.

Những mỏ đá "ăn" đất nông nghiệp của dân

Thứ Sáu, 25/03/2016, 09:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Với địa hình miền núi rẻo cao, huyện Tuyên Hoá được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều mỏ đá vôi với trữ lượng lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp xây dựng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho người dân... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì mặt trái của các mỏ đá khi đưa vào khai thác lại đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất cao, gây ô nhiễm môi trường và "ăn" đất nông nghiệp của dân...

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuyên Hoá, trên địa bàn có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 5 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng. Hầu hết các đơn vị khai thác đá nói trên đều được cấp phép với thời hạn từ 10 đến 30 năm...

Người dân xã Thạch Hoá nhặt đá ở ruộng lúa do việc nổ mìn khai thác đá gây nên.
Người dân xã Thạch Hoá nhặt đá ở ruộng lúa do việc nổ mìn khai thác đá gây nên.

Vợ chồng anh Phạm Hữu Tình và chị Thái Thị Hường trú tại Đạm Thuỷ, xã Thạch Hoá có 3 người con đang tuổi ăn học, sống chủ yếu dựa vào hơn 4 sào ruộng. Với chừng đó diện tích đất nông nghiệp, trước đây hai vợ chồng cơ bản kiếm đủ bữa ăn quanh năm nhờ trồng lúa 2 vụ. Thế nhưng, kể từ khi mỏ đá ở lèn Cây Trỗ, xã Thạch Hoá (gần với 2 sào ruộng của gia đình anh Tình) được giao cho hai Công ty TNHH Vật tư và Thương mại Mai Thanh và Công ty cổ phần Cosevco 1.5 tiến hành khai thác thì năng suất lúa ở mỗi mùa vụ của gia đình đột nhiên sụt giảm hẳn.

Chị Hường than thở: "Các chú cứ quan sát xung quanh mà xem, ruộng gia đình tui may mắn còn canh tác được chứ còn mấy hộ có ruộng ở sát chân mỏ đá thì phải chấp nhận bỏ hoang. Mỗi lần các doanh nghiệp nổ mìn khai thác, đá văng vương vãi khắp nơi, bụi bay mù mịt. Lúa ở đây muốn xanh tốt thì phải nhờ tới đất phù sa, nay bụi đá lắng đầy ruộng, làm sao mà cây cối tốt tươi được"...

Chị Hường cho biết thêm: Trước đây gia đình thuê máy cày về làm đất với giá 100 nghìn đồng/1sào/1vụ, ngang bằng với giá làm đất của các thửa ruộng quanh vùng. Bây giờ thuê tới 150 nghìn đồng/1sào/1vụ, cao hơn mặt bằng chung khoảng 50% rồi mà người ta vẫn còn "lười", vì sợ vướng phải đá cứng trộn lẫn trong đất làm mẻ, thậm chí hỏng lưỡi cày.

Canh tác khó khăn, năng suất lúa giảm nhiều, nhưng số tiền mà doanh nghiệp đền bù, hỗ trợ đối với gia đình tui là không đáng kể, chỉ với 350 nghìn đồng cho 2 sào ruộng/1vụ (vụ đông-xuân năm 2014-2015).

Họ (các doanh nghiệp) phân chia ruộng bị ảnh hưởng ra 3 loại để đưa ra mức đền bù và hỗ trợ, không hiểu sao ruộng của gia đình tui liền thửa với đám ruộng bỏ hoang sát mỏ đá thì được xếp vào loại 3, mức thấp nhất...

Trường hợp của gia đình chị Hường mới chỉ là một dẫn chứng trong rất nhiều trường hợp các hộ dân có ruộng canh tác cạnh các mỏ khai thác đá bị ảnh hưởng (do bụi lắng xuống và đá văng vào). Tương tự, tại xã Tiến Hoá có tới 3 mỏ khai thác đá lèn Bảng, lèn Na, Thanh Thuỷ (do 3 đơn vị là Công ty cổ phần SXVL và xây dựng Cosevco 1, Công ty TNHH Thanh Tiến, Công ty cổ phần Tasco Thành Công) đang hoạt động thì hầu hết đều nằm sát với ruộng của dân.

Quan sát bằng mắt thường rất dễ nhận thấy, có khá nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm liền kề các mỏ đá trước đây còn canh tác được, nhưng nay đã bỏ hoang hoàn toàn vì bụi, đá rơi vãi ngổn ngang. Chúng tôi hỏi: "Xã Tiến Hoá hiện có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do các mỏ đá?" thì được ông Cao Văn Trúc, Chủ tịch UBND xã trả lời rằng, việc các mỏ khai thác đá gây ảnh hưởng xấu đến đất nông nghiệp của dân là có thật. Trước đây các doanh nghiệp đã thực hiện đền bù cho những người dân bị ảnh hưởng rồi nên giờ họ không khiếu kiện nữa.

Thời điểm này, nếu nhận được ý kiến phản ánh của người dân thì chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để tìm hướng giải quyết thấu đáo. Trong tương lai, muốn khai thác hết 3 mỏ đá này thì các đơn vị phải thực hiện việc đền bù lên tới vài chục ha lúa ở 3 thôn vùng Bàu...

Ông Cao Văn Trúc tâm sự thêm, sống trong vùng công nghiệp khai thác đá và sản xuất xi măng, người dân Tiến Hoá ngoài việc được hưởng lợi nhờ có thêm công ăn việc làm, kinh doanh buôn bán... thì họ buộc phải chấp nhận sống chung với cảnh ô nhiễm. Trước đây một số đơn vị khai thác đá đều cho lượng nổ mìn khá lớn, bụi đá bay tung toé, ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp liền kề một mỏ đá tại xã Tiến Hoá phải bỏ hoang do bụi, đá rơi vãi.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp liền kề một mỏ đá tại xã Tiến Hoá phải bỏ hoang do bụi, đá rơi vãi.

Sau khi dân phản ứng mạnh, các cơ quan chức năng vào cuộc, ra quyết định xử phạt lên tới hàng chục triệu đồng, họ mới quyết định giảm lượng nổ lại, đồng thời thay đổi cách nổ, hướng nổ, vị trí khai thác... nhưng vẫn khó tránh khỏi sự ô nhiễm.  Là địa bàn có nhiều mỏ khai thác đá và nhà máy sản xuất xi măng đang hoạt động, rất khó để đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí 17 về môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...            

Được biết, trước thực trạng mỏ đá xâm lấn đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, những hộ có ruộng bị ảnh hưởng do việc khai thác mỏ đá ở lèn Cây Trỗ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã Thạch Hoá và huyện Tuyên Hoá. Sau nhiều lần phối hợp với các đơn vị chức năng về thanh tra, xử phạt..., chính quyền xã Thạch Hoá và huyện Tuyên Hoá đã buộc đơn vị khai thác đá phải có phương án đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá thừa nhận, tại xã Thạch Hoá có 3 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do việc khai thác đá (trong đó có 0,5 ha bị ảnh hưởng mạnh). Năm 2013, huyện Tuyên Hoá cũng đã xử phạt một đơn vị khai thác đá trên địa bàn với số tiền 12 triệu đồng vì làm ô nhiễm môi trường và gây hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hiện UBND huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra định kỳ đối với các mỏ khai thác đá gây ô nhiễm; buộc các đơn vị khai thác đá phải có bản cam kết hạn chế đến mức tối đa ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường...

Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần chỉ đạo doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc đền bù, hỗ trợ thoả đáng cho nông dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với những mỏ khai thác đá đang hoạt động trên địa bàn, nhằm buộc các đơn vị nói trên phải chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường.

Văn Minh