.

Nỗi lo rác thải

Thứ Sáu, 01/04/2016, 09:49 [GMT+7]

(QBĐT) - So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, vấn đề ô nhiễm môi trường ở tỉnh ta chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy vậy ở nhiều khu dân cư vùng nông thôn, việc xử lý rác thải, chất thải chưa tốt làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc môi trường, thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường mới đây cho thấy, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương khu vực đồng bằng, đô thị đạt từ 77 đến 89%; đối với khu vực miền núi tỷ lệ chỉ đạt 55,37%.

Thành phố Đồng Hới là đơn vị có tỷ lệ thu gom rác thải cao nhất so với các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, việc thu gom rác đã thực hiện ở 16/16 xã, phường với 20.607 hộ ký hợp đồng tham gia thu gom rác thải với Công ty TNHH một thành viên công trình đô thị. Tuy nhiên, số lượng rác thải mà thành phố thu gom xử lý mỗi ngày bình quân cũng chỉ đạt 80 tấn, trên tổng lượng rác thải ra 100 tấn (tỷ lệ xấp xỉ 80%).

Ông Đào Văn Phổ, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên công trình đô thị cho biết, hiện tại, có một số xã, phường xa trung tâm, tỷ lệ thu gom rác đạt thấp dưới 70% như: xã Bảo Ninh, xã Nghĩa Ninh, phường Đồng Sơn... Thậm chí có thôn chưa tổ chức thu gom và xử lý rác thải như: thôn 8, xã Nghĩa Ninh; thôn Cồn Chùa, phường Đồng Sơn... Đường Võ Nguyên Giáp thuộc địa bàn xã Bảo Ninh là tuyến đường được đầu tư hiện đại nhất tỉnh ta, có hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng hoàn thiện. Ấy vậy, hai bên tuyến đường này xuất hiện ngày càng nhiều các bãi rác tự phát nằm xen kẽ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng bề thế, trông rất phản cảm.

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy, việc thu gom rác thải do Ban quản lý các công trình công cộng huyện thực hiện. Ban quản lý công trình công cộng huyện được trang bị hai xe chuyên dụng vận chuyển rác, với cách làm là các hộ tự thu gom rác và tập trung tại các bãi trung chuyển của thôn, xã, sau đó đội vệ sinh môi trường dùng xe ô tô vận chuyển đến xử lý tại bãi rác Trường Thủy. Mỗi ngày đội vệ sinh môi trường thực hiện thu gom 45 tấn rác, trong tổng số 61 tấn, đạt tỷ lệ 75%. Thế nên, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác gây ra đối với các khu dân cư Lệ Thủy khá nghiêm trọng. Rác thải của dân cư các xã vùng giữa dọc hai bên bờ sông Kiến Giang chủ yếu tập kết cạnh bờ sông mà ít khi được xử lý theo đúng quy trình. Nhiều người dân chưa có thói quen bảo vệ môi trường, rác thải, súc vật chết ngang nhiên vứt bừa bãi ra các khu vực đất đai công cộng. Đối với bãi rác Trường Thủy là bãi rác chôn lấp được xây dựng nhưng chưa bảo đảm theo đúng quy trình kỹ thuật nên rất mất vệ sinh.

Tổ thu gom rác do dân tự quản.
Tổ thu gom rác do dân tự quản.

Ở huyện Quảng Ninh, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn được thực hiện bởi Ban quản lý các công trình công cộng huyện. Đến nay, công tác thu gom rác thải chỉ mới được thực hiện ở khu vực thị trấn Quán Hàu và 2 xã Võ Ninh, Lương Ninh. Rác thải sau khi được thu gom vận chuyển đến bãi rác tập trung huyện Quảng Ninh để xử lý. Đây là bãi rác mới được đưa vào sử dụng nên quy trình xử lý tương đối hợp vệ sinh. Các xã còn lại chưa được thu gom tập trung, người dân tự thu gom và xử lý theo phương thức đốt, hoặc chôn lấp tại gia đình.

Ở địa bàn huyện Tuyên Hoá, việc thu gom rác thải chủ yếu thực hiện ở khu vực trung tâm thị trấn Đồng Lê. Theo số liệu thống kê của Trung tâm quan trắc môi trường, bình quân mỗi ngày lượng rác thải ở địa bàn Tuyên Hóa khoảng 30 tấn nhưng việc thu gom và xử lý tập trung tại bãi rác chỉ khoảng 9,5 tấn. Số còn lại đang nằm rải rác ở các khu vực dân cư, ven đường, ven sông suối. Trước đây, chất thải rắn của vùng trung tâm huyện sau khi được thu gom đã vận chuyển đến bãi chôn lấp rác tạm Cửa Truông để xử lý, vì đây là bãi rác tạm nên chưa có hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Mới đây, huyện Tuyên Hóa được đầu tư bãi rác khá hoàn chỉnh nên việc xử lý rác chôn lấp đúng quy trình công nghệ.

Các xã dọc hai bên bờ sông Gianh có khoảng 1.000 hộ sinh sống và hầu hết những hộ này coi đất ven bờ sông Gianh là đất không chủ nên cứ thoải mái đổ rác bừa bãi. Năm này qua tháng khác, các lớp rác cứ chồng dày lên nhau kéo dài hai bên bờ sông. Mới đây, chúng tôi có dịp về xã Quảng Văn, một xã cồn bãi hạ lưu sông Gianh. Xã này hiện có trên 1.300 hộ, với gần 5.750 khẩu và phần lớn các hộ đều sống tập trung ven sông Gianh. Hiện vấn đề đau đầu nhất của xã là giải quyết rác thải. Cho đến nay, xã vẫn chưa tìm ra được bãi tập kết rác hợp vệ sinh. Mặc dù xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, thậm chí cam kết với người dân nhưng nhiều hộ gia đình ý thức vẫn kém. Họ vẫn vô tư vứt rác ra bờ sông, ngày qua ngày, các lớp rác cứ chồng  lên nhau, đến mùa lũ lại cuốn trôi ra biển.

Điều đáng lo ngại là lâu nay nhiều nơi trong tỉnh, người dân có thói quen “hỏa táng” rác làm ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Qua tìm hiểu được biết, việc xử lý chất thải cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là đổ ở các bãi thải lộ thiên không có sự kiểm soát, mùi nặng nề và gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Theo thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh có 16 dự án bãi chôn lấp chất thải rắn, trong đó chỉ có 1 bãi chôn lấp đang vận hành tương đối hợp vệ sinh (bãi rác Lý Trạch).

Vừa qua trên địa bàn đã có một số mô hình thu gom, xử lý rác khá hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường cần được nhân rộng. Điển hình như mô hình xử lý rác thải nông nghiệp ở thôn Đức Thủy, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Mô hình này do Sở Tài nguyên-Môi trường cùng phối hợp với Trường đại học Nông nghiệp I tổ chức thực hiện, đạt kết quả tốt. Hoặc mô hình thu gom, xử lý rác thải của Công ty xây dựng lâm sản tổng hợp Tràng An. Chức năng chủ yếu của công ty là thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của khách du lịch Phong Nha và của người dân. Với khối lượng rác thải bình quân 30 tấn/ngày, công ty đã thực hiện phân loại rác, dùng xe chuyên dụng vận chuyển đến bãi rác, phun thuốc diệt côn trùng, sau đó san lấp ép nén lấp bằng đất...

Khu vực trung tâm Phong Nha có sự chuyển biến tích cực trên lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trước đây, khái niệm bảo vệ và vệ sinh môi trường đối với người dân Sơn Trạch còn rất mới mẻ và nhận thức của đại đa số còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cấp ủy Đảng và chính quyền xã Sơn Trạch đã tỏ rõ sự quyết tâm trong việc bảo vệ môi trường du lịch. Toàn xã Sơn Trạch có gần 500 thuyền du lịch phục vụ đưa đón du khách ra vào động, gần 700 cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch và 100 hộ làm nghề buôn bán, kinh doanh trong khu vực du lịch Phong Nha... Tất cả các cơ sở này đều được chính quyền địa phương tổ chức ký giấy cam kết bảo vệ môi trường. Trong đó, các chủ thuyền có nhiệm vụ nhắc nhở khách du lịch không xả rác bừa bãi và thu gom rác đưa lên bờ để tránh ô nhiễm trên sông và trong khu vực hang động. Ở khu vực trung tâm, người dân ở các thôn Hà Lời, Xuân Tiến, Phong Nha, Cù Lạc đã có sự thay đổi về nhận thức và thường xuyên tham gia làm vệ sinh trên các tuyến đường. Xã Sơn Trạch đã triển khai mô hình thu lệ phí đóng góp từ dân để thu gom rác thải, được nhân dân đồng tình hưởng ứng...

Việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng, nó làm tăng chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân. Bởi vậy, từng người dân cần chung tay bảo vệ môi trường sống cho mình.

P.V.