.

Vượt qua hủ tục

Thứ Sáu, 19/08/2016, 10:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong ngôi nhà khang trang ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, người phụ nữ Vân Kiều bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một lời đúc kết: “Tổ tiên chúng tôi khi xưa không có họ của mình, khi lớn lên, được mang cái họ Bác Hồ, từ đó tất cả đồng bào đều là con cháu của Bác Hồ. Nghe theo Bác, làm theo Đảng để quên đi những hủ tục lạc hậu, hướng tới những điều tốt đẹp, ánh sáng văn minh”.

Vượt qua luật tục

Chị tên Hồ Thị Con. Nhắc đến tên chị, có lẽ người trong xã, trong huyện, thậm chí cả tỉnh, cả nước đều biết khi chị trở thành người phụ nữ đầu tiên dám một mình phá bỏ tục “nối dây”, một luật tục tồn tại trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều từ đời này sang đời khác. Chị bảo: “Nối dây” nôm na như ri, người phụ nữ Vân Kiều có chồng, khi không may chồng chết trước, họ sẽ phải tiếp tục làm vợ của anh hoặc em trai chồng, cho dù người đó đã già, có vợ, có con đàn cháu đống hay chỉ là một cậu thanh niên thua mình hàng chục tuổi. Nếu người phụ nữ Vân Kiều nào không tuân theo thì bị chịu phạt rất nặng, bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải hay con cái. Từ bao đời nay tục nối dây ăn sâu vào xương máu, tiềm thức đồng bào và nghiễm nhiên trở thành một luật tục nghiêm ngặt, buộc tất cả người Vân Kiều phải tuân theo”.

“Chị không tuân theo tục “nối dây”, báo chí viết nhiều rồi. Viết nhiều nhưng chưa nói hết. Chưa chạm đến cái đau trong tâm hồn chị, những được mất sau khi chị vượt qua luật tục. Bao đêm dài trăn trở nên chấp nhận hay tự mình phá bỏ, xây dựng gia đình, bản làng theo nếp sống văn minh như người Kinh anh em!”- chị Hồ Thị Con chia sẻ.

Năm 1974, khi Hồ Thị Con tròn 16 tuổi, chị lập gia đình với anh Hồ Văn Cu, người cùng bản. Chiến tranh, rồi đến thời bao cấp, cuộc sống nghèo, nhưng vợ chồng thuận hòa, hạnh phúc, 6 người con lần lượt ra đời “có nếp, có tẻ”. Ngày ngày hai vợ chồng lên nương, lên rẫy, xuống suối bắt cá, bắt tôm nuôi các con khôn lớn thành người... Năm 2001, chồng chị trở bệnh nặng, không lâu sau đó anh mất. Lúc chị mới 43 tuổi.

Chồng mất tròn năm, theo phong tục, gia đình nhà chồng bàn chuyện đưa chị Con về làm vợ hai của Hồ Văn Thục, em trai Hồ Văn Cu. Tréo ngoe một điều, người đi đánh tiếng lại là Hồ Thị Nòng (vợ Hồ Văn Thục), em gái chị Hồ Thị Con. Nòng van nài chị gái: “Chị ơi! Chị thương các cháu mồ côi thì về theo em làm vợ chồng em, như rứa mới giữ lấy các cháu trong nhà, giữ vẹn tình cảm gia đình, dòng giống nhà anh Cu”.

Chị Hồ Thị Con trên rẫy lúa của mình.
Chị Hồ Thị Con trên rẫy lúa của mình.

Chị Hồ Thị Con vẫn nhớ cái đêm định mệnh ấy, dù 15 năm đã trôi qua. Vẫn biết sẽ có một ngày nhà chồng theo tục nối dây mà sang đưa chị về, nhưng cảm giác chông chênh, đột ngột quá, ngôi nhà vẫn còn hơi ấm người chồng. Chị Con bảo em gái: “Em về nói với bố chồng, cho chị mãn tang anh đã rồi tính”. Nòng lo sợ: “Em sợ dân bản không tha!”.

Hai năm tang chồng cũng hết, lần này đích thân Hồ Văn Thục sang đưa chị dâu về làm vợ. Chị Con dứt khoát: “Khi chị về làm vợ anh Cu, Thục còn nhỏ, một tay chị chăm Thục như đứa em út. Nay anh Cu mất, chị về ở với Thục thì không được mô!”. Nghe chị Con từ chối, Thục quay về. Sau Thục là đến lượt bố chồng sang năn nỉ... chị Con tiếp tục tìm kế hoãn binh.  Nhưng dân bản đưa lý: “Mày không theo luật tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi về bắt cả bản chịu bệnh tật; hạn hán, lũ lụt không cho dân bản làm cái rẫy, cái ruộng. Nếu có chuyện gì xảy ra, người chết, ốm đau, bệnh tật, dân bản sẽ phạt nặng mày nhiều con trâu, con bò để cúng ma rừng, cúng Giàng”.

Nhiều đêm, chị Con không chợp mắt vì suy nghĩ: “Mình là đảng viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, nếu tuân theo luật tục của bản làng thì mình sẽ vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, rồi đây khi tuyên truyền, vận động, nhất là vận động bà con về dân số- KHHGĐ, bà con ai nghe!” Sau khi nghĩ thông, chị sang gặp bố chồng thưa chuyện lần cuối: “Con xin ra khỏi họ chồng để ở vậy nuôi con, thờ chồng”. Bố chồng chị nghe vậy thì khóc, ông nói: “Tao mất một đứa con rồi, giờ mất thêm 10 đứa cháu nữa (lúc này chị Con có 6 con đẻ, hai con dâu, hai đứa cháu nội) thì đau cái bụng lắm! Con ra khỏi họ nhưng đừng nối dây với ai khác kẻo mất hết người thân thích”. Chị Con nhớ lại: “Thời gian cứ thế trôi, ma rừng không bắt dân bản ốm đau, mùa màng tươi tốt, rẫy sắn, rẫy lúa cho thu hoạch năng suất cao... Chị lại được người Vân Kiều, người Kinh tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đại biểu HĐND xã, đại biểu HĐND huyện”.

Về sau nhiều phụ nữ Vân Kiều cùng cảnh ngộ với chị Con kháo nhau: “Chị Con nói đúng rồi, nối cái dây như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không đúng, lại lao vào vòng luẩn quẩn, phải học cái tốt của người Kinh, học tập gương chị Con thôi!”...

Đến bây giờ, người Vân Kiều xã Trường Sơn đã không còn tục “nối dây” nữa, chị Hồ Thị Con đã tiễn nó qua bên phía mặt trời lặn giữa đại ngàn rồi. Cũng trên chục năm có lẻ, đồng bào biết chăm lo tìm kế sinh nhai, biết hạn chế sinh đẻ, hướng đến xây dựng làng bản văn hóa, văn minh.

Tìm lại giống lúa rẫy xưa

“Tổ tiên người Vân Kiều khi xưa không có họ của mình, khi lớn lên, được mang cái họ Bác Hồ, từ đó tất cả đồng bào đều là con cháu của Bác Hồ. Là cán bộ, đảng viên, chị luôn tâm niệm phải học tập theo Bác, làm gì giúp đồng bào mình có cơm ăn, áo mặc, cuộc sống no đủ, hạnh phúc là chị làm”- Chị Hồ Thị Con khẳng định.
Hiện tại chị Hồ Thị Con vẫn tham gia công tác xã hội với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn. Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ “bật mí” cho chúng tôi thêm một điều thú vị về người phụ nữ Vân Kiều này- chính chị là người tìm lại những giống lúa rẫy, lúa nếp xưa của người Vân Kiều bị mai một từ lâu đời.

Phó Chủ tịch MTTQVN xã Trường Sơn Hồ Thị Con trong những chuyến công tác vào các bản vùng sâu.
Phó Chủ tịch MTTQVN xã Trường Sơn Hồ Thị Con trong những chuyến công tác vào các bản vùng sâu.

Kể chuyện đi tìm giống lúa Chà- và, giống nếp đen, chị Hồ Thị Con bảo: Công việc của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã bớt bận rộn hơn, chị có thời gian tìm hiểu về các loại giống lúa rẫy đồng bào mình trồng khi xưa, vậy là cơm đùm gạo bới vào Quảng Trị, sang cả bên Lào. Cơ duyên cho chị khi tìm thấy giống lúa Chà- và ở Hướng Hóa, Quảng Trị; giống nếp đen tìm thấy trên đất Lào. Cũng chẳng ai biết được chị đi tìm cái gì. Năm 2015, trên diện tích 2 ha keo, tràm vừa thu hoạch xong, chị thuê người trỉa giống lúa, giống nếp xuống. Vụ thu hoạch đó, chị Con tuốt về hơn 100 bao lúa vừa tẻ vừa nếp. Vậy là sau mấy chục năm vắng bóng, hạt lúa Chà- và, hạt nếp đen thực sự hồi sinh, mở ra hướng phát triển mới cho đồng bào. Không chỉ mang lại sự no ấm mà ẩn sâu trong đó chính là bản sắc văn hóa, nét đẹp trong sinh hoạt, ăn uống của người Vân Kiều.

100 bao giống lúa Chà- và, nếp đen chị Hồ Thị Con cung cấp cho bà con dọc các bản: Bến Đường, Đá Chát, Chân Trôộng, Thượng Sơn, Trung Sơn, Khe Cát, Dốc Mây, RìnRìn... nhân rộng ra ở vụ lúa rẫy 2016, diện tích lên đến 90ha. Nhiều hộ gia đình Vân Kiều tham gia trồng với diện tích lớn từ 1 đến 2 ha như: Hồ Lừ, Hồ Thị Lập, Hồ Văn Hải, Hồ Văn Lay... Sau những cơn mưa rừng, rẫy lúa của đồng bào Vân Kiều tốt bời bời, hứa hẹn tiếp một vụ mùa bội thu.

“Lúa rẫy o Con”- người dân xã Trường Sơn thân mật gọi khi nhắc đến chuyện hai giống lúa Chà- và và nếp đen hồi sinh trên nương rẫy đồng bào Vân Kiều. Và ngày ngày, ngoài thời gian dành cho công tác xã hội, chị Hồ Thị Con lại một mình lên với 2 ha lúa rẫy. “Cái bụng trong sáng, làm được nhiều việc tốt, thì cái chân không bao giờ mỏi!”- Người phụ nữ Vân Kiều đứng giữa rẫy lúa của mình nở nụ cười hạnh phúc.                                   

H.TR