.

Chuyện ghi ở Sen Thủy

Thứ Hai, 15/08/2016, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Sen Thủy (Lệ Thủy) là xã giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, nơi có địa danh "truông nhà Hồ" nổi tiếng. Bây giờ, "truông nhà Hồ", nỗi ám ảnh một thời chỉ còn trong văn thơ và ký ức bởi con đường nối Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) và Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) giờ thênh thang 4 làn thẳng tắp. Song bên cạnh những đổi thay to lớn đã và đang đến với người dân Sen Thủy, thì vẫn còn đó những gian nan, gập ghềnh, nhất là con đường đến trường của các em học sinh...

Trong tổng số 12 thôn của xã, Thanh Sơn, Trầm Kỳ và Sen Bình là 3 thôn cách xa trung tâm xã gần 7km, giáp ranh với xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Trong đó hai thôn Thanh Sơn, Trầm Kỳ gặp nhiều khó khăn trong dạy và học bởi hệ thống trường học xuống cấp, hư hỏng nặng, không đáp ứng được nhu cầu của con em.

Anh Lê Dương Thắng, Trưởng thôn Trầm Kỳ cho biết: Thôn có 94 hộ với 388 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và khai thác nhựa thông, chăm sóc rừng trồng. Bên cạnh đời sống người dân còn nhiều hạn chế do kinh tế chậm phát triển, việc học của con em nơi đây còn nhiều gian nan. Trường tiểu học Sen Thủy có hai điểm trường, gồm điểm chính tại trung tâm xã và điểm lẻ tại thôn Thanh Sơn - Trầm Kỳ, nhiều em học sinh tiểu học phải đi từ 3 đến 4 km để đến trường. Những năm qua, 63 học sinh Thanh Sơn, Trầm Kỳ phải học trong những căn phòng dột nát có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. "May là năm học này, trường đã được Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential đầu tư xây dựng 5 phòng học. Hiện tại, các em học nhờ ở nhà văn hóa thôn và điểm trường mầm non để chờ trường mới. Có phòng học mới, học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và người dân trong thôn đều rất vui. Tuy nhiên con đường đến trường vẫn còn gian nan khi các cháu đang tuổi còn nhỏ nhưng phải vượt 3 - 4 km đường trên con đường mùa hè bụi mù mịt còn mùa đông lại lầy lội và trơn trượt!", Trưởng thôn Trầm Kỳ chia sẻ.

Học sinh thôn Thanh Sơn, Trầm Kỳ chuẩn bị bước vào năm học mới.
Học sinh thôn Thanh Sơn, Trầm Kỳ chuẩn bị bước vào năm học mới.

Không chỉ đối với học sinh tiểu học, các bậc phụ huynh có con em học THCS và THPT tại 3 thôn trên cũng đứng trước nhiều băn khoăn, lựa chọn. Chị Đinh Thị Thủy (thôn Trầm Kỳ) cho biết: Do các thôn này cách xa trung tâm xã cũng như Trường THCS Sen Thủy đến 7km, trong khi đó nếu sang học tại Trường THCS Vĩnh Chấp chỉ chưa đến 5km nên nhiều người đã cho con đi "học nhờ". Không chỉ gần mà các em học sinh còn đi đường tắt, an toàn hơn so với việc về trung tâm xã. "Với khoảng cách đó nhiều người vẫn có thể cho con học THCS tại Sen Thủy. Nhưng nếu thế thì sau này xin vào học ở Trường THPT Vĩnh Linh sẽ khó, mà ngược ra Trường THPT Trần Hưng Đạo ở trung tâm huyện lại quá xa nên ngay từ khi con học xong tiểu học, nhiều phụ huynh đã xin cho con sang học THCS ở Vĩnh Chấp cho thuận tiện!", chị Thủy lý giải.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Tấn Dùng, Hiệu trưởng Trường THCS Sen Thủy cho biết: Những năm qua, việc học sinh Sen Thủy sang "học nhờ" tại Vĩnh Chấp đã ảnh hưởng đến số lượng học sinh của trường. Trường THCS hiện có 304 em gồm 4 khối lớp. Năm học này, để giảm bớt tình trạng học sinh sang "học nhờ" tỉnh Quảng Trị, nhà trường đã đề xuất với UBND xã có văn bản gửi xã Vĩnh Chấp phối hợp, tuy nhiên vẫn có 11 em ở ba thôn Thanh Sơn, Trầm Kỳ và Sen Bình chuyển đi. Và hàng năm, 100% số học sinh học THCS ở Vĩnh Chấp cùng một số học sinh THCS Sen Thủy sẽ học tiếp bậc THPT tại Trường THPT Vĩnh Linh. "Chúng tôi đã tuyên truyền, giải thích cho các phụ huynh và học sinh, nhưng đây là việc khó khi đường đến Trường THCS Sen Thủy cũng như Trường THPT Trần Hưng Đạo xa và có nhiều khó khăn hơn!", thầy Dùng cho biết thêm.

Trăn trở với việc học của con em địa phương, ông Lê Đăng Ninh, Chủ tịch UBDN xã Sen Thủy đã nêu lên giải pháp để giải quyết tình trạng học sinh "học nhờ". "Đường vào Thanh Sơn, Trầm Kỳ dài 7km hiện xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ học sinh mà người dân hai thôn cũng gặp khó khăn trong lưu thông. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã cũng đã đưa việc tu sửa, nâng cấp tuyến đường vào kế hoạch. Thế nhưng con đường quá dài, bên cạnh đó đời sống kinh tế người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên việc nâng cấp con đường sẽ khó có thể thực hiện trong thời gian tới. Và không chỉ riêng tuyến đường này mà nhiều tuyến đường trong xã cũng khó khăn không kém, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đến lựa chọn trường học của con em địa phương. Việc giải quyết tốt vấn đề giao thông trên địa bàn sẽ góp phần hạn chế tình trạng “học nhờ” của các em học sinh!”.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Sen Thủy, với 12% hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ chỉ có 1 sào lúa và cũng đang “vượt biên giới” tham gia khai thác nhựa thông cho Lâm trường Bến Hải, nếu con đường được nâng cấp cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để làm được điều này, bên cạnh việc phát huy nội lực, Sen Thủy rất cần sự quan tâm hỗ trợ của huyện, của tỉnh để vững tin trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Mai