.
Chuyện tuần này:

"Xóa nghèo" ngay từ trong ý thức

Thứ Sáu, 01/04/2016, 09:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu chuyện giảm nghèo từ rất lâu đã trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn và cho đến bây giờ, đây vẫn đang là bài toán hóc búa cho các cấp lãnh đạo, quản lý.

Phải khẳng định rằng, từ chính sách ưu việt này, vừa qua, người nghèo đã được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, một số nhu cầu thiết yếu cơ bản được đáp ứng, như: nhà ở, nước sạch, khám chữa bệnh, học tập...

Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên sức “hấp dẫn” kỳ lạ đối với nhiều hộ dân. Vì thế mới có hiện tượng một số người dân không muốn thoát nghèo, sợ thoát nghèo. Và nguy hiểm hơn, tư tưởng này đã “lây” sang cả một bộ phận cán bộ cấp cơ sở...

Còn nhớ, cách đây vài năm ở một huyện trong tỉnh rộ lên thông tin người dân “thích” làm hộ nghèo hoặc ở một xã miền núi khác khi trao danh hiệu Gia đình văn hóa, địa phương mạnh dạn trích kinh phí hỗ trợ thêm 50.000đ/hộ để động viên phong trào, nhưng đã bị từ chối, bởi lẽ nhận danh hiệu Gia đình văn hóa cũng đồng nghĩa với việc phải ra khỏi... hộ nghèo.

Rồi đâu đó vẫn còn hiện tượng một số người dân không nằm trong diện hộ nghèo lại muốn xin vào danh sách để được làm người nghèo, trong đó có nhà 2-3 lao động nhưng không chịu làm ăn mà vẫn muốn... nghèo (!?).

Về phía các vị “công bộc”, bên cạnh không ít cảnh cán bộ thôn, xã liên tục có những “bữa no” vì phải “ăn” chửi từ những người dân trong thôn, trong xã vừa mới “bị” đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, thì vẫn còn hiện tượng cán bộ chính quyền địa phương phụ họa theo dân, cũng có tâm lý không muốn thoát khỏi... danh sách xã nghèo để tiếp tục được nhận đầu tư từ Chương trình 135, chương trình bãi ngang của Chính phủ, bởi theo họ, chỉ xin được một vài công trình thôi thì cũng đã bằng thu ngân sách xã cả chục năm cộng lại (!) Về cơ sở vào kỳ rà soát, phân loại hộ nghèo, chúng ta sẽ còn mục sở thị bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt...

Điều đáng mừng là qua các phương tiện truyền thông, gần đây, dư luận rất cảm kích trước việc nhiều hộ dân ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và 40 hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa... đã tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo.

Điều đó cũng có nghĩa là, họ sẵn sàng từ bỏ rất nhiều khoản hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội, để nhường phần cho người khác. Xúc động hơn, một cụ ông ở xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã có đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã với lý do không muốn kìm hãm sự phát triển của xã hội và muốn làm gương cho thế hệ con cháu luôn cố gắng, đừng trông chờ vào Nhà nước trong chính sách này.

Cho dù vì lý do nào đi chăng nữa và trong số họ, cũng có người vẫn sẽ được giữ lại trong danh sách hộ nghèo vì hoàn cảnh xác đáng, nhưng có thể coi đây là những việc làm rất ý nghĩa và đáng trân trọng, cũng chính là tín hiệu tích cực cho công tác giảm nghèo. Còn ở ta, vốn được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nhưng tuyệt nhiên, từ trước tới nay vẫn chưa thấy nơi nào xuất hiện việc làm tương tự. Có chăng chỉ là hy hữu hoặc vì “tình thế”!

Giảm nghèo là một trong những chính sách có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự có hiệu quả và đạt được tính bền vững khi mà chính bản thân người nghèo và ngay cả cán bộ địa phương nghèo khắc phục được tâm lý trông chờ, ỷ lại; nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, làm giàu chính đáng và thực sự coi nghèo là...  nỗi nhục. Vì thế, muốn giảm nghèo bền vững, thì khâu đầu tiên là phải “xóa nghèo” ngay từ trong ý thức...                                

P.V