.

Xã Quảng Trường (Quảng Trạch): Cầu phao xuống cấp, dân "ốc đảo" bất an

Thứ Năm, 08/06/2017, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, khoảng 200 hộ dân thuộc thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch luôn thường trực nỗi bất an khi qua lại trên cây cầu phao đang dần mục nát, xuống cấp trầm trọng. Mùa mưa lũ năm 2017 đang cận kề, hàng trăm hộ dân nơi đây rất mong muốn các cấp, các ngành hữu quan hỗ trợ kinh phí để xây dựng một cây cầu kiên cố hơn, nhằm bảo đảm an toàn khi đi lại.

Nằm cách trung tâm xã Quảng Trường gần 3 km, thôn Thuận Hòa như một “ốc đảo” cô lập với bên ngoài, do bốn bề đều bị nước sông Gianh bao quanh. Để di chuyển vào thôn Thuận Hòa chỉ có một con đường độc đạo duy nhất, đó là phải đi qua một cây cầu phao, được dựng bằng các miếng ván tạm bợ nay đã xuống cấp. Nhiều năm qua, hàng trăm người dân nơi đây không khỏi lo sợ khi phải hàng ngày vượt sông bằng cây cầu phao này, còn những em nhỏ thì nơm nớp lo âu mỗi buổi cắp sách đến trường...

Cây cầu phao qua thôn Thuận Hòa đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cây cầu phao qua thôn Thuận Hòa đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Mai Thanh Bạch, trú thôn Thuận Hòa than thở: “Người đi qua cầu đã khó huống chi là các phương tiện, máy móc nặng nề. Dân chúng tôi chủ yếu sống dựa vào nghề nông, hầu hết diện tích lúa ở địa phương đều được người dân gặt bằng tay, vì máy gặt bên ngoài không thể di chuyển vào được. Việc xây dựng nhà cửa cũng rất khó khăn bởi cầu rất yếu, xe chở vật liệu không thể đi qua, mọi người buộc phải vận chuyển bằng thuyền qua sông rồi sau đó dùng xe bò để chở về nhà...”.

Trăn trở trước sự thiếu an toàn của bà con khi qua cầu, ông Hoàng Anh Vũ, Trưởng thôn Thuận Hòa tâm sự: Trước đây người dân trong vùng muốn ra với bên ngoài để giao thương thì phải sử dụng thuyền hoặc bơi qua sông. Nói chung, việc đi lại hết sức phức tạp và rất nguy hiểm. Vào năm 2005, do việc đi lại quá khó khăn nên người dân trong thôn đã chung tiền mua vật liệu dựng một chiếc cầu phao bắc qua một nhánh sông Gianh.

Từ khi có cầu, việc di chuyển của người dân thuận lợi hơn hẳn. Tuy vậy, cây cầu này được làm bằng các tấm ván gỗ đặt trên các thùng nhựa rồi kết lại với nhau, nên khi có người qua lại cầu thường bị rung lắc, rất dễ té xuống nước. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, nước sông thường chảy xiết khiến “ốc đảo” luôn bị cô lập, mọi người không thể sang bên kia sông, các em học sinh thì phải nghỉ học.

Ông Hoàng Anh Vũ, trưởng thôn (phải) cùng với người dân trong thôn tiến hành thay lại các tấm lót cầu đã bị mục nát, bong tróc.
Ông Hoàng Anh Vũ, trưởng thôn (phải) cùng với người dân trong thôn tiến hành thay lại các tấm lót cầu đã bị mục nát, bong tróc.

Để giữ cầu trước dòng nước giữ, lắm lúc chúng tôi buộc phải kéo cầu phao này về một bên sông rồi chằng néo cẩn thận để cầu không bị nước cuốn trôi, đợi khi nước rút thì nối lại sử dụng tiếp... Việc người dân đi qua cầu bị ngã xuống sông ướt hết đồ đã xảy ra nhiều lần, nhưng rất may chưa xảy ra chết đuối. Để bảo đảm an toàn, địa phương đã vận động người dân tập bơi cho cho các em học sinh, đề phòng khi gặp sự cố”.

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, cho biết: “Trong đợt lũ dữ năm 2016, một phần chiếc cầu phao đã bị nước lũ cuốn phăng, hư hỏng nghiêm trọng. Sau lũ, để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền xã Quảng Trường đã huy động nhiều lực lượng giúp dân dựng lại cây cầu để dùng tạm.

Sau đó, ngoài nguồn kinh phí do huyện hỗ trợ, địa phương còn trích ngân sách và kêu gọi thêm sự đóng góp của các nhà hảo tâm để tiến hành tu bổ cầu phao. Nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, địa phương rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng một cây cầu kiên cố hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thôn Thuận Hòa an tâm sản xuất, giao thương với bên ngoài, học sinh khỏi phải nghỉ học khi có lũ lụt...”.

Anh Quốc