.

Bộn bề khó khăn sau lũ

Thứ Tư, 21/09/2016, 11:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên 30 nhà dân bị ngập, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn, 1 nhà bị nước lũ cuốn trôi, nhiều công trình dân sinh, trường học và tài sản của bà con cũng bị cuốn theo dòng nước... Đó là những thiệt hại do cơn lũ vừa qua tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Trận lũ lịch sử này đã làm cho người dân bản Bãi Dinh phải đối mặt với bộn bề khó khăn.

Ông Cao Quý Nhèng, Trưởng bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nhưng chưa bao giờ thấy lũ lớn như thế. Lũ đã cuốn trôi nhà cửa và nhiều tài sản của bà con. Trường tiểu học và trường mầm non Bãi Dinh bị ngập sâu gây thiệt hại nặng...”. Theo ông Nhèng, đây là cơn lũ quét, nước lên rất nhanh, chảy xiết, lại xảy ra ban đêm nên nhiều người dân không kịp trở tay.

Hiện bản Bãi Dinh có 181 hộ dân, trên 730 nhân khẩu. Mặc dù dân số của bản khá đông nhưng đất ở của bà con hết sức chật chội, nay lại bị sạt lở tấn công. Theo thống kê, bản có 33 nhà dân bị ngập, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn và một nhà bị nước cuốn trôi.

Ông Đinh Hải Đường, 76 tuổi kể lại: “Lúc đó khoảng 8 giờ tối, nước từ đầu nguồn đổ về tràn vào hàng chục nhà dân và gây sạt lở đất khiến nhiều hộ phải bỏ của chạy lấy người. Lúc đó, gia đình tôi và gia đình người con gái may mắn bỏ nhà chạy lên chỗ cao kịp nếu không đã bị dòng nước cuốn trôi rồi”.

Cầu treo ở bản Ka Định bị lũ cuốn trôi.
Cầu treo ở bản Ka Định bị lũ cuốn trôi.

Sau khi nước rút, ông Đường cùng gia đình quay về thì thấy nhiều tài sản của mình bị lũ cuốn trôi, nhà con gái ông ở bên cạnh bị sập đổ hoàn toàn, nền nhà bị lũ cuốn sạt hết gần một nửa nên ngày hôm sau ông phải nhờ người đến tháo xếp lại. Chị Hà con gái ông đang nhìn vào đống gỗ từ ngôi nhà mình thở dài: “Chừ đất cũng mất, tiền cũng không có nên chưa biết dựng nhà kiểu chi nữa”. Chồng chị Hà mất sớm, chị Hà đang nuôi ba đứa con nhỏ. Cha mẹ chị nay đã già nên chị không biết nhờ cậy ai nữa. Hiện chị và ba đứa con nhỏ đang tá túc nhờ nhà của một người dân trong bản.

Mặc dù cơn lũ đã đi qua khá lâu nhưng anh Đinh Song vẫn chưa hết hoàn hồn. Anh kể: “Khi cơn lũ ập vào đã làm sạt lở rồi cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, vườn tược của tôi. Trước khi lũ, nhà tôi vẫn cách khe Ka Ai gần 10 mét, nhưng khi cơn lũ đi qua thì chẳng còn lại thứ gì, may mà đưa vợ con kịp chạy thoát thân”. Gia đình anh Song có 3 người con, thuộc diện hộ nghèo của xã. Công việc hàng ngày của anh là vào rừng lấy các sản vật về bán và trồng lúa rẫy. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử năm nay đã làm hai rẫy lúa của anh xem như mất trắng. Hiện vợ chồng anh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có điều kiện để làm nhà mới nên phải đi tá túc nhờ.

Trong trận lũ vừa qua đã cuốn trôi nhiều diện tích đất ở, đất vườn của bà con ở bản Bãi Dinh, trong đó có nhiều nhà dân đang có nguy cơ sạt lở. Sạt lở đã tấn công vào khiến 11 hộ dân sống bên khe Ka Ai đang sống trong cảnh lo âu thấp thỏm. Chị Đinh Thị Hải, một người dân trong bản Bãi Dinh cho hay: “Trận lũ vừa rồi đã cuốn mất hàng chục mét vuông đất vườn và lở vào sát tận nền nhà. Nay chỉ cần một trận lũ nữa là nhà cửa, vườn tược bị cuốn trôi tất cả. Giờ nhà tôi có muốn di dời nhưng tiền thì không có, lại chưa nhận được đất để chuyển nhà”. Trong số 11 hộ dân cần phải di dời, có một số nhà đã bị nước xói sâu vào nền nhà và sân...

Ngầm tràn qua bản Ba Loóc bị lũ hư hỏng hoàn toàn.
Ngầm tràn qua bản Ba Loóc bị lũ hư hỏng hoàn toàn.

Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Trước mắt, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để giúp đỡ cho những hộ dân, trường học bị thiệt hại do trận lũ vừa qua. Đối với những hộ có nhà sập và cuốn trôi sẽ hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ nằm trong diện sạt lở, huyện cũng đã chỉ đạo, động viên cho bà di dời đến một vị trí an toàn, có quỹ đất để dựng nhà cửa. Riêng Trường tiểu học Bãi Dinh đã được hỗ trợ 150 đồng, trường mầm non 100 triệu đồng để nhà trường mua sắm lại bàn ghế, trang thiết bị để duy trì việc dạy và học”. Cũng theo ông Đinh Hữu Niên, trước đó, nhà ở của một số hộ trong bản Bãi Dinh có nguy cơ sạt lở cũng đã được huyện hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để di dời nhà, nhưng đến nay bà con vẫn chuyển đến nơi ở mới.

Ông Cao Quý Nhèng, Trưởng bản Bãi Dinh cho biết thêm: “Ở trong bản hiện còn khu vực Seng có diện tích khá rộng lớn, tôi mong huyện sớm quy hoạch để dời dân về đó. Nếu được quy hoạch, khu vực này sẽ đủ chỗ cho khoảng 50 hộ dân sinh sống”. Mặc dù được quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cũng như cộng đồng nhưng đời sống của người dân ở bản Bãi Dinh vẫn còn rất bộn bề khó khăn. Nếu công tác di dời, ổn định cuộc sống nhân dân không sớm được triển khai thì hàng chục hộ dân trong bản có nguy cơ mất nhà trong những trận lũ tới.
 

“Trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Dân Hóa bị thiệt hại hết sức nặng nề. Ngoài bản Bãi Dinh, mưa lũ đã làm ngập 2 nhà và 1 nhà bị sập ở bản Ba Loóc. Diện tích lúa rầy thiệt hại hoàn toàn. Điểm trường mầm non bị ngập sâu, sân vườn bị xói lở hoàn toàn khiến việc học tập, vui chơi của các cháu gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường vào bản nhiều chỗ bị sạt lở, ngầm tràn vào bản bị phá hỏng hoàn toàn nên các phương tiện không thể qua lại. Việc ra vào bản của bà con và giáo viên gặp rất nhiều khó khăn do không thể đi lại bằng xe máy. Tại bản Hà Vi, nước lũ làm sạt lở gần 50m đường quốc lộ 12A. Cầu treo bản Ka Định bị nước cuốn trôi”, ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết thêm.

Xuân Vương