.

Chú trọng công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân

Thứ Sáu, 05/08/2016, 09:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành dạy nghề và hỗ trợ cho hội viên nông dân. Nhờ đó, nhiều hội viên đã sống được bằng ngành, nghề học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện công tác dạy nghề cho nông dân, Hội Nông dân các cấp và Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tổ chức các lớp đào tạo nghề sơ cấp về trồng lúa, kỹ thuật trồng rau an toàn, đan lát thủ công, chăn nuôi... nhằm cung cấp cho hội viên kiến thức về nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vào sản xuất có hiệu quả.

Từ năm 2010 đến nay, các cấp hội đã tăng cường liên kết “4 nhà”, chủ động ký kết chương trình phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân. Trong đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trên 1.700 tổ vay vốn cho hơn 83.500 thành viên vay, doanh số cho vay bình quân hàng năm trên 1.277 tỷ đồng; phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tổ chức gần 9.000 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, 538 lớp dạy nghề cho 364.292 lượt người. Qua khảo sát, việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã đáp ứng nhu cầu của hội viên. Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp với Công ty máy kéo và máy nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp; phối hợp với Công ty Vật tư nông nghiệp hỗ trợ nông dân mua vật tư, phân bón theo phương thức hỗ trợ lãi suất thấp, phương thức trả chậm cho nông dân. Bình quân mỗi năm, các cấp hội phát triển từ 3- 4 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một buổi dạy nghề làm chổi đót của Hội Nông dân tỉnh.
Một buổi dạy nghề làm chổi đót của Hội Nông dân tỉnh.

Không những đào tạo nghề và hướng dẫn bằng lý thuyết, Hội Nông dân tỉnh còn chỉ đạo Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, xây dựng các mô hình tại Trung tâm để nâng cao kỹ năng cho giáo viên, tạo điều kiện cho các học viên và đại biểu tham quan, học hỏi. Ông Mai Văn Tịnh, giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho biết: “Thực hiện mô hình này, đầu năm 2016, Trung tâm đã huy động nguồn vốn của cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm để xây dựng mô hình tổng hợp bao gồm: nuôi bò Bờ-rát-man và bò Đờ-rốc-mát-tơ; giống lợn Lan-đờ-rát, nuôi 30 con thỏ giống và 700 con gà kiến ri được nhập từ viện giống Trung ương. Trung tâm còn triển khai trồng các loại cây ăn quả với gần 300 cây giống các loại như: ổi Đài Loan, mít Thái Lan, xoài Thái Lan, bưởi da xanh, nhãn, nho... vừa tạo bóng mát cho khuôn viên, vừa đem lại hiệu quả kinh tế”.

Công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân những năm qua thực sự mang lại hiệu quả khi các địa phương trong tỉnh đã có nhiều ngành nghề truyền thống như: mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, nón lá... tiếp tục duy trì và phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Điển hình trên lĩnh vực này có mô hình hợp tác xã mây tre đan của anh Lê Viết Sơn ở Tuyên Hóa, vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm cho 32 lao động nông thôn, doanh thu hàng năm đạt 600 triệu đồng; mô hình sản xuất mộc mỹ nghệ và vật liệu xây dựng của ông Nguyễn Văn Hùng (thị xã Ba Đồn) hàng năm giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức lương 6,7 triệu đồng/người/tháng... Hoạt động dịch vụ, kinh doanh tổng hợp phát triển mạnh mẽ, vừa nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Điển hình như mô hình anh Nguyễn Xuân Hải, anh Nguyễn Văn Nguyện, anh Mai Văn Đức (Lệ Thủy), anh Trương Văn Thành (Quảng Ninh), chị Lê Thị Luyên, anh Nguyễn Đức Việt (Quảng Trạch), anh Hoàng Trọng Sinh (Minh Hóa) ...

Từ việc đào tạo nghề và hỗ trợ đó đã xuất hiện nhiều nông dân vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Các cấp hội tiếp tục vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ được 22.467 hộ nghèo đói vươn lên khá, tăng 4.749 hộ so với giai đoạn 2005 – 2010. Hội viên, nông dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công và trên 7 tỷ đồng giúp đỡ hội viên nghèo, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ nghèo được sự giúp đỡ đã dám nghĩ, dám làm, chuyển hướng làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình anh Trần Văn Lành, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa từ hộ nghèo đã phát triển mô hình chăn nuôi, mỗi năm cho thu lãi 90 – 95 triệu đồng... Từ kết quả của công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã góp phần giải quyết việc làm cho 3,2 vạn người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm từ 3,5 - 4%; đưa giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh tăng bình quân 4,2%/năm.

X.V