.

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở

Thứ Tư, 13/05/2015, 16:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn, bạo lực hôn nhân gia đình và sự xuất hiện thường xuyên của các tệ nạn xã hội trong từng thôn xóm, công tác hòa giải cơ sở lại càng đóng vai trò quan trọng hơn, nhất là ở những nơi trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế.

Phần thi tài năng của đội hòa giải TP.Đồng Hới trong cuộc thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Quảng Bình” lần thứ VI.
Phần thi tài năng của đội hòa giải TP.Đồng Hới trong cuộc thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Quảng Bình” lần thứ VI.

Với gần 1.500 tổ hòa giải và 9.000 hòa giải viên trên địa bàn toàn tỉnh, những người “vác tù và hàng tổng” này đã san sẻ bớt gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi trực tiếp giải quyết kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong bà con lối xóm cũng như giữ gìn an ninh, trật tự địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa vai trò, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên.

Ông Nguyễn Văn Vững, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 7, phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới gắn bó với công tác hòa giải đã nhiều năm nay. Với đặc điểm là địa bàn rộng, dân tứ xứ đông, ngoài 270 hộ và hơn 1.000 nhân khẩu chính thức, tổ dân phố 7 còn có hơn 1.000 cán bộ, công nhân ở khu công nghiệp tạm trú. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống thường ngày của bà con, như: tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, đều được tổ hòa giải tổ dân phố 7 quan tâm giải quyết. Năm 2014, tổ đã giải quyết thành công 7/8 vụ mâu thuẫn trong tổ dân phố nhờ việc theo dõi, bám sát tình hình thực tiễn, nghiên cứu xem xét cụ thể từng vụ việc và có cách thức hòa giải phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Vững chia sẻ, ở một số vụ việc, các hòa giải viên không chỉ đến gặp đối tượng một lần mà còn nhiều lần trong tháng, đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể cơ sở để tăng tính thuyết phục, động viên, chia sẻ. Tuy vậy, một trong những khó khăn của các hòa giải viên chính là hạn chế về mặt trình độ hiểu biết một số vấn đề về pháp luật và sự thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Các hòa giải viên đều bày tỏ mong muốn được thường xuyên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ và có cơ hội được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hòa giải viên cùng cấp.

Với tinh thần phục vụ nhân dân vô tư và hết mình vì công việc chung, tổ hòa giải của tổ dân phố 15, phường Bắc Lý không quản ngại vất vả để nỗ lực hoàn thành các công việc. Ông Phan Thanh Tòng, Tổ phó tổ hòa giải tổ dân phố 15 cho biết, mặc dù đều ở độ tuổi đã trên 55, 7 hòa giải viên vẫn luôn cố gắng bám sát thực tiễn của tổ dân phố, kịp thời cập nhật thông tin và có kế hoạch nhanh chóng giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh của bà con.

Mong muốn lớn nhất của các hòa giải viên là có được nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho các hoạt động hòa giải, thay vì chủ yếu dựa vào tổ dân phố như hiện nay. Nguồn hỗ trợ này sẽ thêm phần khích lệ, động viên tinh thần anh em trong tổ hòa giải, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đồng thời, cần nghiên cứu để hỗ trợ thêm phụ cấp cho người tham gia công tác hòa giải, hay kịp thời có sự khích lệ, động viên trong quá trình hòa giải các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Theo bà Võ Tuyết Hà, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, các tổ hòa giải đã được duy trì trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian dài và ngày càng phát huy hiệu quả. Năm 2014, các tổ hòa giải trong tỉnh đã tiến hành hòa giải 2.789 vụ việc, trong đó, tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự là 1.118 vụ việc, tranh chấp phát sinh từ hôn nhân gia đình là 609 vụ việc và các tranh chấp khác là 1.062 vụ việc. Đã hòa giải thành công 2.421 vụ việc, đạt tỷ lệ gần 87%.

Vừa qua, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Quảng Bình” lần thứ VI đã góp phần bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải, thúc đẩy giao lưu văn hóa pháp lý, trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng thực hành. Hội thi đã thực sự tạo không khí sôi nổi, thi đua trong đội ngũ những người làm công tác hòa giải. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, các cơ hội cho hòa giải viên gặp gỡ như thế này là khá hiếm hoi do nhiều khó khăn khác nhau.

Chính vì vậy, cần quan tâm tạo thêm nhiều “sân chơi” bổ ích cũng như có sự tập huấn, trau dồi, nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật cho thành viên tổ hòa giải, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, theo Thông tư liên tịch “Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở” giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30-7-2014, kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành. Nhưng, do không ít địa phương khó khăn về nguồn kinh phí, khiến công tác hòa giải cơ sở chưa thực sự được quan tâm, chú trọng.

Mai Nhân