.

Nhà công vụ cho giáo viên: Vấn đề còn nan giải

Thứ Hai, 30/11/2015, 16:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm học 2015-2016, công đoàn ngành GD-ĐT đã phối hợp với chuyên môn tổ chức khảo sát thực trạng nhà công vụ cho giáo viên, qua đó thấy được điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giáo viên còn khó khăn, thiếu thốn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Chính vì vậy, xây dựng nhà công vụ là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề.

Thực tế cho thấy việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên từ nhiều năm nay chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống giáo viên, đặc biệt là những điểm trường mà nhiều giáo viên ở xa có nhu cầu về nơi ăn, chốn ở.

Mặc dù ở mỗi địa phương, chính quyền, công đoàn ngành giáo dục đã và đang nỗ lực để các thầy cô giáo yên tâm gắn bó với nghề, với trường..., nhưng nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên vẫn còn cao, trong khi số lượng nhà công vụ cho giáo viên còn rất hạn chế. Vì vậy, chính sách về nhà ở cho giáo viên có thể coi là giải pháp để giữ chân các thầy cô giáo gắn bó và hướng đến sự phát triển bền vững giáo dục, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Có mặt tại Trường tiểu học Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của các thầy cô giáo nơi đây, chúng tôi mới hiểu hơn về những thiếu thốn, vất vả khi phải sống trong những căn nhà công vụ tạm bợ chỉ khoảng 10 mét vuông. Đây cũng là điều mà lãnh đạo nhà trường bấy lâu nay luôn trăn trở. Hiện tại, Trường tiểu học Hưng Trạch có 3 dãy nhà công vụ, với 9 phòng ở, chưa đáp ứng đủ cho số giáo viên có nhu cầu ở lại.

 Ảnh 7 : Về cơ bản, hệ thống trường, lớp học trên địa bàn tỉnh ta đã được đầu tư xây dựng khang trang nhưng nhà công vụ cho giáo viên lại thiếu.
Về cơ bản, hệ thống trường, lớp học trên địa bàn tỉnh ta đã được đầu tư xây dựng khang trang nhưng nhà công vụ cho giáo viên lại thiếu.

Hiện nay, số nhà nội trú của trường đã bị hư hỏng nặng, không còn bảo đảm an toàn cho giáo viên, nhưng nếu không đưa vào sử dụng thì giáo viên không biết phải ở đâu. Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhưng do điều kiện kinh phí còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng nhà ở cho giáo viên cũng đành phải gác lại. Vậy, không biết đến bao giờ, những giáo viên ở cách xa nơi dạy có nhu cầu về nơi ăn, chốn ở mới được giải quyết, để họ yên tâm công tác.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, nhiều năm qua, giáo viên giảng dạy phải ở trong những căn nhà tạm bợ. Trường có tổng số 104 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 30 giáo viên ở cách trường khá xa nên có nhu cầu ở nhà công vụ. Hiện tại, Trường có hai dãy nhà tạm gồm 10 phòng, được xây dựng cách đây gần 40 năm, mỗi phòng khoảng 12 mét vuông, chỉ giải quyết được cho 20 giáo viên ở. Dẫu vậy, những giáo viên được ở trong nhà nội trú vẫn không yên tâm vì hệ thống mái nhà và tường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Mặc dù nhà trường đã nhiều lần trích kinh phí để tu bổ, sửa chữa lại nhưng chất lượng các phòng ở không còn  bảo đảm, nguy cơ sập đổ là rất cao. Nhiều giáo viên phải thuê phòng trọ, thuê nhà dân để ở. Mặc dù biết và thấu hiểu sự thiếu thốn và khó khăn của đội ngũ giáo viên, nhưng Ban giám hiệu và công đoàn nhà trường chỉ biết động viên để giáo viên khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, đáp ứng chất lượng dạy học.

Theo thống kê từ Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh, hiện tại toàn ngành có trên 19.000 giáo viên, nhân viên, trong đó nhu cầu về nội trú là 3.200 người. Mặc dù thời gian qua, lãnh đạo Sở và Công đoàn ngành đã có nhiều kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng để giải quyết nhưng vấn đề nhà công vụ vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Để giữ chân những thầy giáo, cô giáo, động viên, khuyến khích họ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, thiết nghĩ, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho vấn đề nhà công vụ để giáo viên thật sự yên tâm công tác. Có như thế thì hoạt động chuyên môn của các trường mới bảo đảm, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nguyễn Hoàng