.

Hiệu quả từ lò đốt rác thải

Thứ Tư, 17/08/2016, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội đồng Đội huyện Tuyên Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động học sinh, đoàn viên thanh niên và nhân dân xây dựng được 75 lò đốt rác thải sinh hoạt tại các trường học và khu dân cư trên địa bàn. Sau khi đi vào hoạt động, mô hình đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần làm cho môi trường ở các khu dân cư, trường học ngày càng sạch sẽ hơn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và nhân dân.

Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe cho học sinh và nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Huyện đoàn và Hội đồng Đội huyện Tuyên Hóa thường xuyên quan tâm, đưa nội dung này vào các chương trình hoạt động. Đầu năm 2015, Hội đồng Đội huyện đã quyết định xây dựng mô hình lò đốt rác thải tại các trường học và các khu dân cư, lấy liên đội Trường tiểu học Thanh Lạng và Liên đội Trường THCS Kim Hóa để xây dựng mô hình điểm. Cả hai ngôi trường này ở xã miền núi, có học sinh khá đông nhưng hệ thống xử lý rác thải còn rất thô sơ nên ảnh hưởng đến môi trường học tập cũng như sức khỏe của học sinh.

Để xây dựng công trình, Hội đồng Đội huyện Tuyên Hóa đã vận động quyên góp bằng vật chất và ngày công. Đối với đoàn viên thanh niên và đội viên nhi đồng quyên góp mức tối thiểu là 3 viên gạch 6 lỗ, nếu không đóng góp bằng gạch thì có thể góp bằng tiền mặt với mức quy đổi tối thiểu là 6.000đồng/1 người. Thấy được việc làm ý nghĩa này, các đoàn viên thanh niên, đội viên đến các bậc phụ huynh cũng như nhân dân đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Qua một thời gian, với sự đóng góp của các thành phần, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên, cả hai công trình đã hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng. Mỗi công trình lò đốt rác thải có diện tích khoảng 5m2, chiều cao khoảng 3m, có khoang để rác, khoang đốt lửa, khoang thải tro và xử lý.

 Một lò đốt rác thải trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Một lò đốt rác thải trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.

Việc xây dựng lò đốt rác to hay nhỏ tùy thuộc vào lượng rác đốt của trường học và các khu dân cư. “Cuối tuần, chúng tôi cho học sinh phân loại rác thải kỹ lưỡng. Loại nào đốt được sẽ cho vào đầy lò để đốt. Theo nguyên lý hoạt động, lò đốt rác thải được thiết kế đơn giản, khi châm lửa đốt, rác cháy lên gặp gió và ô xy thổi vào cửa lấy tro khoảng 10 – 15 phút, rác thải sẽ cháy hết. Rất nhanh, tiện và bảo đảm cho môi trường”, cô Hoàng Thị Kim Thúy, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Kim Hóa cho hay. Từ khi triển khai mô hình này, hai trường học có lò đốt rác thải không còn phải đào hố chôn lấp rác như trước kia nữa.

Phát huy hiệu quả từ lò đốt rác thải ở Trường tiểu học Thanh Lạng và Trường THCS Kim Hóa, đến nay, mô hình đã được Hội đồng Đội huyện Tuyên Hóa nhân rộng ra khắp các địa bàn. Hiện mô hình đã được 40/47 liên đội trường học, 3/5 Đoàn trường học, 3/20 xã, thị trấn trong huyện triển khai thực hiện, với 75 lò xử lý rác thải được xây dựng, tổng kinh phí 742 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Đạt, một người dân ở xã Thuận Hóa cho biết: “Trước đây, nhiều hộ dân trong thôn thường vứt rác bừa bãi nên môi trường thường bị ô nhiễm, trẻ em thường bị đau mắt đỏ, tiêu chảy vào mùa hè. Nhưng từ khi Đoàn Thanh niên phát động xây dựng lò đốt rác thải, tôi cùng một số hộ dân đã chung tiền, chung sức xây dựng một lò để bảo vệ môi trường. Có lò đốt rác nên bà con trong khu dân cư đã tự giác phân loại rác cho vào lò, khi rác đầy thì bà con sẽ đốt. Nhờ cách làm này nên môi trường trong thôn trở nên sạch sẽ, không còn mùi hôi nữa. Mùa hè đến cũng yên tâm vì con cháu không mắc các dịch bệnh”.

Anh Nguyễn Nhật, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Tuyên Hóa cho biết: “Lò đốt rác thải ở trường học, các khu dân cư là một trong những công trình thanh niên và công trình măng non của các tổ chức Đoàn - Đội. Hoạt động này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và người dân trên địa bàn, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ huyện Tuyên Hóa”. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Huyện đoàn và Hội đồng Đội huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và trực tiếp cùng với các trường học, bà con tiến hành xây dựng thêm các bể chứa rác tất cả các trường học và một số khu dân cư, các cánh đồng trên địa bàn huyện để hạn chế tối đa lượng rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

P.V