.

Khi mình "bị" chấm điểm

Thứ Sáu, 20/11/2015, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Sắp tới, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ được quyền chấm điểm cán bộ bằng điện thoại di động thông qua tổng đài Dự án “Dân chấm điểm” M-Score. Khi mình “bị” chấm điểm, cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghĩ gì, dưới đây là ghi nhận của phóng viên trước khi dự án được triển khai.

* Chị Cao Thị Tố Nga, cán bộ Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Tuyên Hóa: “Tôi tin dự án sẽ thành công”

Sau khi đi vào hoạt động được 2 năm, Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Tuyên Hóa đã từng bước góp phần vào kết quả chung trên lĩnh vực cải cách hành chính của huyện. Chất lượng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả tại Trung tâm được thực hiện kịp thời. Qúa trình giải quyết hồ sơ ở các lĩnh vực rõ ràng, cập nhật đúng quy định. Việc quản lý, sử dụng hệ thống bảng biểu, sổ sách phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính khá đầy đủ.

Vì vậy, chưa có phản ánh của cá nhân, tổ chức về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng như tinh thần thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận một cửa liên thông. Trong giai đoạn 2011- 2015, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông huyện Tuyên Hóa đã tiếp nhận trên 15.000 hồ sơ, số hồ sơ trả đúng hẹn đạt gần 100%.

Để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ tận tình của lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn, nhất là sự phối hợp, quan tâm, động viên rất lớn từ phía người dân, tổ chức đến giao dịch. Sắp tới, Dự án “Dân chấm điểm” được triển khai, lãnh đạo Văn phòng đã tập huấn, hướng dẫn tuyên truyền cách thức nhập dữ liệu, tiếp nhận, chuyển hồ sơ đến các cấp lãnh đạo, phòng ban chuyên môn.

Từ ngày 1-1-2016, người dân sẽ được quyền chấm điểm cán bộ thông qua tổng đài Dự án “Dân chấm điểm”.
Từ ngày 1-1-2016, người dân sẽ được quyền chấm điểm cán bộ thông qua tổng đài Dự án “Dân chấm điểm”.

Mặc dù biết mình sẽ “bị” chấm điểm nhưng tôi không xem đó là áp lực mà đó là động lực để chúng tôi làm việc tốt hơn. Và tôi tin, dự án sẽ thành công vì mang lại những lợi ích chính đáng cho người dân, đồng thời tạo động lực hơn nữa để cán bộ Trung tâm chúng tôi làm việc tốt hơn, phục vụ hiệu quả nhất cho khách hàng đến giao dịch.

* Anh Đinh Hoàng Thái, cán bộ Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Minh Hóa: “Dự án sẽ giúp tôi làm việc tốt hơn”

Dự án chưa được triển khai nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui và cũng không ít lo lắng. Vui vì dự án sẽ giúp cho cán bộ Trung tâm làm việc tốt hơn nhờ có thêm sự “giám sát” của khách hàng qua tổng đài. Những ý kiến đánh giá của khách hàng sẽ giúp chúng tôi phát hiện ra thiếu sót của bản thân cũng như của Trung tâm để đề xuất lên các cấp lãnh đạo có biện pháp khắc phục, đồng thời phát huy những thế mạnh của mình nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tạo sự tin tưởng hơn giữa nhân dân và chính quyền.

Tuy nhiên, khi dự án được triển khai cũng sẽ tạo cho chúng tôi những áp lực nhất định. Bởi khi làm việc gì cũng không thể tránh khỏi những sai lầm thiếu sót. Và những thiếu sót đó có thể do khách quan nhưng khách hàng có thể không hiểu rồi đem ra đánh giá, chấm điểm làm ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu, thi đua của chính bản thân tôi cũng như đơn vị mình.

* Bà Đoàn Hải Lý, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố Đồng Hới: “Dự án sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân”

Năm 2008, được sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí của UBND tỉnh, UBND thành phố đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm giao dịch một cửa liên thông trên diện tích hơn 90m2, có phòng làm việc hiện đại, trang trọng, không gian thoáng mát, vị trí thuận tiện, bảo đảm điều kiện công khai các TTHC. Từ khi đi vào hoạt động (tháng 11-2008), trung bình mỗi ngày lượng khách đến giao dịch từ 80 - 100 lượt người, tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Bình quân mỗi năm, Trung tâm giao dịch một cửa tại thành phố đã tiếp nhận trên 17.000 hồ sơ, đã giải quyết đúng và trước hẹn hơn 16.000 hồ sơ. Lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm giao dịch "một cửa" bình quân năm sau tăng hơn năm trước 2-2,5 lần. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn từ cán bộ, nhân viên của Trung tâm và sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của lãnh đạo thành phố cũng như các phòng ban chuyên môn. Nhờ đó, số lượng lớn hồ sơ đã được giải quyết nhanh, gọn, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trung tâm vẫn còn những khó khăn nhất định như: Do số lượng hồ sơ quá lớn nên một số hồ sơ vẫn chưa giải quyết đúng hẹn (chủ yếu là hồ sơ liên quan đến đất đai) nên có người đến giao dịch tỏ ra chưa hài lòng.

Mặt khác, một số ít cán bộ có thái độ, hành vi hách dịch đối với khách hàng. Thời gian tới, Dự án “Dân chấm điểm” được triển khai, chúng tôi sẽ có điều kiện tốt hơn để quản lý con người, sớm phát hiện ra những biểu hiện hách dịch của cán bộ để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân.

* Ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Quảng Ninh: “Dự án sẽ nâng cao trách nhiệm cán bộ”

Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Quảng Ninh thực hiện rất nhiều chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, có nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; thẩm định hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; theo dõi biến động về đất đai; thực hiện việc lập, quản lý, cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin đất đai cấp huyện; tham gia xác định giá đất, mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; tổ chức thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp chủ tịch UBND cấp huyện quyết định trưng dụng đất, gia hạn trưng dụng đất những vấn đề quan trọng khác liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Tuy công việc rất nhiều nhưng cán bộ, nhân viên trong phòng luôn nỗ lực hết mình để giải quyết, nhất là các hồ sơ của nhân dân. Trong quá trình làm việc, tất nhiên cũng không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Thiếu sót đó thường có rất nhiều nguyên nhân từ phía người dân, hoặc chính quyền cấp xã, huyện và cả cán bộ của phòng.

Sắp tới, Dự án “Dân chấm điểm” được triển khai sẽ góp phần giúp cho người dân được quyền giám sát, đánh giá cán bộ qua hệ thống tổng đài. Nhờ đó sẽ giúp cho cán bộ các cấp, ngành làm việc có trách nhiệm hơn, nhiệt tình hơn với nhân dân; củng cố niềm nin của người dân với chính quyền khi các thủ tục hành chính của họ sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn.

Xuân Vương (thực hiện)