.
Bài dự thi viết về "Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiến tiến xuất sắc" tỉnh Quảng Bình lần thứ II, năm 2015-2016:

Nhân rộng yêu thương

Thứ Ba, 08/09/2015, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Bằng những đồng tiền lao động chắt chiu, dành dụm được, chị Hoàng Thị Châu ở tổ dân phố 6, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) đã dùng số tiền đó để giúp đỡ rất nhiều phụ nữ nghèo hơn 10 năm qua. Tấm lòng nhân ái của chị đã góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn vượt lên hoàn cảnh hòa nhập cuộc sống.

Nhờ những đồng tiền tích cóp được từ công việc thu mua lúa gạo chị Châu đã giúp rất nhiều chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nhờ những đồng tiền tích cóp được từ công việc thu mua lúa gạo chị Châu đã giúp rất nhiều chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Giúp người dưng như người thân

Nhắc đến chị Châu, người dân nơi đây không ai là không biết. Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, bà Nguyễn Thị Thìn vừa rót nước mời khách vừa kể câu chuyện về gia đình mình. Trước đây gia đình bà thuộc diện khó khăn, bà lại hay đau ốm nên cuộc sống rất chật vật, lúc nào cũng phải sống trong cảnh thiếu thốn, nợ nần.

Hơn 2 năm trước, số tiền bà Thìn vay ngân hàng đã đến hạn phải trả nhưng bà không biết lấy đâu ra tiền, nhà nghèo lại già cả nên vay ai cũng không được. Vậy là bà đánh liều lên nhà chị Châu để vay. Thương bà tuổi cao sức yếu, vợ chồng chị Châu đã cho bà mượn tiền để trả nợ ngân hàng. Từ đó trở đi, mỗi lúc gia đình bà gặp khó khăn, cần đến tiền là lại được chị Châu nhiệt tình giúp đỡ. Cách đây mấy tháng, vì đã lớn tuổi lại bị bệnh tim nặng nên bà Thìn phải nhập viện để điều trị.

Để có thể cứu được tính mạng bà thì gia đình phải có 70 triệu đồng để lo viện phí nhưng trong nhà bà Thìn không có tiền, cũng không biết phải vay mượn ở đâu để có được số tiền lớn như vậy. Trong lúc cùng quẫn nhất thì may mắn lại đến với bà. Chị Châu lại một lần nữa dang tay cứu giúp. Chị Châu cho bà Thìn mượn 70 triệu đồng. Không một đồng tiền lãi. Mới nghe qua câu chuyện ngay cả chúng tôi cũng ngỡ rằng giữa chị gia đình và chị Châu có quan hệ bà con họ hàng ruột thịt.

Nhưng hỏi ra mới biết, họ chỉ là những người hàng xóm. Bà Thìn chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp được chị Châu trợ giúp kịp thời như thế. “Nếu không có vợ chồng o Châu chú Tiến giúp đỡ thì tui cũng không biết mình có được sống khỏe mạnh như bây giờ không. Gia đình tui luôn coi o chú như là ân nhân của mình”, bà Thìn bày tỏ.

Không chỉ giúp đỡ những gia đình có người già hay đau ốm mà chị Châu còn luôn chia sẻ khó khăn với các chị em là trụ cột gánh vác gia đình. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Cho vừa nhanh tay lau vội những giọt nước mắt tuôn trào trên má khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình. Từ khi lập gia đình, vợ chồng chị đã lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống nhưng mãi vẫn không khá lên được vì cả hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định.

Được một thời gian thì chồng chị lại đổ bệnh, một mình chị phải cáng đáng gia đình và nuôi 4 đứa con ăn học. Từ những ngày đầu khốn khó đó, gia đình chị đã được chị Châu cho mượn tiền để làm kinh tế và nuôi các con học đại học. Chị Cho được chị Châu cho mượn từ 50-70 triệu đồng để vừa nuôi con ăn học và chữa bệnh cho chồng mà không lấy lãi. Đã 5 năm qua, chưa một lần chị Châu đề cập đến việc trả tiền chị nói lúc nào chị Cho có thì trả. “Nhờ có chị Châu mà các con tui được ăn học đầy đủ và có công ăn việc làm, bệnh tật của chồng tui cũng được chữa khỏi. Gia đình tui không biết lấy gì để đền đáp công ơn to lớn này”, chị Cho nghẹn ngào chia sẻ. Chị Cho cũng là người cùng khu phố với gia đình chị Châu.

Không chỉ có bà Thìn, chị Cho mà rất nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở tổ dân phố 6, 7 phường Bắc Lý từng được chị Châu giúp đỡ. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp lễ tết, chị Châu đều tặng quà cho hội viên phụ nữ, các gia đình hộ nghèo và đóng góp rất nhiều tiền cho các quỹ nhân đạo từ thiện của phường và thành phố.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Hội phụ nữ tổ dân phố 6 cho biết: “Không cần phải là bà con thân thích, dù chỉ là người dưng nhưng hễ ai gặp khó khăn mà có lý do chính đáng là chị Châu sẵn sàng cho mượn tiền vô điều kiện. Nhiều khi không cần đợi mọi người phải đến tận nhà để mượn tiền mà chỉ cần biết xung quanh có ai bệnh tật, ốm đau là chị lại đến động viên và giúp đỡ. Nhiều năm nay, đã có hàng trăm chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được chị Châu giúp đỡ theo cách như thế”.

Còn có sức khỏe, còn làm việc thiện

Thật đúng như lời kể của mọi người, chị Châu gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ lần gặp đầu tiên bởi khuôn mặt phúc hậu và nụ cười thân thiện. Chị kể về những ngày đầu khởi nghiệp, hai vợ chồng chị đều quê ở Quảng Hòa (Ba Đồn) vào Đồng Hới để lập nghiệp. Lúc đó, chị làm công nhân ở Xí nghiệp gia cầm Đồng Hới, rồi chuyển lên tổ dân phố 6 để lập nghiệp.

Trước đây, vùng đất này còn hoang vu, xung quanh chỉ là núi rừng rậm rạp, gia đình chị là người đầu tiên đến đây sinh sống. Khởi đầu sự nghiệp với một quán tạp hóa nhỏ để bán thuốc, nước cho khách qua đường, được một thời gian, khi có thêm nhiều hộ gia đình lên đây lập nghiệp, chị làm thêm việc buôn thóc gạo. Hành trang ban đầu là một chiếc xe đạp và một bao gạo, chị đi khắp Đồng Hới để mua và bán gạo kiếm thêm thu nhập để nuôi con ăn học.

“Cuộc sống lúc đó vất vả lắm, hai vợ chồng phải làm cả ngày lẫn đêm, không có lúc nào ngơi nghỉ”, chị Châu tâm sự. Được một vài năm thì chị bắt tay vào mở cơ sở xay xát, nhờ sự giúp đỡ của chị em buôn bán thóc gạo trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các bạn hàng ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc trong cả nước nên cơ sở xay xát, thu mua thóc gạo của gia đình chị ngày càng được mở rộng và làm ăn phát đạt.

Sau 25 năm, cơ sở xay xát Châu Tiến đã trở thành cơ sở xay xát, thu mua gạo lớn nhất trong toàn tỉnh, là đầu mối thu mua, lúa gạo ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi năm, cơ sở xay xát của chị thu mua với số lượng hàng ngàn tấn, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi hỏi về những hoàn cảnh mà chị đã từng giúp đỡ từ trước đến nay, chị không sao nhớ hết, bởi quá nhiều. Chị Châu cho biết, bởi thành công của ngày hôm nay không thể quên những khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp. Đó là lý do chị mở rộng tấm lòng mình ra với những người khốn khó như thế.

Trước đây, nhờ có sự giúp đỡ của nhiều chị em, bạn bè nên cuộc sống của gia đình chị đã thoát khỏi đói nghèo và dần làm ăn khấm khá. Khi nhìn thấy xung quanh mình còn có rất nhiều người cơ cực, khốn khó đang ngày ngày phải làm lụng vất vả để mưu sinh, chị lại nghĩ về hình ảnh của mình trước đây và không cầm lòng được. Sự đồng cảm luôn thôi thúc chị phải làm điều gì đó giúp những người bất hạnh để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

“Điều hạnh phúc nhất của mỗi con người chính là làm được nhiều việc có ý nghĩa, mang đến nhiều niềm vui cho những số phận không may mắn. Với tôi giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn đó là niềm vui, giúp tôi được ấm lòng”, chị Châu thổ lộ. Mỗi năm, chị bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm ăn phát triển kinh tế, chữa bệnh, nuôi con cái ăn học mà không lấy lãi. Việc làm của chị càng thêm có ý nghĩa khi con, cái và gia đình chị luôn ủng hộ và đồng hành cùng chị. “Khi nào còn có sức khỏe, còn làm được việc thì lúc đó tôi còn làm việc thiện. Tôi luôn muốn mình có thể giúp đỡ được nhiều hơn nữa những mảnh đời cơ cực vươn lên trong cuộc sống ”, chị Châu tâm sự.

Khi cuộc sống ngày càng hối hả, bận rộn, con người ít có thời gian để chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau thì những việc làm của chị Châu đã khơi dậy tình yêu thương giữa con người với nhau, thể hiện được tinh thần nhân văn cao cả. Tấm lòng của chị Châu thật đáng trân trọng!.

Lan Chi