.

Tuyên Hoá: Tăng cường các biện pháp hạn chế thương vong sau lũ lụt

Thứ Sáu, 04/11/2016, 17:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tuyên Hoá cho biết, ở đợt lũ trung tuần tháng 10-2016, toàn huyện có tới 30 người bị thương và 1 người chết. Chưa dừng lại ở đó, trong đợt lũ chồng lũ đầu tháng 11-2016, toàn huyện lại có thêm 1 người chết, 13 người bị thương. Trước thực tế đáng buồn này, huyện Tuyên Hoá đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tối đa những trường hợp thương vong xảy ra sau thời điểm lũ lụt...

Không nên chủ quan thả lưới bắt cá ở những nơi nước lũ còn chảy xiết.
Không nên chủ quan thả lưới bắt cá ở những nơi nước lũ còn chảy xiết.

Theo một số vị lãnh đạo huyện Tuyên Hoá phân tích, sau khi lũ rút, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng của các địa phương bị hư hỏng và tiềm ẩn nguy cơ gây thương vong cho người dân là rất lớn. Đơn cử như hệ thống đường giao thông liên thôn, xã, huyện... sau khi bị lũ xói lở, nếu người dân bất cẩn, thiếu quan sát, nguy cơ té ngã sẽ rất cao. Tiếp đó, không ít công trình trường học, trụ sở làm việc, nhà dân... do bị lũ lụt xô đẩy, ngâm nước lâu ngày nên rất dễ đổ rơi, rò rỉ điện, nếu người dân không cẩn trọng thì nguy cơ bị tai nạn là rất lớn.

Còn nữa, theo kinh nghiệm của nhân dân là sau khi lũ lụt rút nước đến đâu thì khẩn trương tiến hành vệ sinh đến đó. Việc làm này sẽ giúp mọi người đỡ tốn công sức về sau, nhanh chóng hạn chế mầm bệnh phát sinh sau lũ... Thế nhưng, khi người dân dọn dẹp vệ sinh ở thời điểm này, rất dễ bị té ngã do trơn trượt, đạp phải những vật sắc nhọn...

Nói chung, có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn sau thời điểm lũ lụt dẫn đến gây thương vong, thậm chí gây tử nạn cho người dân nếu bất cẩn... Và thực tế, đã có một số trường hợp bị thương vong sau lũ lụt xuất phát từ sự chủ quan của chính bản thân họ.

 

Trong khi dọn dẹp vệ sinh sau lũ, mọi người phải hết sức cẩn trọng để tránh thương thương vong.
Trong khi dọn dẹp vệ sinh sau lũ, mọi người phải hết sức cẩn trọng để tránh thương vong.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hoá Nguyễn Tri Phương cho biết: Những ngày sau khi lũ vừa rút, UBND huyện Tuyên Hoá đã khẩn trương vận động, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đồng loạt về giúp các xã bị ngập lụt sâu và thiệt hại nặng triển khai thu dọn vệ sinh, nạo vét bùn đất ở các trục đường, trụ sở, trường học, trạm y tế, nhà dân; xử lý vệ sinh môi trường, nước uống không để xẩy ra dịch bệnh; khắc phục nhanh các trường học, trạm y tế, các công trình giao thông, đảm bảo đời sống và sinh hoạt của nhân dân; chủ động khắc phục công trình thủy lợi để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông xuân...

Cụ thể: Công an huyện Tuyên Hoá và xã Sơn Hóa đến giúp xã Văn Hoá; Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hoá về giúp xã Tiến Hóa; cơ quan Huyện ủy và cơ quan UBND huyện giúp xã Châu Hóa; Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện và Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện giúp xã Mai Hoá; Chi cục Thuế Tuyên Hoá và thị trấn Đồng Lê giúp xã Phong Hóa; UBMTTQVN huyện và xã Nam Hóa giúp xã Thạch Hóa; Trung tâm VHTTTT huyện giúp xã Đức Hóa...

Hiện nay, toàn thể Đảng bộ, chính quyền huyện Tuyên Hoá đang tích cực tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục những hậu quả của lũ lụt, sớm ổn định lại đời sống cho nhân dân...

Tuyến tuyến đường Cao Quảng đi Châu Hoá bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm
Tuyến tuyến đường Cao Quảng đi Châu Hoá bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm

Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá thông tin thêm, cùng với việc huy động nhiều lực lượng, phương tiện về hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, UBND huyện Tuyên Hoá còn yêu cầu các đơn vị nói trên cần phải quán triệt với các thành viên của mình hết sức cẩn trọng để tránh những thương vong cho bản thân.

Mặt khác, ngoài việc hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, lực lượng này cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo tự vệ bản thân, tránh những thương vong do chủ quan, lơ là sau thời điểm lũ lụt.

Đặc biệt, thời điểm này, Tuyên Hoá cũng đang tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị từng bước khắc phục những điểm sạt lở, lập rào chắn, bố trí lực lượng... để cảnh báo cho nhân dân biết được những vị trí nguy hiểm sau lũ lụt như: Cầu treo Kim Tiến (xã Kim Hoá) bị sạt lở 2 bên mố cầu; tuyến đường Cao Quảng đi Châu Hoá bị sạt lở ở nhiều điểm chưa khắc phục xong; tuyến đường Mai Hoá đi Ngư Hoá và đoạn đường Hồ Chí Minh và Bắc Sơn đi xã Thanh Thạch tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá cao.

Huyện Tuyên Hoá cũng khuyến cáo người dân, trong hoạt động lao động sản xuất phải hết sức đề phòng nguy cơ xảy ra tai nạn do vớt củi, thả lưới bắt cá nơi sông, suối...

Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền để hạn chế thương vong sau lũ lụt, mỗi một người dân cũng phải tự chủ động bảo vệ bản thân, không nên chủ quan, lơ là trong mọi tình huống.

Văn Minh

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tuyên Hoá cho biết, đợt lũ kép đầu tháng 11-2016 tiếp tục "cuốn trôi" một khối lượng tài sản, cơ sở hạ tầng... của huyện Tuyên Hoá ước tính trị giá khoảng 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, lũ lụt còn khiến 1 người chết và 13 người bị thương, chủ yếu bị thương do dọn dẹp sau lũ (xã Tiến Hoá 6 người; Phong Hoá 1 người; Mai Hoá 3 người; Châu Hoá 3 người).