.
55 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961- 10-8-2016):

Vượt lên số phận

Thứ Năm, 04/08/2016, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hơn 10 năm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam (1961-1971) đã có 19.905 phi vụ máy bay thực thi chiến dịch và trên 21 triệu gallons các loại chất độc được rải, trong đó 61% là chất da cam chứa 366kg dioxin. Những nhà khoa học trên thế giới chứng minh rằng chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào nguồn nước uống thì có thể giết chết 8 triệu người dân trong một thành phố.

Bài I: NHỮNG CON SỐ KHỦNG KHIẾP

Trong cuốn sách mang tựa đề: “Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả” của giáo sư - bác sỹ Lê Cao Đài xuất bản năm 1999 đã đề cập đến những con số khủng khiếp của cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam, cuộc chiến này không những gây ra thảm họa cho nhân dân Việt Nam mà còn cả với những người lính Mỹ và chư hầu.

Cuốn sách thống kê phạm vi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh hóa học bao trùm trên một diện tích rộng lớn: 32/46 tỉnh, thành ở miền Nam nằm trong khu vực chịu tác động của chất độc; 80% diện tích rừng bị khai quang trên 2 lần; 11% diện tích rừng bị khai quang trên 10 lần; 3.185 thôn, làng, bản bị tàn phá... Dioxin là chất cực độc trong các loại chất độc. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh rằng chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào nguồn nước uống thì có thể giết chết 8 triệu người dân trong một thành phố.

Tại Việt Nam, chất độc da cam (CĐDC) đã làm 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trên 3 triệu người trở thành nạn nhân. Rất nhiều nạn nhân đã chết. CĐDC tiếp tục di chứng qua nhiều thế hệ. Phần lớn những nạn nhân CĐDC sống đau khổ, đói nghèo, bệnh tật... sống trong vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Ngày 20-2-2008, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Theo đó những căn bệnh sau được xác định liên quan với phơi nhiễm dioxin: ung thư phần mềm, ung thư phế quản- phổi, ung thư khí quản, ung thư thanh quản, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan nguyên phát, bệnh đau tủy xương ác tính, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính, tật gai sống chẻ đôi, bệnh trứng cá do clo, bệnh đái tháo đường type 2, bệnh Porphyrin xuất hiện chậm, các bất thường sinh sản, các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của người bị nhiễm CĐDC/dioxin), rối loạn tâm thần...

Nguyễn Ngọ, con trai bà Hoàng Thị Thanh, gần 50 năm sống trong vô thức, tật nguyền.
Nguyễn Ngọ, con trai bà Hoàng Thị Thanh, gần 50 năm sống trong vô thức, tật nguyền.

Nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10-8” và 55 năm thảm họa da cam Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Bình thống kê sơ bộ về tình hình nạn nhân CĐDC ở tỉnh. Ông bảo rằng: “Quảng Bình mặc dù không thuộc phạm vi bị rải thảm chất độc hoá học, nhưng cũng giống như các địa phương khác ở miền Bắc, trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn thanh niên ưu tú lên đường ra chiến trường, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những con số chưa nói lên hết mức độ khủng khiếp mà chất độc da cam gây ra cho nạn nhân bị phơi nhiễm. Những ai có lương tri, quan tâm, cảm thông, chia sẻ cùng những số phận da cam, đến cùng họ, gần gũi họ... mới thấm trọn nỗi đau tột cùng!”.

Toàn tỉnh có hơn 19.000 nạn nhân. 80% nạn nhân CĐDC hiện tại trên 60 tuổi; khoảng 14%-18% trong số họ đã chết; 34% nạn nhân là phụ nữ, những người chịu nhiều đau khổ nhất, không những tàn tật, bệnh hoạn mà còn đau đớn hơn trong sinh nở, nhiều người không được hưởng thiên chức và hạnh phúc làm mẹ; 18% gia đình có cả vợ lẫn chồng là nạn nhân, họ gặp muôn vàn khó khăn, bên cạnh việc mất sức lao động, họ còn đau đáu lo cho con cái một khi bản thân chết đi. 85% các gia đình nạn nhân có 2 đến 4 trẻ dị tật,  3% hộ gia đình nạn nhân có tới trên 5 cháu tật nguyền. CĐDC di chứng đến thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4, nhiều đứa trẻ sinh ra dị hình, dị dạng, bại liệt, tâm thần...

“Mặc dù nạn nhân CĐDC trong tỉnh nhận được sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội, nhưng cho đến nay họ vẫn là những người thiệt thòi”- Ông Nguyễn Quốc Trị chia sẻ- “Hiện tại chỉ mới có 6.300 nạn nhân được hưởng chế độ; gần 13.000 người do giấy tờ thất lạc nên chưa làm được chế độ. Thống kê cũng cho thấy có 3.719 nạn nhân là con của người trực tiếp tham gia kháng chiến, đã hưởng chính sách 2.381 đối tượng; trên 600 nạn nhân thế hệ cháu của người trực tiếp tham gia kháng chiến, chỉ có 94 cháu có chế độ chính sách... 3.991 nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến, 314 nạn nhân đời con, 144 nạn nhân đời cháu, 4 nạn nhân đời chắt đã chết”.

Trần Văn Tâm con trai ông Trần Văn An, sinh năm 1982, sống đời sống thực vật, vô thức.
Trần Văn Tâm con trai ông Trần Văn An, sinh năm 1982, sống đời sống thực vật, vô thức.

Minh chứng cho sự khủng khiếp về hậu quả CĐDC di chứng trên cơ thể con người, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Bình tiếp tục thống kê về những gia đình da cam tiếp nối nỗi đau da cam: vợ chồng ông Đỗ Đức Địu (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) 15 lần sinh nở, hết 12 lần chôn con trên triền cát trắng cháy lòng. Vợ chồng ông Trần Văn An (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) có 8 người con, Trần Thị Hương, Trần Thơm, Trần Thị Tuyệt, Trần Đượm, Trần Thị Tình, Trần Hữu, Trần Thị Hảo và Trần Văn Tâm. Con gái thì sống được, nhưng con trai cứ như ngọn đèn kiệt dầu rồi qua đời, ông An tự tay lần lượt đắp mộ cho Trần Thơm, Trần Đượm, Trần Hữu. Riêng Trần Văn Tâm, sinh năm 1982, sống đời sống thực vật, vô thức. Gia đình anh Lê Thanh Đức (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) có 3 con gái đều bị bại liệt, câm điếc... Điều ám ảnh nhất, mặc dù các con anh Đức không đi được, không nói được nhưng vẫn cảm nhận trọn vẹn thế giới xung quanh diễn ra hàng ngày.

Ngược lên xã Phúc Trạch, chúng tôi trở lại thăm gia đình bà Hoàng Thị Thanh ở thôn Phúc Khê II. Những năm 1962-1965, ông Nguyễn Bích, chồng bà Thanh phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và Lào. Cuối năm 1965, ông Bích về quê xây dựng gia đình với bà Thanh. Bà Thanh có tất thảy 9 lần sinh nở nhưng chỉ giữ lại được 7 người con: Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Luân, hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Thị Lĩnh, Nguyễn Thị Điểm, Nguyễn Trang.

Ông Nguyễn Bích mất cách đây gần 25 năm vì căn bệnh lạ do CĐDC gây ra. CĐDC từ người bố di chứng cho các con, ngoài hai người đã mất thì Nguyễn Ngọ bị tâm thần; Nguyễn Thị Lợi bị sứt môi; Nguyễn Thị Lĩnh thường xuyên lên cơn choáng, hay ngất xỉu; Nguyễn Luân, Nguyễn Trang sức khoẻ yếu, hay đau ốm... Chị Nguyễn Thị Định lấy chồng sinh 5 người con, chỉ giữ được 2. Con gái chị Định là Trương Thị Hiền, sinh năm 1980. Hiền lập gia đình, đứa con đầu lòng  cũng bệnh tật vì CĐDC. Như vậy, nếu tính từ đời ông Nguyễn Bích cho đến đời con của Hiền, CĐDC di hoạ qua 4 thế hệ...

Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ- đó là sự thật quá nghiệt ngã. Nhưng những chuyến đi về với từng số phận, những cảnh đời da cam... chúng tôi gặp rất nhiều nạn nhân “tàn nhưng không phế”, vượt qua đau ốm, bệnh tật, khiếm khuyết cơ thể để vươn lên, trở thành những người có ích cho xã hội.

Ngô Thanh Long
 

Bài II: Hãy cất lên tiếng ca cho nỗi đau dịu lại