.
Chuyện quản lý:

Nên biết xấu hổ!

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Dân ta rất đề cao lòng tự trọng. Ngày xưa nghèo khó là thế, nhưng chả mấy khi người ta làm phiền nhau vì miếng ăn; thậm chí khi láng giềng mời dự cỗ, chỉ cần đi hơi sớm so với người khác đã thấy xấu hổ lắm rồi, chứ đừng nói chuyện ngửa tay xin ăn.

Thế mà bây giờ, khi đời sống dân tình khấm khá hơn trước rất nhiều lần, thì vẫn còn không ít quan chức địa phương cơ sở “hồn nhiên” cắp bị xin nhà nước gạo cứu đói giáp hạt. Dưới đây là ví dụ:

Huyện nọ hiện có trên 29.000 hộ dân, và tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là xấp xỉ 7%, có nghĩa tương đương 2.000 hộ. Về cơ bản, đời sống người dân trên địa bàn ổn định, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm, tức là vào hàng khá của tỉnh. Thế mà mới đây, huyện này xin nhà nước hỗ trợ những trên 500 tấn gạo cứu đói giáp hạt (nhiều nhất tỉnh).

Trong đó, đáng chú ý là số hộ thiếu đói 3 tháng cần trợ cấp lên tới 2.188 hộ, tức là nhiều hơn số hộ nghèo của huyện. Tìm hiểu sơ bộ được biết, do vụ hè-thu năm ngoái cây trồng bị hạn nên lương thực giảm sút so năm trước. Nhưng thực tế sản lượng giảm không đáng kể, bằng khoảng 93,5% kế hoạch, tương ứng 2.500 tấn.

Nhìn sang huyện khác thì thấy: Tuyên Hóa là huyện miền núi, hiện có tỉ lệ hộ nghèo khoảng 17%, tức là tương đương 4.000 hộ; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng hơn 15 triệu đồng/năm. Thế mà trong kỳ giáp hạt này, huyện chỉ dám xin trên trợ cấp 245 tấn; trong đó số hộ xin trợ cấp 3 tháng chỉ là 159 hộ. Hay huyện rẻo cao Minh Hóa, tỉ lệ hộ nghèo luôn đứng đầu tỉnh, thế mà kỳ giáp hạt này, số hộ xin trợ cấp 3 tháng cũng chỉ có... 24 hộ!

Cần biết rằng, hộ nghèo chưa chắc đã đói đứt bữa cần phải cứu trợ. Bằng nhiều nỗ lực trong thời gian qua, mục tiêu “xóa đói” của chúng ta cơ bản đã đạt được; chỉ còn một bộ phận rất nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số là thi thoảng để xảy ra đói. Thế thì lý do gì mà một huyện đồng bằng như huyện nọ lại “bỗng nhiên” rơi vào tình cảnh thiếu đói tràn lan như thế?

Chỉ có thể giải thích bằng 2 lý do: Thứ nhất là chính quyền địa phương quá yếu kém trong hoạch định và tổ chức sản xuất, khiến dân tình rơi vào cảnh đói kém. Vậy thì phải xem lại vai trò trách nhiệm của đội ngũ “công bộc” này. Lý do thứ hai là các vị ấy quá quan liêu, cứ nghe cấp dưới báo cáo thế nào cũng kệ, không thèm kiểm tra, cứ thế tổng hợp ào ào cho qua chuyện (có xã nằm ở trung tâm huyện, mà số hộ thiếu đói theo thống kê lên tới hơn 60% tổng số hộ toàn xã, thì tin làm sao?)...

Điều nguy hiểm là ở chỗ, nhiều khi dân tình vốn không có tư tưởng ỷ lại, nay bỗng nhiên không đói vẫn được nhà nước trợ cấp miếng ăn, từ đó sinh lười biếng. Người xưa có câu, “miếng ăn là miếng nhục”, chả nhẽ đội ngũ “công bộc” huyện nọ không cảm thấy xấu hổ trước những con số thống kê ảm đạm ấy?

P.V