.
55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016):

Vượt lên số phận - Bài 3: Vững vàng trên đôi chân tật nguyền

Thứ Bảy, 06/08/2016, 17:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Sẽ có nhiều người thắc mắc khi nghe em khẳng định như vậy và nhìn em di chuyển khá khó khăn trên chiếc xe lăn. Nhưng với em, điều quan trọng nhất là sống có niềm tin, lạc quan vào cuộc sống, nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

>> Vượt lên số phận- Bài 1

>> Vượt lên số phận - Bài 2: Hãy cất lên tiếng ca cho nỗi đau dịu lại

Đến ngã tư đường ra cảng Gianh thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch hỏi Công “tin học”, người dân đều tận tình chỉ đường. Họ dẫn chúng tôi đến một dãy quán khang trang mang bảng hiệu “HTC Việt”. Đó là cơ ngơi của chàng trai tật nguyền Nguyễn Thành Công, sinh năm 1986, nạn nhân CĐDC.

Câu chuyện về Công thật dài, theo những giọt nước mắt của người mẹ, bà Lê Thị Thắm. Bà kể chồng mình là ông Nguyễn Đình Khiên, sinh năm 1953, ông mất trong một tai nạn giao thông vào năm 1996, khi Nguyễn Thành Công mới lên 4 tuổi. “Ông ấy là bộ đội thuộc đơn vị C11, D3, E48, Sư đoàn 320B tham gia chiến dịch 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Sau chiến dịch, đơn vị cử đi học tại Học viện Chính trị. Trong quân đội, chồng tôi từng trải qua nhiều chức vụ: giáo viên Trường Sỹ quan Lục quân II; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng bộ Tổng kho 764, Cục Quân khí thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng... Ông ấy từng bị thương trong chiến đấu, nhưng đau đớn nhất khi bản thân bị nhiễm CĐDC rồi di chứng cho Công, đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng”.

Công việc ngày thường của chàng kỹ sư trẻ tật nguyền.
Công việc ngày thường của chàng kỹ sư trẻ tật nguyền.

Bà Thắm kể Công sinh ra bình thường nhưng lạ một điều, đến 3 tuổi mới bắt đầu tập đi, mà đi là đi thụt lùi. Đến năm lớp 9 thì hoàn toàn bại liệt, tay chân co quắp lại. Tuổi thơ Công âm thầm trôi trong nổi đau thể xác nhưng bù lại Công luôn sống giữa tình yêu thương của bố mẹ, hai chị gái, đồng đội của bố, bạn bè, thầy cô giáo. Khi được bố mẹ cõng đến trường, bàn tay co quắp nắm lấy cây bút tập viết những dòng chữ đầu tiên thì Công đã tự hứa sẽ kiên định, vững vàng bước trên đường đời dù với đôi chân tật nguyền. Để thực hiện lời hứa, chỉ một và duy nhất một con đường đó là học, học thật giỏi.

Nguyễn Thành Công thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình cho dù tay chân ngày càng teo lại, đau ốm liên miên, mỗi năm phải mất khoảng 2 tháng nằm viện, luyện tập phục hồi chức năng ở Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội...  cuối cùng tỷ lệ mất sức lao động vẫn lên đến 81%. Công nhớ lại: “Chuyện học hành là cả cực hình khi bản thân em ngồi trên lớp chỉ nghe giảng, không thể chép bài, làm bài được... Thầy cô, bạn bè cảm thông, khích lệ, động viên, cuối cùng em cũng chiến thắng thử thách này”.

Bảng thành tích học tập của Nguyễn Thành Công thật đáng nể: học sinh giỏi toàn diện từ lớp 1 đến lớp 12; giải nhì hai môn Toán, Vật lý năm học lớp 8; giải ba môn Toán năm lớp 10. Nhận học bổng Niềm tin của Công ty bia Huế năm học 12. Thi đại học đạt 26 điểm năm đầu tiên, thủ khoa Khoa Toán- Tin, Đại học Khoa học Huế khóa 29 (2005-2009). Liên tục trong các năm học đại học đều nhận học bổng toàn phần.

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thành Công được nhận vào làm việc tại Văn phòng tư vấn di truyền học và hỗ trợ trẻ em khuyết tật, Đại học Y khoa Huế. Trong vòng một năm công tác tại đây, Công cũng vừa hoàn thiện thêm cho mình chứng chỉ quản trị mạng quốc tế và trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp, làm việc với người nước ngoài.

Sức khỏe ngày càng yếu, Nguyễn Thành Công đành từ giã Văn phòng tư vấn di truyền học và hỗ trợ trẻ em khuyết tật về cậy nhờ vào mẹ. Bà Lê Thị Thắm thương con, đang giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh xin “hưu non” để có thời gian chăm sóc con trai tật nguyền.

Một ngày đầu năm 2010, Nguyễn Thành Công hỏi mẹ có 40 triệu đồng không? Bà Thắm bảo có. Bẵng đi một thời gian, Công tiếp tục hỏi xin mẹ 60 triệu, 80 triệu và con số chốt lại cuối cùng là 120 triệu đồng. Bà Thắm thắc mắc chẳng biết Công dùng số tiền lớn như thế để làm gì. Thắc mắc, bà giấu trong lòng, chứ bà biết con trai bà không dễ làm người hư hỏng. Chàng cử nhân tin học với sự giúp sức của những người bạn thân âm thầm thuê mặt bằng, mua sắm máy vi tính... Cơ sở kinh doanh, buôn bán, sửa chữa vi tính HTC Việt cùng với quán Nét quy mô 23 đầu máy chính thức khai trương. Sau 3 năm đi vào hoạt động, cơ sở của Nguyễn Thành Công được khách hàng xa gần tín nhiệm, công việc kinh doanh nhờ đó phát triển, số tiền bà Thắm vay 120 triệu đồng cho Công lập nghiệp cơ bản trả xong.

Cơ sở kinh doanh, buôn bán, sửa chữa vi tính HTC Việt của Nguyễn Thành Công tại xã Thanh Trạch.
Cơ sở kinh doanh, buôn bán, sửa chữa vi tính HTC Việt của Nguyễn Thành Công tại xã Thanh Trạch.

Đang an lành thế, cơn bão số 10 năm 2013 tràn qua Quảng Bình, cơ sở kinh doanh của Công tan tành theo bão. “Mất hết anh ạ! Em trở về không, bắt đầu làm lại từ hai bàn tay trắng, tiếp tục bỏ ra trên 100 triệu đồng mua máy móc, trang thiết bị... Thêm 3 năm trôi qua, nhờ trời... hoạt động kinh doanh phát triển như lúc ban đầu”- Nguyễn Thành Công chia sẻ. “Thu nhập của em bây giờ thế nào?”- Tôi hỏi. “Khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ mẹ cả đó, chứ em chỉ biết tập trung vào chuyên môn thôi, sửa chữa máy vi tính, thiết kế trang web, dạy tin học và các môn văn hóa cho những ai có nhu cầu... Mẹ là người quản lý mà!”- Công cho biết. Năm 2010, Công thuê mặt bằng làm nơi kinh doanh, đến đầu năm 2016, chàng trai tật nguyền này chính thức mua lại với số tiền 550 triệu đồng. “Cái gì thuộc về mình, mình làm chủ cũng đều tốt hơn!”- Nguyễn Thành Công bảo vậy.

“30 tuổi tròn, nghề nghiệp ổn định, có trong tay một cơ ngơi không giàu nhưng chẳng nghèo, hơn hẳn rất nhiều người sức khỏe bình thường. Điều băn khoăn nhất của Công là gì?”. Tôi nhìn Công, Công nhìn mẹ, bà Thắm lén lấy mép lai áo lau mắt. Lời Công nhẹ nhẹ, chất chứa đầy nỗi niềm: “Mẹ rồi sẽ đi theo bố, không thể ăn đời ở kiếp với mình, chăm lo từng bữa cơm, canh giấc ngủ, giặt giũ áo quần cho mình. Em cũng như mọi người, khao khát thương yêu và được yêu thương. Nhưng khó lắm anh! Em có ước mơ gì cao xa đâu, một người bạn gái biết cảm thông, chia sẻ với số phận tật nguyền của mình, tự nguyện đến với mình, làm bạn với mình lúc vui cũng như lúc buồn, bền chặt đến cuối con đường đời”.

“Khó lắm anh! Dù bây giờ vững vàng trên đôi chân tật nguyền rồi đó, nhưng đôi lúc vẫn thấy hụt hẩng, chông chênh...”- Lời tự sự của Nguyễn Thành Công làm xao xác lòng người, cuốn sâu vào chiều hè bứt rứt. Ai trả lời được cho Công?

Ngô Thanh Long

Bài cuối: Điều ước nào cho em?