.

Vẫn tràn lan đồ chơi hạt nở của Trung Quốc

Thứ Ba, 17/11/2015, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm trước, nhiều tai nạn thương tâm ở trẻ em xuất phát từ hạt nhựa nở-một loại đồ chơi của Trung Quốc-đã gióng một hồi chuông cảnh báo về loại đồ chơi nguy hại này. Thế nhưng, đến nay, hạt nhựa nở vẫn là một thứ đồ chơi thịnh hành và đang được bày bán khắp nơi, trở thành mối nguy hại khôn lường đe dọa tính mạng và sức khỏe của trẻ em.

Tác hại khôn lường

Loại hạt nở nguy hiểm đang được bày bán khắp nơi.
Loại hạt nở nguy hiểm đang được bày bán khắp nơi.

Hạt nhựa nở Trung Quốc là những hạt nhỏ li ti, cứng, nhiều màu sắc và được đóng trong những gói nilông nhỏ xíu. Trên bao bì loại đồ chơi này có dòng chữ seven color crytal ball (tạm dịch là túi bóng 7 màu).

Phía sau túi có các câu tiếng Anh sai từ, sai ngữ pháp, được tạm dịch là: Hãy thả các hạt trong túi nhỏ vào 400g nước. Sau 4 giờ đồng hồ chúng sẽ nở to ra trông rất đẹp... Ngoài những câu chữ trên cùng dòng chữ ghi nơi sản xuất từ Trung Quốc, không có một dòng nào nói về thành phần bên trong sản phẩm hay lưu ý về độ tuổi, cách chơi...

Theo hướng dẫn, chúng tôi ngâm những hạt nở này vào ly nước và theo dõi. Chẳng cần đến 4 giờ đồng hồ, mà chỉ mất chừng 30 phút, những hạt li ti này phình to gấp khoảng 20 lần kích cỡ ban đầu, màu sắc bắt mắt, long lanh. Nếu để một thời gian dài, chúng sẽ to gấp 400%, rất dễ dàng phát nổ và bắn ra một dung dịch lạ, có thể gây cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy và sưng tấy.

Thực tế cho thấy, những loại hạt này nếu lọt vào đường hô hấp khi gặp nước sẽ trương nở ra khiến trẻ bị tắc khí quản, hoặc nếu lọt vào đường tiêu hóa sẽ gây tắc ruột. Khi ở dạng cứng, hạt nở sẽ rất nguy hiểm cho trẻ nếu rơi vào mắt, gây viêm mạc, chưa kể những "viên bi" lấp lánh xinh xắn này làm trẻ dễ bỏ vào miệng nhai. Một điều đáng lo ngại là những hạt nhỏ này có màu sắc rất hấp dẫn nên trẻ nhỏ dễ bị nhầm là kẹo. Nếu như nhiều trẻ không biết mà ngậm vào miệng hay nuốt phải thì hiểm họa sẽ khó lường.

Và đương nhiên, nhiều năm tồn tại ngang nhiên trên thị trường Việt Nam, loại đồ chơi nguy hại này đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm cho trẻ em. Mặc dù ở tỉnh ta, chưa ghi nhận trường hợp đáng tiếc nào nhưng trên cả nước, những vụ tai nạn từ hạt nhựa nở thì không hề hiếm gặp.

Sau khi ngâm nước, hạt nở có thể to lên gấp nhiều lần.
Sau khi ngâm nước, hạt nở có thể to lên gấp nhiều lần.

Đáng chú ý nhất là năm 2007, tại Trường THCS Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), 24 học sinh và 1 giáo viên phải nhập viện, trong đó có 7 học sinh phải nhập viện lần 2 do hít phải khí lạ có mùi hắc từ hạt nhựa bị vỡ. Vài năm sau, ở Thừa Thiên - Huế, một bé trai tử vong do hạt nở lọt vào đường hô hấp, gây tắc khí quản.

Năm 2014, có 3 học sinh ở Tây Ninh cũng phải nhập viện cấp cứu với triệu chứng tê cứng tay, ngứa da, đau bụng và nôn ói. Nguyên nhân là do các em đã cầm nắm các hạt nhựa nở phình to, hình dáng giống như các hạt “trân châu”. Các kết quả kiểm nghiệm gần đây cho thấy loại hạt nhựa này có sử dụng Diazo (màu dẫn polyacryamit) rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.

Bán tràn lan

Những tai nạn đáng tiếc từ hạt nhựa nở xảy ra liên tiếp trong những năm 2007-2008. Nhiều năm sau đó, loại đồ chơi độc hại này đã bị cấm bán trên thị trường. Vậy nhưng thời gian gần đây, hạt nhựa nở lại xuất hiện tràn lan trên các sạp bán đồ chơi trẻ em, đặc biệt là ở những cửa hàng trước cổng của hầu hết các trường học.

Đóng vai một phụ huynh đi mua đồ chơi cho con, tôi đi dọc các cửa hàng tạp hóa ngay cổng trường các trường học ở phường Đồng Phú và Nam Lý (Đồng Hới), hỏi về túi hạt nở, nhiều chủ cửa hàng đon đả mang ra giới thiệu. Trong số họ, chỉ 1, 2 người cẩn thận dặn dò là không nên cho trẻ nhỏ nuốt vào. Khi được hỏi món hàng này xuất xứ cụ thể từ đâu, một chủ cửa hàng đối diện trường Tiểu học Đồng Phú trả lời gọn lỏn: “Trung Quốc. Còn cụ thể thì không biết mô vì đây là mối hàng quen họ mang đến bán”.

Các loại đồ chơi không có dấu hợp quy CR vẫn được bày bán tràn lan ở cổng trường
Các loại đồ chơi không có dấu hợp quy CR vẫn được bày bán tràn lan ở cổng trường.

Mỗi một túi hạt nở đều được chủ các cửa hàng bán chỉ với giá 2.000 đồng. Ngoài loại hạt nở này, tại các quán gần trường học còn bán loại hạt nở hấp dẫn hơn, khi ngâm nước nó sẽ chuyển thành hoa, hoặc chuyển thành động vật kỳ thú như bò cạp, khủng long, cá sấu... Nếu để lâu, các hạt nở sẽ bị vỡ dần rồi tan ra trong nước. Trên bao bì của các túi đựng hạt nở đều ghi chữ Trung Quốc và những logo hình đồ chơi trẻ em. Hoặc có một loại khác là các con thú với màu sắc bắt mắt, càng ngâm nước, các con thú này còn phình to ra, trông rất hấp dẫn với con trẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, sau giờ học, rất nhiều em nhỏ vẫn tập trung đến gian hàng đồ chơi trẻ em ở cổng trường và hỏi mua loại hạt nở này. Chủ cửa hàng vẫn nhiệt tình bán mà không một lời dặn dò về tác hại hay những lưu ý trong sử dụng.

Trước thông tin về khả năng ảnh hưởng sức khỏe và có thể gây nguy hiểm khi cho trẻ em chơi các loại hạt nở có nguồn gốc Trung Quốc, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi mặt hàng này vẫn đang được bán ra trên thị trường.Chị Nguyễn Thị Minh (Nam Lý, Đồng Hới) cũng có con gái đang học lớp 4. Một ngày, chị tá hỏa khi phát hiện con gái mang về một túi nhỏ có chứa các hạt nhựa nở - thứ đồ chơi nguy hiểm bị cấm từ lâu.

“Mình cấm tiệt, không cho con chơi. Nhưng nếu ở cổng trường vẫn bán tràn lan như thế thì làm sao quản lý được?! Con mình không chơi, nhưng nếu bạn khác vẫn chơi thì việc ảnh hưởng từ đồ chơi này vẫn có thể xảy ra với cháu”, chị Minh lo ngại.

Theo quy định, đồ chơi trẻ em hợp quy phải được gắn dấu hợp quy CR trên sản phẩm. Và hiển nhiên, đồ chơi chưa hợp quy thì không được phép lưu thông trên thị trường. Điều đáng nói, không chỉ riêng loại hạt nở này mà hầu hết các món đồ chơi bày bán trước các cổng trường học đều không có dấu hợp quy CR và tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều đó trở thành mối lo ngại khôn lường cho chính tính mạng và sức khỏe của trẻ em.

Diệu Hương