.

Phụ nữ Tam Đồng trồng cây gây quỹ

Thứ Năm, 03/03/2016, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Để có kinh phí hoạt động, Chi hội phụ nữ Tam Đồng, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hoá) đã huy động toàn thể cán bộ, hội viên góp công, góp sức trồng rừng gây quỹ. Sau 6 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Không những tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn xoá đói, giảm nghèo mà còn xây dựng tính tự chủ, đoàn kết, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Được nghe kể về mô hình trồng cây gây quỹ của Chi hội phụ nữ Tam Đồng, những ngày đầu xuân Bính Thân, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến thành quả mà các chị đã tạo dựng. Đứng giữa vườn keo lai xanh mướt, chị Hồ Thị Hồng Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tam Đồng hồ hởi giới thiệu: Chi hội phụ nữ Tam Đồng hiện có 4 tổ với 112 hội viên, phần lớn dựa vào nông nghiệp nên đời sống của chị em còn gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, kinh phí để chi hội hoạt động chủ yếu dựa vào tiền hội phí mà hội viên đóng góp hàng năm nên rất eo hẹp. Việc vận động hội viên góp thêm tiền để xây dựng quỹ Hội cũng không phải là giải pháp khả thi bởi hầu hết đời sống của hội viên còn khó khăn. “Mỗi lần chi hội muốn triển khai hoạt động gì cũng phải cân nhắc, suy đi tính lại, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các phong trào thi đua của địa phương.

Không thể trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi mà các hội viên đóng góp, Ban chấp hành chi hội quyết định phải tìm ra phương thức để xây dựng quỹ Hội”, chị Lan nói. Cũng trong thời gian này, quỹ đất của huyện có một diện tích vừa thu hồi từ lâm trường, nên Ban chấp hành chi hội quyết định nhận đất trồng rừng để làm quỹ. Ý tưởng này được chi hội đưa ra bàn bạc và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả hội viên.

Để có được thành quả như ngày hôm nay không thể không nhắc tới công sức của các chị trong Ban chấp hành chi hội cũ. Ngày đó, các chị đã cùng với toàn thể hội viên bỏ ra rất nhiều công sức để làm đất, mua giống và trồng cây. Sau những ngày tháng vất vả, cực nhọc, mảnh đất rậm rạp cây cỏ dại trước đây đã được thay thế bằng một vườn keo lai xanh ngát. Các chị thay phiên nhau chăm sóc, phát dọn chăm nom vườn cây.

Nhiều năm trôi qua, rừng keo lai của chi hội phụ nữ Tam Đồng lớn dần trong sự mong mỏi của mọi người và sau 6 năm chăm sóc, vườn keo lai đã cho vụ thu hoạch đầu tiên với số tiền hơn 9 triệu đồng. Để sử dụng có hiệu quả số tiền thu được từ trồng rừng, chi hội đã quyết định vạch ra kế hoạch chi tiêu hợp lý để những đồng tiền thấm đượm mồ hôi, công sức của các chị trở nên hữu ích.

Đầu tiên, chi hội phụ nữ Tam Đồng dành một khoản kinh phí để đầu tư mua giống, vật tư phân bón, dụng cụ lao động chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo, phần còn lại sẽ nhập vào quỹ Hội để hoạt động. Từ số tiền nhỏ ban đầu, đến nay tiền quỹ của chi hội đã tăng lên gần 14 triệu đồng, đây thực sự là con số khá lớn đối với một chi hội ở địa bàn miền núi. Số tiền này được dùng để cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp nhằm phát triển kinh tế gia đình.

“Hiện tại có 6 chị đang vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi lợn và trồng rau sạch. Mỗi hội viên được vay từ 2-3 triệu đồng, số tiền tuy không lớn nhưng đã giúp đỡ kịp thời khi các chị gặp khó khăn. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên đã thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện để mở rộng mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao”, chị Lan chia sẻ. Bên cạnh đó, chi hội còn trích quỹ hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo nhằm giúp chị em vươn lên trong cuộc sống.

Chị Lan cho biết thêm, vườn keo lai hiện tại của chi hội đã bước vào năm tuổi thứ ba, chỉ còn vài năm nữa là có thể khai thác. Lúc chúng tôi tới cũng là thời gian định kỳ các chị trong Chi hội phụ nữ Tam Đồng đang tiến hành làm cỏ, chăm sóc vườn cây. “Công việc tuy vất vả nhưng các chị tham gia rất nhiệt tình, đây không chỉ đơn thuần là hoạt động chăm sóc rừng cây của chi hội mà còn là dịp để các chị chia sẻ, động viên nhau và trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”, chị Lan tâm sự.

Từ 650 cây keo lai được trồng ban đầu, đến thời điểm này số lượng đã tăng lên gấp đôi. Nhờ được chăm sóc nên rừng cây của chi hội đang phát triển  tốt. Không dừng lại ở việc trồng mới keo lai trên diện tích cũ đã được khai thác, Chi hội phụ nữ Tam Đồng còn mạnh dạn nhận thêm 1 hecta đất do Đoàn thanh niên đảm nhận trước đó để trồng thêm keo lai, nâng tổng số cây do chi hội trồng và quản lý lên gần 2.000 cây.

Từ việc chỉ biết trông chờ vào nguồn đóng góp của hội viên, nay các chị đã biết tạo ra một phong trào để xây dựng nguồn quỹ Hội, cũng như khẳng định vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. “Mô hình trồng cây gây quỹ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chi hội phát triển vững mạnh, đồng thời góp phần vào việc hỗ trợ thêm vốn vay cho nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn”, chị Lan phấn khởi cho hay.

Có thể khẳng định rằng, mô hình trồng cây gây quỹ của Chi hội phụ nữ Tam Đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực và rất cần được nhân rộng. Bởi lẽ không chỉ Chi hội phụ nữ Tam Đồng mà rất nhiều chi hội phụ nữ khác trong toàn tỉnh cũng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong quá trình hoạt động vì nguồn quỹ ít ỏi.

Lan Chi