.

Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020

Thứ Bảy, 10/06/2017, 15:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 7-6-2017, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đã có Kế hoạch số 77/KH-BCĐVSATTP về việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020” năm 2017.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu cụ thể là: 75% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung, 30% cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản quy mô nhỏ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 80% vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại; 95% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc cấp tỉnh quản lý được kiểm soát chặt chẽ; 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; giảm 15% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2011-2015...

Để triển khai có hiệu quả kế hoạch, các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP theo quy định của pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng trong quản lý ATTP; quản lý ATTP, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở, quầy kinh doanh nông - thủy sản tại chợ.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là khu vực có thế mạnh về du lịch, xây dựng quy hoạch khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm; kêu gọi đầu tư vùng nuôi trồng, chế biến lương thực, thực phẩm và cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội, các ngành có liên quan; tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững.

Mặt khác, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, doanh nghiệp, nhân dân về ATTP, chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết; khơi dậy, phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và người dân để bảo đảm ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố bất thường về ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chủ động giám sát mối nguy ATTP để kịp thời thông tin cảnh báo cộng đồng; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại...

A.T