.
Hưởng ứng 71 năm ngày phòng, chống thiên tai Việt Nam (22-5-1946 - 22-5-2017):

Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Chủ động, linh hoạt, kịp thời

Thứ Hai, 22/05/2017, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Diễn biến thời tiết thất thường trong những năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh. Riêng trong năm 2016, chưa kể đến những cơn bão và nắng nóng, Quảng Bình đã phải hứng chịu 6 đợt mưa lớn trên diện rộng, gây lũ lụt nghiêm trọng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tổng thiệt hại lên đến hơn 2.800 tỷ đồng. Con số này tương đương với tổng thu ngân sách của toàn tỉnh trong một năm. Chính vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cần phải được đặc biệt chú trọng.

Thời gian qua, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đã rất quan tâm xây dựng và triển khai các phương án đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết. Tuy nhiên, con số thiệt hại vẫn còn rất lớn.

Cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an tham gia tìm kiếm cứu nạn trong lũ.
Cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an tham gia tìm kiếm cứu nạn trong lũ.

Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng hơn. Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, năm 2016, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCTT-TKCN ở các địa phương, cơ sở, công trình trọng điểm; đồng thời, đề xuất bổ sung phương án, kế hoạch, giải pháp để sẵn sàng đối phó với thiên tai bão, lụt.

Mặt khác, Ban chỉ huy đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình thực hiện các chuyên mục, bài viết  nhằm tuyên truyền về các loại hình thiên tai, lụt bão và phương pháp phòng, tránh, qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng.

Các cấp ngành, địa phương cũng đã tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2015, xây dựng phương án PCTT-TKCN năm 2016 theo phương châm “4 tại chỗ” sát với từng địa phương, đơn vị; rà soát, thống kê những khu vực, địa phương có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai (lũ quét, sạt lở đất...) để chuẩn bị phương án di dời dân khi cần thiết.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã phối hợp tiếp nhận, lắp đặt 5 trạm đo mưa tự động tại các xã Tân Hóa (Minh Hóa), Cao Quảng (Tuyên Hóa), Lâm Thủy (Lệ Thủy) và 2 hồ chứa (Rào Đá, Vực Nồi) do PRUDENTIAL hỗ trợ; chủ động mua sắm 1.500 phao áo cứu sinh, 12 máy bộ đàm; tiếp nhận 26 nhà bạt, 20 phao bè, 800 áo phao cứu sinh, 2.000 phao tròn cứu sinh và 1 thiết bị đồng bộ chữa cháy do Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cấp phân bổ về các địa phương, đơn vị phục vụ công tác PCTT-TKCN.

Từ kết quả của công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các đợt thiên tai trong năm 2016 cho thấy, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác PCTT. Điều đó thể hiện qua việc chỉ đạo về công tác tuyên truyền, tập huấn, tu bổ, sửa chữa các công trình hồ, đập, đê kè, cống, đường cứu hộ cứu nạn, khu neo đậu tàu thuyền, công trình chống sạt lở, di dân tái định cư, tìm kiếm cứu nạn, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai...

Qua 2 trận lũ lớn tháng 10-2016, toàn tỉnh không có hồ, đập nào bị vỡ hoặc gặp sự cố nghiêm trọng; các khu neo đậu tàu thuyền đã phát huy tốt hiệu quả. Việc dự báo, thông tin về diễn biến bão, lũ kịp thời đã giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và địa phương sát với thực tế.

Hệ thống hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta được đầu tư bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Hệ thống hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta được đầu tư bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình đã cử cán bộ phóng viên về tận địa bàn, đưa tin cụ thể, liên tục về công tác phòng ngừa, ứng phó với bão lũ, nên đã giúp cho nhân dân chủ động hơn trong công tác phòng tránh. Các sở, ban, ngành đã có kế hoạch, phương án và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các phương án đối phó với bão, lũ.

Những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2016, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp và phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, công trình hạ tầng cơ sở, sản xuất và đời sống của nhân dân. Dự báo tình hình thiên tai trong năm 2017 tiếp tục diễn biến theo xu hướng cực đoan và có thể gây thảm họa lớn. Để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017.

Trước hết, phải xác định công tác PCTT-TKCN cần được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên, các cấp ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1901/2008/QĐ-UBND ngày 5-8-2008; thực hiện lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, các ngành nhằm bảo đảm công tác chỉ huy, chỉ đạo; tiếp tục rà soát các nội dung  và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương cần chủ động tổ chức các lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng; tổ chức quản lý, kiểm tra, duy tu, nâng cấp định kỳ các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, giao thông, thông tin, điện lực, thông tin, kho tàng, nhà cửa.

Quảng Bình thường phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra hàng năm.
Quảng Bình thường phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra hàng năm.

Các cơ quan chức năng cần sớm tổ chức nghiên cứu giải pháp thoát lũ ở khu vực Phong Nha (Bố Trạch), giảm ngập lụt cho thành phố Đồng Hới; rà soát bổ sung phương án phòng lũ lụt hạ du hồ thủy điện Hố Hô. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành các công trình phòng, chống thiên tai, như: Khu neo đậu tàu thuyền Roòn, Khu neo đậu cửa sông Nhật Lệ; các tuyến đê kè..., sớm đưa các công trình vào sử dụng để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Trên cơ sở những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các phương tiện phòng, chống lụt bão như: thuyền máy, phao cứu sinh, phao bè...; huấn luyện lực lượng TKCN tỉnh để có thể thực hiện nhanh nhất nhiệm vụ TCKN, cứu hộ trên biển.

Hiện tại, Quảng Bình rất cần được trang cấp 1 tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển có tốc độ cao, thời gian hoạt động liên tục 10 ngày, chịu được gió cấp 8 và 3 canô ST450 để phục vụ tìm kiếm cứu nạn. Trung ương cần hỗ trợ kinh phí để Quảng Bình nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng; lập quy trình vận hành các hồ chứa còn lại; xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du các hồ chứa nước vừa và lớn trên địa bàn tỉnh; lắp đặt các thiết bị đo mưa, thuỷ lực, thuỷ văn dòng chảy trên lưu vực, tại công trình và hạ du. Việc hỗ trợ người nghèo Quảng Bình xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; xây dựng chòi tránh lũ, lụt cũng rất cần được Chính phủ cấp kinh phí.

Nguyễn Hoàng