.

Quảng Ninh: Đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm

Thứ Sáu, 27/11/2015, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, nhất là chú trọng hỗ trợ người nghèo vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm... Từ đó đã mở ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Quảng Ninh đã quan tâm đúng mức công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn; tập trung công tác chỉ đạo, giám sát thực hiện đối với các chương trình, đề án về giảm nghèo, giải quyết việc làm; phân công lãnh đạo cấp ủy phụ trách từng xã, cụm xã, có trách nhiệm đôn đốc, giám sát cơ sở thực hiện.

Do vậy chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan; bình quân hàng năm đã giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,8%/năm.

Nhà máy may S và D (tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.
Nhà máy may S và D (tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Chỉ riêng trong năm 2015, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với cơ sở đào tạo nghề mở các lớp đào tạo nghề cho 952 lao động, đạt 106% kế hoạch; phối hợp với các cơ sở, các trung tâm giới thiệu việc làm tìm kiếm, hướng dẫn và giải quyết việc làm cho 3.612 lao động, đạt 103% kế hoạch (trong đó, tạo thêm việc làm cho 1.455 người, tạo việc làm mới 2.157 người, xuất khẩu lao động 278 người). Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 4,52%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế, cụ thể là: giảm nghèo chưa bền vững, một số xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; việc xây dựng chương trình chưa sát với thực tế, thiếu giải pháp đồng bộ, chưa mang tính đột phá; phát triển ngành nghề nông thôn còn chậm; công tác đào tạo nghề cho người lao động chưa phù hợp với đòi hỏi của thị trường...

Ðể sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực hiện đề án giảm nghèo, giải quyết việc làm; hàng năm đào tạo nghề cho trên 900 lao động, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 50%.

Đặc biệt, huyện tiếp tục khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế, hộ gia đình mở mang ngành nghề sản xuất, dịch vụ để thông qua đó tạo việc làm cho lao động nông thôn; tiếp tục phát triển thị trường lao động và tổ chức lại lực lượng lao động xã hội, phối hợp các trung tâm giới thiệu và sàn giao dịch việc làm để đẩy mạnh xuất khẩu lao động; phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân vay vốn để tạo việc làm... Với những giải pháp này, huyện phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho 3.200 lao động, trong đó chú trọng lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương và chính sách của Nhà nước trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án dạy nghề, tạo việc làm và công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công... Quảng Ninh xây dựng cơ chế hình thành chương trình phát triển cộng đồng, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu giảm nghèo và giảm nghèo bền vững; xã hội hóa việc huy động các nguồn lực cho giảm nghèo, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và toàn dân tham gia giúp đỡ người nghèo; phấn đấu hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%/năm.

P.V