.

Khó khăn trong giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Thứ Sáu, 25/03/2016, 11:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm ở phía tây của huyện Quảng Ninh, Trường Sơn và Trường Xuân là hai xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Vân Kiều tập trung sinh sống nhiều nhất. Đây cũng là nơi mà tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại nhiều năm qua. Đã có nhiều chủ trương, mô hình nhằm giảm thiểu tình trạng này được triển khai thực hiện, tuy nhiên để hạn chế được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở đồng bào dân tộc Vân Kiều vẫn còn là một thách thức lớn.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại

Theo thống kê của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Quảng Ninh, tại xã Trường Sơn, năm 2012, có 1 trường hợp kết hôn cận huyết thống, năm 2013, trong 23 cặp vợ chồng dân tộc thiểu số đăng ký kết hôn thì có 2 cặp kết hôn cận huyết thống; năm 2014, trong 22 cặp kết hôn thì có 3 cặp tảo hôn; năm 2015 là 4 trường hợp tảo hôn. Mặc dù số trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết chưa ở mức đáng báo động, thế nhưng tình trạng này vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều. Trên thực tế, số cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống có thể cao hơn nhiều, vì quá trình điều tra, thống kê ở cấp cơ sở vẫn chưa thực hiện sâu sát, số cặp lấy nhau nhưng không đi đăng ký kết hôn vẫn còn.

Chị Nguyễn Thị Lánh, Phó giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện cho biết: Việc kết hôn của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân xưa nay vẫn dựa vào phong tục tập quán cũ, chính vì vậy tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn thường xảy ra. Lâu nay, người Vân Kiều vẫn thường quan niệm, gia đình càng đông con thì càng có nhiều của cải. Chính vì vậy, cha mẹ thường muốn con cái lập gia đình sớm và sinh nhiều con để có thêm nguồn lao động chính cho gia đình.  Số em phải bỏ học giữa chừng để ở nhà lấy vợ, lấy chồng vì thế ngày càng tăng. Đặc biệt, người Vân Kiều không muốn tài sản của gia đình mình bị chia sẻ với người ngoài nên thường để người trong họ hàng lấy nhau, lấy "càng gần" thì càng tốt.  

Trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu đè nặng khiến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại nhiều năm nay tại các xã miền núi huyện Quảng Ninh.
Trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu đè nặng khiến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại nhiều năm nay tại các xã miền núi huyện Quảng Ninh.

Có thể nói, với mặt bằng trình độ dân trí còn thấp, đa số đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây chưa nhận thức được hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều bản ở cách xa trung tâm, cuộc sống còn khó khăn nên việc quan tâm đến vấn đề sức khỏe sinh sản quá hạn chế. Tình trạng kết hôn sớm và kết hôn người trong cùng họ hàng của đồng bào Vân Kiều thời gian qua đã tạo ra hệ lụy đối với sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số và sự phát triển chung của xã hội.  

Khó ngăn chặn

Không riêng gì xã Trường Sơn và Trường Xuân của huyện Quảng Ninh, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng đang tồn tại ở rất nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2011, Chính phủ đã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Quảng Ninh, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện đã tiến hành triển khai thực hiện mô hình “Giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân. Qua 5 năm thực hiện, mô hình đã tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Vân Kiều thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Luật Hôn nhân và Gia đình, hậu quả của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Hàng năm, Trung tâm phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng huyện cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số các bản của hai xã Trường Xuân, Trường Sơn. Mô hình triển khai cơ bản đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều. Tuy nhiên, tính hiệu quả của mô hình mang lại vẫn chưa thực sự cao, bởi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều bản.

Theo chị Nguyễn Thị Lánh, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Vân Kiều còn thấp nên việc tiếp thu, nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn hạn chế. Các phong tục tập quán của đồng bào đã ăn sâu vào tiềm thức, trong khi đó, các tuyên truyền viên hầu hết là người dân tộc Kinh nên công tác tuyên truyền ít phát huy tác dụng do những cản trở trong giao tiếp, phong tục... Đối với những bản nằm cách xa trung tâm, giao thông cách trở thì việc đi đến tận nơi để tuyên truyền, phổ cập những kiến thức cơ bản về Luật Hôn nhân và Gia đình khá hạn chế. Cũng theo chị Lánh, hàng năm, kinh phí để triển khai mô hình còn quá ít, các hoạt động chỉ được triển khai thí điểm ở một số bản, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao, một số nơi làm còn mang tính hình thức.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một trong những vấn nạn đáng lo ngại của xã hội hiện nay. Để có thể thay đổi được nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số thì ngoài việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân, cần nâng cao vai trò của các già làng, trưởng bản, những cộng tác viên dân số trong việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Đ.Nguyệt