.

TP. Đồng Hới: Khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống nhân dân

Thứ Sáu, 04/11/2016, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều cụ cao niên sống, gắn bó với thành phố Đồng Hới đều có chung nhận định về trận lũ lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 10 trên địa bàn tỉnh nói chung và Đồng Hới nói riêng là: chưa bao giờ thấy lượng mưa lớn cấp tập liên tục như thế, nước lên nhanh, hỗn khiến người dân trở tay không kịp… thiệt hại quá nặng nề.

Thông kê sơ bộ từ UBND thành phố Đồng Hới cho thấy, thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn thành phố lên đến trên 222 tỷ đồng. Trong đó có 7.660 ngôi nhà bị ngập; 20 nhà sạt lở, tốc mái; diện tích nuôi trồng thủy sản hư hỏng 381 ha; số gia súc chết 3.107 con, 70.931 con gia cầm bị cuốn trôi; thành phố có 2 người chết trong lũ lụt.

Các tuyến phố ở Đồng Hới chìm sâu trong trận lũ lịch sử vừa qua.
Các tuyến phố ở Đồng Hới chìm sâu trong trận lũ lịch sử vừa qua.

Với lượng mưa vượt trên 1.000mm, nên trong khoảng thời gian ngắn, hệ thống thoát nước trên địa bàn nội thị thành phố hoàn toàn tê liệt, nước lên nhanh làm ngập sâu các tuyến phố. Nhiều trục đường chính như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Quang Khải, Hữu Nghị, Thống Nhất, Hai Bà Trưng, Bà Triệu... hầu như chìm trong nước, có nơi ngập trên 1 mét. Nước lũ nhấn chìm hàng loạt phương tiện xe máy, ô tô và các loại tài sản có giá trị của người dân.

Các xã, phường phía tây thành phố như Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, Đồng Sơn, Thuận Đức chưa bao giờ người dân chứng kiến một trận lũ kinh hoàng như thế. Nhiều khu dân cư chìm sâu trong nước, bà con chỉ kịp tháo chạy thoát thân lên đường Hồ Chí Minh, để lại tài sản cho nước lụt tàn phá.

Đắng lòng nhất là hơn 100 hộ dân tại tổ dân phố 9, phường Đồng Sơn. Lũ lụt đi qua, dân trắng tay. Anh Đinh Gia Lâm, chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa sau lũ vẫn chưa hết bàng hoàng khi hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm của gia đình bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước.

Anh Lâm xót xa: “Cả tỷ đồng vốn liếng bỏ ra kinh doanh, chừ lũ lụt cướp hết, hàng hóa cho chẳng ai thèm chứ đừng tính đến chuyện bán mua”. Đáng chú ý, 60 hộ gia đình ở các địa phương Nghĩa Ninh, Thuận Đức, Đức Ninh, Lộc Ninh... sở hữu các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Thiệt hại trên 10 tỷ đồng là hậu quả để lại cho gia đình chị Đặng Thị Ánh ở thôn Thuận Ninh, xã Thuận Đức.

Trang trại chăn nuôi lợn của chị chỉ sau một buổi chiều 15-10 thành tan hoang. Gần 1.400 con lợn, 700 con gà chọi, 300 tấn thức ăn gia súc... cuốn theo dòng nước. Cùng cảnh như chị Ánh, “vua gà” Nguyễn Bình San, thôn 1 xã Lộc Ninh mất trắng hết 5.000 con gà. Hàng loạt ao hồ mặt nước nuôi trồng thủy sản bị nước xóa phẳng.

Với phương châm “4 tại chỗ” trước, trong và sau lũ lụt, Thành ủy, UBND cùng các ban, ngành thành phố và nhân dân trên địa bàn triển khai nhanh các biện pháp đối phó với lũ lụt, đặc biệt tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực nhằm ổn định tình hình, tiến hành vệ sinh môi trường, giúp dân ổn định cuộc sống. Thành phố đã trích ngân sách cùng với các nguồn hỗ trợ khác để cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập nặng.

Nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân thành phố bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt.
Nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân thành phố bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt.

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ lịch sử gây ra, một trong những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho thành phố là làm sao vừa ổn định dân sinh vừa khôi phục lại các công trình xây dựng cơ bản, công trình thủy lợi chuẩn bị cho sản xuất đông-xuân sắp tới. Trên địa bàn có 5 công trình hồ đập hư hỏng nặng; 249m kênh mương nội đồng bị cuốn trôi; 1 trạm bơm bị phá hủy hoàn toàn.

Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Đình Thắng cho biết: “Từ khi lũ lụt xảy ra đến nay, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân ưu tiên dành mọi nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Vừa khắc phục hậu quả lũ lụt vừa chủ động đề phòng những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường tiếp theo. Giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp ban đầu về cơ bản đã qua, thành phố sẽ có nhiều biện pháp lâu dài nhằm khắc phục, sửa chữa lại hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thiết yếu...”

“Thành phố cũng đã tiến hành thống kê thiệt hại của các chủ trang trại, gia trại, sớm đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, vực dậy đàn gia súc, gia cầm, diện tích nuôi trồng thủy sản nước cuốn trôi. Để chuẩn bị cho vụ đông-xuân sắp tới, UBND thành phố sẽ có chính sách trợ cước, trợ giá về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật cho nông dân, bảo đảm đúng kế hoạch, lịch thời vụ đề ra”, ông Hoàng Đình Thắng nói.


Tính đến ngày 31-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận 5.600 suất quà trị giá gần 2 tỷ đồng và trên 700 triệu đồng tàn tật của các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân thành phố bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt.

Mặt trận thành phố vừa là đơn vị đầu mối tiếp nhận vừa chủ động phối hợp với Hội CTĐ thành phố và các ban, ngành, chính quyền địa phương phân bổ tiền, hàng hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, ưu tiên cho những gia đình bị thiệt hại nặng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách...

Thanh Long