Về xứ đạo Tân Mỹ

Cập nhật lúc 10:25, Thứ Ba, 24/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chúng tôi về Tân Mỹ, xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) trong một ngày đầu năm, mưa xuân lất phất bay. Khung cảnh trù phú của làng biển hiện ra với hàng trăm ngôi nhà cao tầng nằm san sát bên những con đường phong quang, sạch đẹp. Tân Mỹ giờ đã đổi thay nhiều lắm, như một phố thị nhỏ nằm bên cửa biển bốn mùa lộng gió…

Khởi sắc làng biển

Người dân Tân Mỹ chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Vào những năm chưa xa, làng biển này vẫn còn vất vả lắm, đó cũng là thời kỳ khó khăn chung của nhiều miền quê nơi đầu sóng ngọn gió: tàu thuyền nhỏ và ít, phương tiện đánh bắt lạc hậu, sản lượng khai thác thấp, giá trị xuất khẩu kém... Thế rồi, cùng với làn gió đổi mới, kinh tế hội nhập thấm dần, chủ trương đường lối sát đúng của Đảng, Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống, bà con giáo dân Tân Mỹ đã năng động nắm lấy thời cơ, vay vốn đầu tư phương tiện lớn, hiện đại vươn khơi đánh bắt. Những khoang thuyền ăm ắp cá, mực đua nhau cập bến, tấp nập theo những chuyến xe đi về muôn nẻo, mang lại sự thay da đổi thịt mạnh mẽ của làng quê biển và cuộc sống ấm no cho mỗi người dân.

Trưởng thôn Lê Hồng Ngô phấn khởi cho biết: "Tân Mỹ có đến 107 tàu thuyền, trong đó có 87 tàu công suất từ 150-400CV đánh bắt xa bờ và 20 thuyền công suất 20CV chuyên khai thác gần bờ. Mỗi năm đánh bắt hàng trăm tấn thủy, hải sản xuất khẩu, thu về khoảng 60 tỷ đồng. Bình quân, cứ mỗi con trăng, ngư dân Tân Mỹ có giá trị khai thác 5 tỷ đồng”.

Nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, đoàn kết giúp nhau trên biển, ngư dân Tân Mỹ đã thành lập 16 tổ đoàn kết, mỗi tổ có gồm 1 tàu và 5 thành viên. Mới đây, thôn đã lập được thêm 1 tổ hợp tác, là mô hình hoạt động liên kết đánh bắt kiểu mới có quy mô lớn hơn, với 6 tàu và 30 người. Giáo dân Nguyễn Văn Đường, 57 tuổi chia sẻ: "Đánh bắt trên biển dài ngày rất cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là khi hoạn nạn. Vì vậy ngư dân chúng tôi hầu hết đều tham gia tổ đoàn kết để giúp đỡ nhau được tốt hơn, mà truyền thống của làng lâu nay đã vậy rồi, đi biển phải có đôi, có bạn".

Tân Mỹ đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: A.T
Tân Mỹ đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: A.T

Đó là hoạt động trên biển, còn trên bờ, theo ông Ngô cũng sôi động chẳng kém gì. Để phát triển kinh tế, người dân Tân Mỹ đã đầu tư mở ra 15 cơ sở sản xuất, dịch vụ đá lạnh, 5 doanh nghiệp xăng dầu phục vụ tàu thuyền đi biển; 7 cơ sở dịch vụ ăn uống, 6 cơ sở hàn xì, 7 cơ sở may mặc, trang điểm, 32 hộ kinh doanh tạp hóa, 1 xưởng mộc và 1 đại lý vật liệu xây dựng... giải quyết và tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương.

Đặc biệt, là một làng biển nên Tân Mỹ có đến 70% số hộ làm nghề chế biến thủy sản, với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Có một HTX chế biến mước mắm công  suất 90 tấn/năm, được thành lập cách đây hai năm, với 20 xã viên do anh Đoài, Chi hội trưởng CCB làm chủ nhiệm. Nước mắm Tân Mỹ ngon và có vị thơm rất đặc trưng đã vươn ra được thị trường ngoài tỉnh như: Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng.

Xây dựng cuộc sống mới

Tân Mỹ là thôn công giáo toàn tòng, có 390 hộ dân, với 2.200 nhân khẩu. Có được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, phong trào xóa đói giảm nghèo ở đây diễn ra khá mạnh mẽ. Hiện tại, thôn có 67% hộ khá, giàu, 59 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo; trung bình hàng năm có 8-10 hộ dân thoát nghèo nhờ biết chí thú làm ăn. Nhiều hộ dân sở hữu từ 2- 3 tàu đánh bắt xa bờ mà mỗi chiếc đều có giá trị tiền tỷ.

Hơn chục năm nay, các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động đều được giáo dân thôn Tân Mỹ tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu là phong trào "Người công giáo yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", các hoạt động từ thiện nhân đạo, đóng góp các loại quỹ. Với sự đồng thuận cao, bà con giáo dân đã đóng góp cùng nguồn vốn Nhà nước xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa với số tiền 40-50 triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn ở đây đã tương đối hoàn thiện. Từ năm 2001 đến nay, Tân Mỹ đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện, nhiều năm liền đạt khu dân cư tiên tiến, 312 hộ dân được công nhận gia đình văn hóa.

Điều đáng ghi nhận ở Tân Mỹ là, tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động đều tay. Cán bộ luôn sát dân, hiểu dân và nắm bắt được tình hình tâm tư, nguyện vọng người dân. Những vấn đề người dân thắc mắc đều được cán bộ giải thích cặn kẽ, hoặc đề xuất lên cấp trên nghiên cứu giải quyết kịp thời. Từ đó mà bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước. Các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đều được ban công tác Mặt trận, các hội đoàn thể kết hợp với các chức giáo họ, hội đồng mục vụ giáo xứ vận động, giải quyết thấu tình đạt lý. Mặt khác, thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, các vị chức sắc cũng phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con giáo dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia cùng chính quyền đấu tranh phòng chống tội phạm và bài trừ các tệ nạn xã hội.

"Bà con giáo dân luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo lương đoàn kết, cùng nhau góp công, góp sức xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc"- Bí thư chi bộ thôn Tân Mỹ- ông Nguyễn Ngọc Cảnh tâm sự.

Gìn giữ truyền thống

Tân Mỹ có lịch sử hình thành từ lâu. Vào thế kỷ thứ XIV, một số người dân ở làng An Lá, huyện Trực Ninh (Nam Định) đã vào đây sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên làng Mỹ Hòa, sau tách ra làm hai thôn Tân Mỹ và Mỹ Hòa, cùng chung giáo xứ Tân Mỹ và thuộc địa giới hành chính của xã Quảng Phúc. Tại nhà văn hóa thôn Tân Mỹ hiện vẫn có bàn thờ các bậc khai khẩn năm xưa, là nơi để bà con đến thắp hương tưởng nhớ công lao tiền nhân mỗi dịp lễ, tết. Và cũng để tự răn mình luôn sống có ích, cưu mang đùm bọc lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn, giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống, giữ lấy truyền thống tốt đẹp kính Chúa yêu nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc.

Cụ Nguyễn Phong Cảnh, 82 tuổi cho chúng tôi biết, truyền thống lâu nay của vùng quê này là "ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", học hành đỗ đạt, không sa vào rượu chè, tệ nạn. Người già phải nêu gương sáng, trẻ nhỏ phải ngoan ngoãn học hành. Trong thôn có đến 5 dòng họ hiếu học, với trên 60% con em tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm. Cao điểm, năm 2010 có tới 38 em thi đậu đại học, cao đẳng. Ông Cảnh không nhớ cụ thể, nhưng con em Tân Mỹ hiện có nhiều người là phó giáo sư, tiến sĩ...  Chưa hết, Tân Mỹ còn có đến 25% số gia đình có con em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, với hàng trăm thanh niên có thu nhập gửi về từ 1000-1200USD/tháng/người. Đây cũng là nguồn tiềm lực đáng kể tạo nên sự khởi sắc của làng biển những năm qua.

Chia tay với bà con giáo dân Tân Mỹ, cảm nhận về một xứ đạo bình yên đang thay da đổi thịt từng ngày, chúng tôi tin rằng, với truyền thống của mình, người dân nơi đây sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết lương giáo, tạo nên sức sống mãnh liệt hơn cho làng quê nơi cửa biển.

A.Tuấn


,
.
.
.