.

Gương sáng một phụ nữ Vân Kiều

Thứ Hai, 11/05/2015, 15:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bằng sự cần cù, chịu khó lao động, nhiều chị em đã biết vươn lên khẳng định mình, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn động viên, giúp đỡ mọi người cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chị Hồ Thị Huệ ở bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi ở huyện Lệ Thủy.

Chị Huệ sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con tại xã Kim Thủy. Tuổi thơ của chị thường xuyên trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cái chữ cũng không được học đến nơi đến chốn. Vợ chồng chị được nhà chồng cho ra ở riêng với tài sản là mấy mảnh đất đồi tự khai hoang. Hai bên nội, ngoại đều nghèo nên chẳng hỗ trợ thêm được gì. Thế rồi các con lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình chị càng thêm khó khăn, túng thiếu.

Nhiều đêm chị trăn trở, suy tính làm sao để cái đói, cái nghèo không còn đeo bám, để có tiền nuôi các con ăn học nên người. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Vân Kiều, chị đã bàn với chồng mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp. Những ngày đầu bắt tay vào làm, gia đình chị đã gặp phải muôn vàng khó khăn, với đồng vốn ít ỏi không đủ để thuê nhân công nên ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng chị cần mẫn cuốc đất khai hoang để trồng keo và sắn. “Xác định keo và sắn sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn không chán nản, bỏ cuộc”, chị Huệ chia sẻ.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu chị Huệ trồng một vài ha keo, sắn để ổn định cuộc sống gia đình. Thời gian sau đó, chị thấy được hiệu quả từ mô hình này nên đã quyết định vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng trọt. Vừa trồng trọt, chị vừa dành thời gian để tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, vừa học hỏi kinh nghiệm của chị em trong xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích keo, sắn của gia định chị phát triển rất nhanh. Lúc đầu chỉ với vài ha, nhưng đến nay gia đình chị Huệ đã trồng được 50 hecta keo và 10 ha sắn.

Chị Hồ Thị Huệ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ mô hình trang trại tổng hợp.
Chị Hồ Thị Huệ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ mô hình trang trại tổng hợp.

Trong đó có 25 ha keo đã đến tuổi khai thác và cho thu nhập cao. Năm nào sắn được mùa, cho năng suất cao thì gia đình chị cũng thu được gần 300 triệu đồng từ tiền bán sắn. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, từ một gia đình thuộc hộ nghèo đến nay gia đình chị Huệ đã trở thành hộ làm ăn kinh tế giỏi ở xã Kim Thủy. “Trước đây gia đình rất khó khăn, cơm còn không đủ ăn nhưng nay thì đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều, con cái cũng có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn”, chị Huệ tâm sự.

Không chỉ thành công với mô hình trồng keo, sắn, vợ chồng chị Huệ còn đầu tư nuôi gần 3 ha ao hồ nuôi cá với đủ các loại như rô, trắm, mè. Hầu như quanh năm, gia đình chị đều có thu nhập từ các hồ cá.

Không dừng lại ở đó, người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy còn mạnh dạn đầu tư mua máy cày để phục vụ bà con trong vùng, kiếm thêm thu nhập. Đi thăm cơ ngơi của vợ chồng anh chị mới thấy được sự nỗ lực và ý chí vươn lên của người phụ nữ Vân Kiều này. Hiện tại, với 50 ha keo, 10 ha sắn, 3 hecta ao hồ nuôi cá, nuôi thêm các loại gia súc gia cầm, gia đình chị thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo của gia đình, chị Huệ bày tỏ, “Động lực để tôi lao động quên mệt mỏi chính là việc học của mấy đứa con. Chỉ có cái chữ con cái mới có cái nghề, không phải vất vả ngày đêm lao động tay chân như chúng tôi. Và làm được tiền cũng để dành, phòng khi ốm đau có điều kiện chữa trị đỡ chạy ngược xuôi vay mượn của người khác”, chị Huệ chia sẻ.

Trang trại tổng hợp của gia đình anh chị không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên và ổn định cho 7-10 lao động địa phương, với thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chị còn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ, của thôn tổ chức. Thấu hiểu cái nghèo đói khổ cực nên chị luôn dành sự sẻ chia, cảm thông đối với những chị em nghèo khác. Chị là một hội viên tích cực trong việc tuyên truyền vận động những hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ những chị em phụ nữ nghèo để vươn lên thoát nghèo.

Chị cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình với chị em để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình. Sự nhiệt tình trách nhiệm của chị đối với phong trào Hội luôn được chị em ghi nhận, tin yêu và quý mến. Chị đã vinh dự là một trong những điển hình tiêu biểu được UBND tỉnh tặng bằng khen tại hội nghị tuyên dương phụ nữ điển hình tiên tiến 5 năm (2010-2015).

Lan Chi