.

Một chuyến trở về cội nguồn

Thứ Sáu, 10/06/2016, 09:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Phường Phú Hải vốn là một vùng quê nghèo đất phèn chua mặn, người dân lam lũ vất vả... nhưng giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phú Hải là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. Ở đây có tuyến quốc lộ 1 đi qua, có cầu Dài, cầu Ngắn, lại nằm bên bờ sông Nhật Lệ với tuyến vận tải đường sông độc nhất. Thời kỳ này ông Võ Văn Phú làm Bí thư Đảng bộ Phú Hải. Ông đã cùng với người dân địa phương ngày đêm chiến đấu, không quản ngại đạn bom giặc Mỹ để bảo vệ quê hương. Giữa năm 1972, một đơn vị bộ đội của Binh trạm 19 (Đoàn 559) về đóng quân tại Phú Hải. Bộ đội được bố trí phân tán trong nhà dân và ba anh lính trẻ Nguyễn Hùng Cường, Phạm Văn Trưởng và Hoàng Công Ty được phân công ở trong nhà của Bí thư Phú. Từ khi có bộ đội về, không khí trong làng trở nên nhộn nhịp hơn. Vợ chồng ông Phú nhường cho ba chú bộ đội một gian nhà, một số gỗ, ván để làm hầm. Cá, tôm đánh bắt được đều dành để nấu cháo bồi dưỡng cho các chú bộ đội. Ba anh lính trẻ Cường, Ty và Trưởng sau những phút giây căng thẳng vận chuyển hàng hoá, vũ khí vượt qua thuỷ lôi, rốc két của máy bay Mỹ lại quay về giúp đỡ anh chị chủ nhà nhiều công việc: Khi thì đào đắp hầm trú ẩn, khi hợp lại mái nhà tranh, chăm sóc đàn gà... Có lần, đứa con gái ông Phú mới 2 tuổi ốm nặng, không ngần ngại đêm tối, đường xa, cả Ty và Trưởng thay nhau bế em chạy bộ hơn 10km đến bệnh viện cấp cứu, sau đó lại chạy bộ về đơn vị tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Sau một thời gian đóng quân và hoàn thành nhiệm vụ, cả ba anh lính Cường, Trưởng và Ty theo đơn vị hành quân tiếp vào chiến trường và cũng từ đó họ mất liên lạc với vợ chồng ông Phú.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Phú được điều động lên nhận công tác tại Thị uỷ Đồng Hới (nay là Thành uỷ Đồng Hới) làm cán bộ chuyên tránh công tác kiểm tra Đảng cho đến khi nghỉ hưu. Vừa qua sau một cơn đột quỵ do tai biến, ông nằm liệt giường tại nhà.

Một ngày đầu tháng 6-2016, có ba cựu chiến binh từ ngoài Bắc vào hỏi tìm nhà ông Phú, người Bí thư Đảng uỷ năm xưa.

Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường, Phạm Văn Trưởng và Hoàng Công Ty bên giường bệnh của ông Võ Văn Phú.
Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường, Phạm Văn Trưởng và Hoàng Công Ty bên giường bệnh của ông Võ Văn Phú.

Gặp nhau họ xúc động trào nước mắt. Không gian như ngưng lại. Trong sự im lặng như nghe rõ nhịp đập con tim của những người lính trẻ năm xưa với vợ chồng ông Phú. Đã 44 năm kể từ ngày chia tay, nay họ mới gặp lại nhau, giờ ông Phú đã là một ông lão 86 tuổi, còn ba anh lính trẻ là những cựu chiến binh tóc cũng đã pha sương! Ngôi nhà của vợ chồng ông Phú hiện nay được cất lên chính trên mảnh đất ngày xưa có căn nhà lá xập xệ mà các anh bộ đội đã từng ở. Đứng tần ngần trước sân nhà, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường hồi tưởng lại vị trí của gian bếp, cạnh căn hầm chữ A; cái giếng, nơi chuồng gà, nơi trồng luống rau cải mà các anh thường chăm bón... Ra đứng bên bờ sông Nhật Lệ, hai đồng chí cựu chiến binh Ty và Trưởng kể lại cho chúng tôi nghe "sự kiện" cứu ba mẹ con của một người dân ở Bảo Ninh rằng: Hôm đó, cả ba anh em đang trên một chiếc xuồng máy làm nhiệm vụ. Bỗng phát hiện một chiếc đò chèo tay của một phụ nữ và hai trẻ nhỏ bị đắm giữa dòng sông Nhật Lệ, phía thôn Cừa Phú (xã Bảo Ninh), ngay lập tức các anh chuyển hướng lao đến nơi người bị nạn,

Sau một hồi vất vả, các anh đã vớt được cả ba mẹ con đưa vào bờ an toàn. Kể đến đây, CCB Phạm Văn Trưởng trầm ngâm: "Không biết bây giờ họ ra sao? hai “cháu nhỏ” nay cũng khoảng xấp xỉ 50 tuổi".

Cứ miên man chuyện tiếp chuyện. Các anh kể về những lần chèo thuyền sang Hà Thôn (Bảo Ninh) lấy nước ngọt về cho bà con trong xóm cùng dùng, những chuyến nhận hàng, vũ khí từ kho hàng ở Vườn Dừa Trị Thiên (cạnh Cầu Dài) vượt pháo sáng, thuỷ lôi theo dọc sông Nhật Lệ chuyển ra mặt trận...

Theo chị Kim Ngân (vợ cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường) cho biết, để có được chuyến đi về "thăm chiến trường xưa" như hôm nay là cả một sự cố gắng. "Xây dựng kế hoạch" lâu rồi nay mới thực hiện được. Sau 1975, các anh đều ra quân, mỗi người một quê, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Cường quê Sơn Tây (Hà Tây cũ), Ty quê Ba Vì (Hà Nội) và Trưởng quê Duy Tiên (Hà Nam). Do di chứng của chiến tranh để lại nên sức khoẻ các anh cũng giảm sút, lại còn lo lao động  bảo đảm cuộc sống nên dù đã hẹn mấy lần đều bị lỡ.

Lần này, cả mấy anh em chung một chuyến xe, vượt trên 500km vào Đồng Hới tìm đến tận nhà ông Phú thăm và tặng quà là cả một quyết tâm lớn của người cựu chiến binh.

Chuyến về nguồn của những người lính thật cảm động. Ngày các anh đóng quân ở Phú Hải đang độ tuổi đôi mươi, nay quay trở về lại nơi đây thì đã là những cựu chiến binh trên 60 tuổi. Tuy nhiên tôi vẫn đọc được qua ánh mắt, nụ cười của các anh sự tươi trẻ, nhiệt huyết của ngày nào dưới mưa bom bão đạn, vẫn nồng nàn mối tình quân dân không nhạt nhoà.

Trong niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân phường Phú Hải có một phần đóng góp chung tay xây dựng của các anh, những người lính trẻ năm nào và cũng là những cựu chiến binh hôm nay. Các anh đã không quên Phú Hải, không quên người Bí thư Đảng bộ năm nào để tổ chức một chuyến hành hương đầy ý nghĩa về cội nguồn, về nơi miền thuỳ dương cát trắng miền Trung: Phú Hải - Đồng Hới.

Đoàn Thị