.

Vượt lên số phận - Bài cuối: Điều ước nào cho em…

Thứ Hai, 08/08/2016, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu tôi so sánh “nghiệt ngã” như thế này dễ chừng mấy ai tin: cô bé ngồi trước mặt tôi sinh năm 1989, bây giờ đã 27 tuổi, nhưng trọng lượng cơ thể em chỉ nhỉnh hơn tuổi em một con số - 28kg! Không tin, nhưng có thật, vì em là nạn nhân CĐDC, di chứng da cam làm cơ thể em còi cọc, nhỏ chỉ bằng trẻ học sinh lớp một. Đã vậy em lại “khoác” sau lưng túi ung bướu to quá cỡ, có cảm giác người em như bị co lại…

>> Vượt lên số phận- Bài 1

>> Vượt lên số phận - Bài 2: Hãy cất lên tiếng ca cho nỗi đau dịu lại

>> Vượt lên số phận - Bài 3: Vững vàng trên đôi chân tật nguyền

Ông Đặng Ngọc Văn, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Quảng Trạch dẫn tôi về thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân ghé thăm gia đình em Vương Thị Quyên, một hội viên của mình. “Nếu nhận xét về Quyên, ông sẽ nói những gì?”- Tôi hỏi ông Đặng Ngọc Văn. “Thông minh, sẵn sàng đối mặt với tất cả khó khăn, đau ốm, bệnh tật, khiếm khuyết cơ thể để tìm cho mình một con đường trở thành người có ích, cho dù con đường đó quá chông gai”- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Quảng Trạch trả lời.

Thật ra, tôi đã gặp Vương Thị Quyên, cô bé “hạt mít” cách đây 4 năm khi em được bác Văn “da cam” thương nhận về làm hợp đồng tại Hội NNCĐDC/dioxin huyện Quảng Trạch, lúc em hoàn thành xong lớp trung cấp Tin học ở Trường đại học Quảng Bình. Hồi đó, tôi ấn tượng về em bởi lời tâm sự “Cứ nỗ lực vươn lên... xem như bản thân không phải người tàn tật, không phải nạn nhân chất độc da cam!”. Bẵng đi 4 năm, tôi lại có cơ hội đối mặt cùng Quyên, khi em từ Ấn Độ trở về quê hương trong dịp nghỉ hè. Quyên bây giờ đã là nữ sinh viên năm thứ ba, Khoa Báo chí - Truyền thông, đại học Niilm, thành phố Kaithal, bang Haryana nằm phía bắc Ấn Độ.

Vương Thị Quyên cùng các du học sinh quốc tế tại Trường đại học Niilm.
Vương Thị Quyên cùng các du học sinh quốc tế tại Trường đại học Niilm.

Vương Thị Quyên là con gái út trong gia đình có 4 người con của ông bà Vương Quốc Thuấn, Hoàng Thị Quế. Ông Thuấn sinh năm 1953, tháng 8-1972, nhập ngũ trong đội hình Nam tiến thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ; tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở cánh phía đông: Xuân Lộc, Long Khánh, Biên Hòa... Năm 1977, ông Thuấn tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đến năm 1980 thì phục viên về quê.

Ông Thuấn kể về Quyên: “Ba con trai đầu Vương Hạnh, Vương Phúc, Vương Ngọc Đức lành lặn. Con gái út lúc sinh ra cũng bình thường như những đứa trẻ khác. Năm cháu lên 9 tuổi mới phát hiện có một khối u đằng sau lưng, ban đầu chỉ bằng nắm tay, về sau cứ to dần, to dần theo độ tuổi của Quyên. Kết luận từ các bệnh viện cháu bị hiện tượng lệch xương, khối u chính là hệ thống xương sườn bị biến chứng, phát triển thành u. Chất dinh dưỡng được bao nhiêu khối u hấp thụ hết, còn cơ thể Quyên còi cọc, nhỏ lại”.

Dù tật nguyền, thành tích học tập của Vương Thị Quyên rất đáng trân trọng, đạt khá, giỏi từ lớp 1 đến lớp 12; tốt nghiệp trung cấp tin học, Trường đại học Quảng Bình; ra trường được nhận vào làm tại Hội NNCĐDC/dioxin huyện Quảng Trạch; vượt qua rất nhiều thí sinh trong dịp phỏng vấn của Bộ ngoại giao Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Việt Nam để giành học bổng nữ sinh tài năng trẻ do Bộ Ngoại giao Ấn Độ hỗ trợ du học Ấn Độ, kinh phí trọn gói  5.500 euro.

Câu chuyện du học của Quyên cũng khá gian nan. Từ sân bay Nội Bài, máy bay quá cảnh sang Thái Lan, sau đó mới đến New Delhy. Quyên lên máy bay, ông Đặng Ngọc Văn quay về Quảng Bình như ngồi trên lửa vì lo khi quá cảnh ở Thái Lan “lạ nước lạ cái”, không người thân thích, chẳng biết Quyên xoay xở thế nào. Nhưng khi xe ô tô vừa chạm đất Thanh Hóa, Quyên điện thoại bảo: “Bác an tâm nhé! Cháu đã tới New Delhy, các cô, các chú Đại sứ quán Việt Nam đến đón cháu ngay tại sân bay”.

Đại học Niilm, phần lớn sinh viên du học đến từ các nước châu Phi, châu Á... họ đều là con em quan chức đang công tác trong ngành ngoại giao. Cả trường chỉ có 3 sinh viên Việt Nam và duy nhất Quyên là nạn nhân CĐDC. “Tất nhiên các bạn sinh viên quốc tế chẳng biết thảm họa da cam Việt Nam, nạn nhân CĐDC là gì đâu. Họ đón nhận em bằng sự ngạc nhiên, bằng sự khâm phục”- Quyên chia sẻ - “Giai đoạn đầu, em hoàn toàn thua kém bạn bè vì không biết tiếng Anh, trong khi tất cả giáo trình, giao tiếp, giảng dạy đều sử dụng tiếng Anh. Vậy là chạy đua cùng thời gian, được sự giúp đỡ của hai chị sinh viên đồng hương, em học đêm, học ngày. Ngoài thời gian lên giảng đường, thời gian còn lại đều dành học ngoại ngữ. Cuối năm thứ nhất, em đọc thông, viết thạo, giao tiếp tiếng Anh bình thường như mọi người”. Từ 60 điểm bình quân các môn học năm học đầu tiên (hệ thống giáo dục Ấn Độ xét theo thang điểm 100), bước sang năm học thứ hai, điểm bình quân của Quyên đạt gần 70. Cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, tật nguyền, giàu nghị lực Vương Thị Quyên trở thành hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè sinh viên quốc tế.

“Ngoài khó khăn về ngôn ngữ Quyên khắc phục được, còn những khó khăn gì khi em du học tại Ấn Độ?”. “Khó khăn thì nhiều lắm, thời tiết, khí hậu Ấn Độ rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng đến 48 độ C, nhưng mùa đông nhiệt độ xuống thấp 1 đến 2 độ, thậm chí dưới âm. Cư dân bang Haryana phần lớn theo đạo Hindu, hay ăn chay. Đến bây giờ sau 2 năm sinh sống tại đó, em vẫn không thể nào sử dụng được thức ăn của họ. Vậy nên phải nhờ người đi chợ mua thực phẩm về, tự mình chế biến. Điều em lo nhất là vấn đề sức khỏe, em hay đau ốm luôn. Sắp bước vào năm thứ 3, năm học cuối cùng, hai người chị đồng hương gắn bó với mình đã về nước, bây giờ cả trường chỉ có em người Việt Nam. Lo lắm!” - Quyên chia sẻ.

“Tương lai của em sau này?”. Vương Thị Quyên ngồi nép sát vào người ông Đặng Ngọc Văn, đôi mắt trong veo của em nhìn ông như kiếm tìm câu trả lời thay cho mình. “Ước mơ nhiều lắm! Sống trong cuộc đời ai cũng có quyền ước mơ. Được gia đình, người thân, cộng đồng tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để em có điều kiện đi du học thành tài. Sau này, em mong muốn được cống hiến cho xã hội như những người bình thường... mà xem ra rất khó. Chưa bao giờ em bi quan nhưng ngoại hình tàn tật, sức khỏe yếu kém như em, ước mơ ấy khó trở thành hiện thực”.

Tôi chia tay Quyên, cuối tháng 8 này em trở lại đất nước Ấn Độ hoàn thành xong chương trình du học của mình. Còn một câu hỏi tôi định hỏi ba mẹ em, ông Đặng Ngọc Văn, hỏi rất nhiều người, nhưng dám chắc khó có câu trả lời: “Ai sẽ giúp em biến ước mơ thành hiện thực ? ”.

Hãy để tâm hồn Quyên trong trẻo vậy!

Ngô Thanh Long