của nhân dân để xây dựng được đoạn đường dài 422m bằng bê tông với trị giá hơn 360 triệu đồng, 7km đường liên xã rộng từ 10 - 20m, 4 km đường liên thôn rộng 8 m và đang tiếp tục mở rộng đường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Bộ đội Biên phòng đồn 601 vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột móc. Ảnh: Ngọc Hải
Bộ đội Biên phòng đồn 601 vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Ngọc Hải

Thực hiện chuyên đề "Chương trình bê tông hóa bến nước dân sinh", khối Dân vận xã Lộc Thủy đã vận động nhân dân quyên góp được hàng trăm triệu đồng xây dựng 21 bến nước trong toàn xã bằng bê tông kiên cố, sạch sẽ, tạo diện mạo mới và phục vụ sinh hoạt của người dân ở địa phương. Khối Dân vận xã Dương Thủy chọn 2 mô hình "Xây dựng diện tích có thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha/năm" và "Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cứng hóa đường nông thôn và đường nội đồng". Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của các đoàn thể, đến nay toàn xã đã có 120 ha cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, 50 ha đạt từ 60 - 90 triệu đồng và 30 ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đồng thời đã cứng hóa đường giao thông nông thôn được trên 1km và 500m đường giao thông nội đồng với tổng số vốn đầu tư 200 triệu đồng. 

Khối Dân vận xã Hồng Thủy chọn mô hình "Thu gom rác thải ở các khu dân cư" và giao cho Hội Phụ nữ xã đảm nhiệm thực hiện, đến nay Hội Phụ nữ xã đã tổ chức thu gom rác thải với khối lượng đạt trên 360tấn/năm. Khối Dân vận xã Trường Thủy với chuyên đề "Dân vận khéo về giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đường giao thông nông thôn" đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2011, đã vận động những hộ dân ở sát đường từ thôn Hương Thủy đến thôn Cồn Thi với chiều dài 1,4km tự nguyện chặt cây, hiến đất với giá trị hơn 300 triệu động để làm đường. Là một xã vùng trung tâm của huyện, có cơ sở hạ tầng khá đồng bộ nên việc xây dựng đời sống văn hoá sẽ giúp cho Phong Thuỷ phát triển nhanh và bền vững.

Nhận thức được điều đó, Khối Dân vận xã Phong Thuỷ đã chọn chuyên đề dân vận khéo "Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới". Đây cũng là một trong hai đơn vị làm điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Xã Phong Thủy đã kết hợp giữa xây dựng đời sống văn hoá với xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong quần chúng nhân dân triển khai thực hiện. Đến tháng 9-2011, toàn xã đã giải tỏa được 5 tuyến đường liên xóm có chiều dài trên 1.500m, chiều rộng đạt chuẩn từ  4,5 - 5m, xây dựng hoàn thành 2 tuyến đường liên thôn trị giá 672 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp với tổng trị giá trên 117 triệu đồng.

Có thể nói, dù chỉ là bước đầu song kết quả thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH, củng cố QP - AN trên địa bàn huyện nói chung và ở các xã, thị trấn nói riêng. Các chương trình KT - XH trọng điểm được triển khai ngày càng có hiệu quả rõ nét, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Tình hình KT-XH của huyện có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong năm đều đạt và vượt. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 92.050 tấn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5%, thu ngân sách đạt hơn 82 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 17 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%, còn 17,11% (theo chuẩn mới). Sản xuất CN - TTCN và ngành nghề nông thôn, dịch vụ thương mại phát triển ổn định; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, TDTT diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Công tác khám chữa bệnh có nhiều chuyển biến, các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả. Các hoạt động nhân đạo từ thiện, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo thực hiện đúng kế hoạch đề ra, quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững.

Những kết quả đạt được sẽ là tiền đề cơ bản để Lệ Thủy tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn trong thời gian sắp tới.

                                                            Trương Trường Sơn

,
.
.
.