.

Điểm mới của Luật BHXH năm 2014

Thứ Sáu, 27/11/2015, 05:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28-6-2006 đánh dấu sự phát triển quan trọng về hành lang pháp lý trong thực hiện chính sách BHXH ở nước ta, tạo tiền đề cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tới mọi người lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, qua hơn 7 năm thực hiện, có nhiều nội dung của Luật BHXH năm 2006 còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Vì vậy, ngày 20-11- 2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 thay thế Luật BHXH 2006. Những điểm mới căn bản của Luật BHXH 2014 được chia thành 4 nhóm vấn đề:

Thứ nhất: Mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định tại Luật BHXH năm 2006, người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Theo đó, người làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng và lao động tự do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Luật BHXH 2014 quy định thêm 3 nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, đó là từ ngày 1- 1- 2016, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn phải tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã bao phủ gần như toàn bộ người lao động có quan hệ với người sử dụng lao động.

Bỏ trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện: Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Luật BHXH năm 2006 là công dân Việt Nam, trong độ tuổi lao động, như vậy người đã hết tuổi lao động không được tham gia BHXH tự nguyện. Luật BHXH năm 2014 bỏ quy định trần tuổi tham gia, chỉ quy định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam, đủ 15 tuổi trở lên.

Thứ hai: Về các chế độ BHXH, quy định thêm chế độ Bảo hiểm hưu trí bổ sung, là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, với hình thức này, quỹ được tạo lập từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, khuyến khích người lao động và người sử dụng đóng góp thêm ngoài mức quy định của đối tượng bắt buộc, để người lao động có mức lương hưu cao hơn khi nghỉ hưu, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Về chế độ ốm đau: Thay đổi cách tính mức trợ cấp ốm đau một ngày, bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng chia cho 24 ngày (làm việc), Luật 2006 quy định chia cho 26 ngày. Quy định này phù hợp với người lao động 22 ngày/tháng và người lao động 26 ngày/tháng, tăng quyền lợi cho người lao động.

Về chế độ thai sản: Nới lỏng điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, cần có đủ 12 tháng đóng BHXH, trong đó có đủ 3 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh (quy định trước đây phải có đủ 6 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh). Quy định này tạo điều kiện cho những người trong thời gian mang thai, vì lý do bệnh lý phải nghỉ việc để dưỡng thai, vẫn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Quy định thêm trường hợp lao động nam có đóng BHXH được nghỉ từ 5- 7 ngày hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con. Bổ sung quy định đối với người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ, người nhận nuôi con nuôi sơ sinh được hưởng chế độ thai sản như người mang thai bình thường, riêng đối với người mang thai hộ thì thời gian hưởng cho đến khi bàn giao con cho người nhờ mang thai hộ, nhưng không dưới 2 tháng và không quá thời gian quy định đối với người mang thai bình thường.

Thay đổi cách tính trợ cấp thai sản theo ngày đối với những trường hợp thời gian nghỉ tính theo ngày như khám thai, sảy thai, nạo thai, đặt vòng, triệt sản; mức trợ cấp một ngày bằng mức trợ cấp một tháng chia cho 24 ngày giống như ở chế độ ốm đau.

Thay đổi mức nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau thời gian nghỉ ốm đau, thai sản, chỉ có một mức hưởng là 30% tiền lương cơ sở một ngày, thay vì có hai mức 25% tiền lương tối thiểu và 40% tiền lương tối thiểu một ngày tương ứng với nghỉ dưỡng sức tại nhà và nghỉ tại các cơ sở tập trung.

Về chế độ hưu trí: Nâng dần tuổi nghỉ hưu để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Cụ thể với đối với lao động nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có đủ từ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, từ 1- 1- 2016 được chia thành hai nhóm; nhóm thứ nhất nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi là được hưởng lương hưu; nhóm thứ hai nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Quy định lại cách tính tỷ lệ lương hưu hàng tháng theo hướng giảm dần, cụ thể là từ 1-1- 2018, đối với lao động nam, số năm đóng BHXH để được hưởng tỷ lệ 45% mức lương đầu tiên để tính lương hưu tăng dần, năm 2018 là 16 năm (theo luật cũ là 15 năm), 2019 là 17 năm,... đến năm 2022 là 20 năm; sau đó cứ 1 năm công tác được cộng thêm 2%, tối đa là 75%. Như vậy, đến năm 2022 để đạt được tỷ lệ tối đa 75% lương hưu, thì lao động nam phải đóng BHXH 35 năm (luật cũ chỉ đóng 30 năm). Đối với lao động nữ, 15 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45% (như hiện nay), sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2% (giảm 1% so với hiện tại). Như vậy, để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm (hiện nay chỉ đóng 25 năm).

Đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% (so với hiện tại là 1%). Đồng thời điều chỉnh cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, đối với người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tăng dần số năm tính tiền lương bình quân, căn cứ mốc thời gian bắt đầu tham gia đóng BHXH. Cụ thể đối với người lao động tham gia BHXH trước năm 1995, lương hưu được tính trên cơ sở bình quân lương đóng bảo hiểm của 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm từ năm 1995 đến năm 2000, từ năm 2001 đến năm 2006 và từ năm 2007 đến năm 2015, lương hưu được tính trên cơ sở bình quân lương đóng bảo hiểm của 6 năm, 8 năm và 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2016 đến năm 2019 thì tính bình quân 15 năm cuối; tham gia từ năm 2020 đến năm 2024 thì tính bình quân 20 năm, tham gia từ 2025 trở đi thì tính bình quân của toàn bộ thời gian đóng.

Về chế độ tử tuất, theo Luật BHXH năm 2006, khi người lao động chết, nếu thân nhân đủ điều kiện được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng thì bắt buộc phải  hưởng hàng tháng, không được giải quyết chế độ tiền tuất một lần. Theo quy định mới, thân nhân có thể chọn hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng hoặc tiền tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thứ ba, về Quỹ BHXH được chia thành 3 quỹ thành phần, gồm Quỹ ốm đau và thai sản, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Quỹ hưu trí và tử tuất, như vậy Quỹ hưu trí và tử tuất được sử dụng để chi trả chế độ cho cả đối tượng tham gia bắt buộc và tham gia tự nguyện (trước đây là hai quỹ tách biệt giữa đối tượng tham gia bắt buộc và tự nguyện). Việc gộp hai quỹ sẽ bảo đảm sự bình đẳng cho người lao động tham gia ở hai hình thức BHXH này. Quy định cụ thể từ 1-1-2018, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Đồng thời giảm mức quy định về thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (mức cũ là 1 tháng tiền lương tối thiểu chung); luật mới cũng đề cập tới vấn đề hỗ trợ của ngân sách nhà nước để đóng BHXH cho đối tượng này; quy định này sẽ mở ra cơ hội tham gia BHXH tự nguyện cho nhiều người lao động.

Thứ tư, về tổ chức thực hiện Luật năm 2014 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận trong việc chỉ đạo, tổ chức, giám sát thực hiện chính sách BHXH. Đồng thời giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, chấn chỉnh kịp thời tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có chiều hướng gia tăng.

Tóm lại, Luật BHXH năm 2014 quy định cụ thể hơn và chỉnh sửa những nội dung không còn phù hợp của Luật BHXH năm 2006, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và cân đối thu chi cho quỹ BHXH trong dài hạn

Phạm Thanh Tùng
(Giám đốc BHXH tỉnh)