.

Dốc Mây... miền xa thẳm - Bài 2: Gieo chữ... neo đậu tình người

Thứ Hai, 12/06/2017, 15:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn Nguyễn Văn Tráng cho chúng tôi xem danh sách nhận gạo hàng tháng của các hộ gia đình Dốc Mây, nơi phần ký nhận thấy toàn điểm chỉ, màu mực đỏ nhức nhối. Trưởng bản Hồ Văn Hải thừa nhận sợ nhất là mù chữ, tái mù chữ. Con chữ gieo vào Dốc Mây gian nan mới neo đậu lại được, vậy nên ngoài chương trình giáo dục tiểu học do hai thầy giáo cắm bản dạy cho trẻ còn có thêm lớp học “độc nhất vô nhị” tại Dốc Mây - lớp học xóa mù.

>> Dốc Mây... miền xa thẳm- Bài 1

Chúng tôi xin quay ngược về quá khứ cách đây hơn chục năm, năm 2006, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Mô quyết định “biệt phái” đại uý Nguyễn Văn Việt, Đội phó Đội vận động quần chúng và thượng uý Trần Văn Chung, thầy giáo quân hàm xanh vào bám bản “bốn cùng” ở Dốc Mây. Lúc Bộ đội Biên phòng đến, Dốc Mây hoang sơ lắm, người ở chung với trâu bò. Trẻ con tóc cháy, không có áo quần để mặc. Người dân đau ốm, sốt rét dài ngày nhưng không điều trị, chỉ tin vào ma chay, cúng bái. Dân bản lâm vào cảnh thiếu ăn, đói cơm, rách áo quanh năm. Đêm nằm, bọ chét rúc ráy, bọ mắt cắn liên tục...

Người đặt nền móng cho cái chữ Bác Hồ neo đậu lại Dốc Mây là thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Chung. Năm học đầu tiên thầy không rành tiếng Vân Kiều, trẻ chẳng biết tiếng Kinh, không tài nào dạy được. Thầy nhanh trí dùng các động tác hình thể, kết hợp với hình vẽ trong sách giáo khoa. Theo thời gian, thầy và trò hiểu nhau, gần gũi nhau hơn. Lớp học xóa mù giữa rừng sâu do thầy Chung làm chủ nhiệm rất linh động: trẻ từ bốn đến mười bốn tuổi học ban ngày. Thanh thiếu niên, phụ nữ, người già tranh thủ xoá mù ban đêm. Trẻ yêu cái chữ nhưng chưa quen cầm bút hơn con dao, cái cuốc. Vật lộn với con chữ mệt quá, chúng trốn biệt lên rừng, lên rẫy, chỉ tội thầy phải lặn lội đến từng nhà động viên. Người lớn biết viết được cái tên của mình là thầy giáo hạnh phúc lắm. “Bốn cùng” với Dốc Mây, Trần Văn Chung trở thành người con của bản lúc nào không ai biết nữa. Tiếng Vân Kiều thầy nói trôi chảy, những lúc bên ché rượu cần người già vui, vuốt râu khen: “Bộ đội Chung là đứa con cưng trong bản Dốc Mây”.

Thiếu tá Hồ Tiến Dũng, thầy giáo quân hàm xanh được đồng bào dân tộc Vân Kiều bản Dốc Mây xem như người nhà.
Thiếu tá Hồ Tiến Dũng, thầy giáo quân hàm xanh được đồng bào dân tộc Vân Kiều bản Dốc Mây xem như người nhà.

Rất tiếc khi đoàn công tác chúng tôi đến Dốc Mây, thời gian đã vào hè, trường học đóng cửa, trẻ em ở nhà, hai thầy giáo cắm bản về xuôi. Từ nền móng con chữ Bộ đội Biên phòng đặt nơi Dốc Mây năm nào,  bây giờ Dốc Mây sở hữu một “khối tài sản” đáng trân trọng, trân trọng đối với người thầy đi gieo chữ, trân trọng sự nỗ lực của người dân Dốc Mây. Toàn bản có 33 học sinh tiểu học từ lớp một đến lớp ba. Hai học sinh hoàn thành xong chương trình tiểu học cắt rừng ra trung tâm xã và về xuôi học nội trú: Hồ Thị Bình, Hồ Văn Choi, cùng lớp bảy.

Thực tế con chữ rất chông chênh tại bản Dốc Mây. Sau khi thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Chung chuyển công tác về xuôi, nguy cơ mù chữ, tái mù chữ bắt đầu trở lại Dốc Mây.  Đi tìm nguyên nhân, đồng bào nói thật, lời nói thật đến quặn lòng: “Ơ... học xong cái chữ, không biết cất ở mô, không ăn được, không đổi gạo được, không no cái bụng. Mấy khi có cơ hội được đem ra sử dụng, giao tiếp... đồng bào lên rừng, lên rẫy vài lần, cái chữ bay mất”. Xa xôi, cách trở, hầu như tách biệt với miền xuôi.... con chữ, phép toán không ôn, chẳng luyện, tái mù là chuyện đương nhiên.

Trước nguy cơ mù chữ, tái mù chữ, một lớp học đặc biệt hình thành tại Dốc Mây, lớp học xóa mù cho đồng bào. Gọi lớp học đặc biệt vì được tổ chức vào ban đêm, ban ngày dành cho buổi học chính khóa. Thầy giáo giảng dạy là Bộ đội Biên phòng. Đặc biệt hơn vì hơn 30 học viên đủ mọi lứa tuổi, nhiều gia đình anh em, con cái, bố mẹ, vợ chồng cùng theo học. Từ tháng 5-2015 bắt đầu dạy chương trình lớp một, bây giờ lớp xóa mù lên đến lớp ba. Bảy cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô thay nhau đứng lớp dạy chữ, cứ mỗi buổi tối gồm hai người. Cắm bản khoảng 10 đến 15 ngày, hết lương thực, thực phẩm, trở ra đơn vị, hai người khác tiếp tục vào thay.

Thượng úy Hồ Manh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô, hướng dẫn học viên trong lớp xóa mù tập viết và tập đánh vần.
Thượng úy Hồ Manh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô, hướng dẫn học viên trong lớp xóa mù tập viết và tập đánh vần.

Chúng tôi “dự khán” một buổi học xóa mù như thế trong đêm. Khoảng 7 giờ tối, nghe tiếng kẻng đánh, không ai bảo ai, dân bản lũ lượt đến trường. Đêm Trường Sơn xuống nhanh, mỗi học viên đi học kèm theo một ngọn đèn đội đầu. Những vệt đèn chạy ngoằn ngoèo khắp các ngã đường. Đêm nay, hai thầy giáo Hồ Manh và Hồ Tiến Dũng đứng lớp, dạy môn Tiếng Việt. Dưới ánh đèn điện tù mù, học viên bật thêm đèn pin đội đầu cho đủ sáng. Thầy Hồ Manh nắn nót viết lên bảng từng dòng chữ. Từng học viên bắt đầu đánh vần. Sau phần đánh vần thuần thục, thầy giáo đi đến từng người giúp học viên tập viết.

Mế Hồ Thị Thon, ngoài 50 tuổi, học viên cao tuổi nhất lớp, khi được đề nghị viết tên mình, mế Thon nắn nót, từng con chữ chậm chạp hiện lên trên trang giấy trắng học trò, to như quả trứng gà. Buổi học đang tập trung chợt Hồ Văn Thới đứng lên: “Báo cáo thầy giáo Manh, thầy giáo Dũng cho miềng về. Vợ đau!”. Thầy giáo chưa kịp lên tiếng, dáng Thới đã biến mất dưới chân cầu thang. Hồ La Phon, sinh năm 1968 đến lớp xóa mù cùng các con Hồ Văn Thùa, Hồ Văn Choi: “Trước đây mình từng học với cán bộ Chung rồi, từ ngày cán bộ Chung về xuôi, chữ nghĩa bay đi hết. Giờ mình đi học lại, không lẽ để thua mấy đứa con” - Hồ La Phon cười hềnh hệch bảo - “Học cái chữ khó quá, tay chân cứ cứng đơ. Đi rừng, phát rẫy, làm nương dễ hơn học chữ nhiều”.

Đã ba mùa rẫy, những thầy giáo quân hàm xanh Đồn Biên phòng Làng Mô thay nhau “bốn cùng” dạy chữ cho đồng bào Vân Kiều Dốc Mây. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tường, thiếu tá Hồ Tiến Dũng, thượng úy Hồ Manh, thượng úy Lê Hữu Đại... xem Dốc Mây như nhà mình, đồng bào như người thân của mình. Thiếu tá Hồ Tiến Dũng chia sẻ: “Chúng tôi không mơ ước gì cao siêu đâu, thứ nhất mong bà con đi học chuyên cần. Trên ba mươi học viên nhưng khó bảo đảm đủ sỹ số, tùy theo thời vụ, mùa rẫy, mùa săn ong, hái mây... duy trì mười lăm đến hai mươi người là tốt lắm rồi. Thêm nữa cố gắng làm sao dạy đồng bào biết đọc, biết viết, tính toán giản đơn trong phạm vi 100. Biết và viết được tên mình khi có nhu cầu giao dịch bằng văn  bản với các cấp chính quyền”.

Hai ngày trải nghiệm ở Dốc Mây, trân quý tình cảm đồng bào dân tộc Vân Kiều trao gửi. Dẫu xa ngái, dẫu còn đói nghèo, đồng bào Dốc Mây cùng với Bộ đội Biên phòng “chung lưng, đấu cật” bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất biên cương.

Thanh Long - Văn Minh