.
Bài dự thi viết về "Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc" tỉnh Quảng Bình lần thứ II, năm 2015-2016:

Rừng lim của ông Đô

Thứ Hai, 11/05/2015, 19:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, ông Trương Quốc Đô, ở thôn 5 Yên Thọ, xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã nhận thấy tầm quan trọng của rừng rồi tự nguyện nhận 17ha để giữ. Hơn 20 năm chăm sóc và bảo vệ,  khu rừng nay phát triển xanh tốt.

Ông Trương Quốc Đô bên một gốc lim cổ thụ.
Ông Trương Quốc Đô bên một gốc lim cổ thụ.

Về xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, hỏi nhà ông Trương Quốc Đô thì ai cũng biết. “Ông Đô có rừng lim phải không, chú cứ đi về cuối thôn 5 Yên Thọ nhé, nhà ông sát khu rừng luôn”, một người dân nói với tôi như thế. Con đường nhỏ dẫn tới nhà ông Đô còn lắm gập ghềnh, một người đàn ông rắn rỏi, khuôn mặt phúc hậu bước từ trong nhà ra đón tôi bằng cái bắt tay thật chặt rồi ông bắt đầu câu chuyện giữ rừng.

Những năm 60 của thế kỷ trước, phía sau nhà ông Đô có ngọn đồi rất nhiều loại cây khác nhau. Trong đó, có một cây lim to với đường kính khoảng 2m nên người dân địa phương gọi là đồi lim. Một thời gian sau, ngọn đồi này bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt khiến nhiều cây cối bị chết và cây lim cổ thụ đó cũng không tránh khỏi. Trước khi chết, cây lim đã kịp để lại cho đất những hạt giống và những cây non mọc lên thành hàng ngàn cây lim nhỏ. Theo thời gian, những cây lim cứ lớn dần rồi vươn lên thành cánh rừng xanh tốt.

Năm 1993, nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông Đô nhận thấy được những tiềm năng của đồi lim phía sau nhà mình và tự nguyện khoanh nuôi, bảo vệ. Ngoài công việc đồng áng, hàng ngày ông tranh thủ lên rừng để kiểm tra, chăm sóc. Ông cẩn thận chặt tỉa từng cây bụi trong rừng để tạo điều kiện tốt nhất cho lim vươn lên. Suốt hơn 20 năm qua, bước chân ông như cánh chim không mỏi đi khắp 17ha rừng để tuần tra, kiểm soát. Nếu ai xâm nhập vào rừng trái phép sẽ bị ông nhắc nhở và đuổi ra.

Ông Đô kể: “Có lần tôi lên rừng thấy mấy người dân lên chặt củi là tôi liền nhắc họ không được chặt cây sống, còn muốn lấy củi thì chặt những cây khô”. Việc bảo vệ 17ha rừng của ông Đô còn gặp rất nhiều gian nan vất vả khác. “Có lần buổi trưa, nghe tiếng máy cưa gào thét trên rừng, tôi tức tốc chạy lên thấy trước mắt là một nhóm lâm tặc dùng máy cưa và các phương tiện hỗ trợ khác chuẩn bị hạ một cây lim to.

Thấy vậy, tôi lao vào ôm lấy thân cây lim, nhóm lâm tặc kia hung hăng định lao vào đánh nên tôi chạy về gọi con cái, báo với chính quyền địa phương cùng lên hỗ trợ mới đuổi được bọn chúng”, ông Đô kể tiếp.

Công tác bảo vệ rừng khó khăn, vất vả nhất là vào mùa hè. Những ngày đó, trời nắng oi bức, rừng lúc nào cũng đang trong mức độ báo động cháy cao. Hàng ngày, ông không nghỉ trưa mà cứ đi vào rừng kiểm tra cẩn thận. Thấy người lạ vào rừng là ông phải đuổi ra, còn người dân xung quanh vào lấy củi thì ông nhắc nhở họ phải cẩn thận như: không hút thuốc trong rừng, không đốt ong và không sử dụng những vật dụng liên quan tới lửa... Nhưng ông lo nhất là những người đốt rừng làm rẫy xung quanh rừng mình. Có lúc như thế, ông phải đứng gần khu vực đó cả buổi đến khi đám cháy tắt hẳn ông mới yên tâm ra về.

Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo mà rừng của ông Đô ngày càng phát triển tốt. Trong rừng có hàng trăm cây lim có đường kính từ 0,5 đến 1m vươn cao lên bầu trời, hàng ngàn cây nhỏ khác cũng đang vươn mình lớn dậy. Ngoài lim ra, trong rừng ông Đô còn có rất nhiều loại cây gỗ quý khác như cây đỏ lòng, ngát, trám có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Ông Đô nói: “Tôi giữ rừng là giữ cho nhà nước, cho hậu thế. Nếu sau này nhà nước cần thì tôi cho khai thác, con cháu cần làm nhà, làm cửa thì mình xin phép khai thác cũng dễ dàng hơn”. Năm 2013, cơn bão số 10 lịch sử đã đánh đổ khá nhiều cây trong rừng. Quá đau xót, ông đã gọi con cháu và nhờ dân làng vào rừng dựng cây lên. Những cây to bị đổ còn sống không dựng được ông vẫn để nguyên không chặt. Còn vài cây chết khô ông mới dám cắt mang về làm lại ngôi nhà của ông bà để lại đã mục nát.

Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Minh Hóa cho biết: “Ông Trương Quốc Đô là một tấm gương điển hình trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Việc làm của ông đã góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Từ mô hình của ông, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng thêm những mô hình bảo vệ rừng trong toàn huyện”.

Với thành tích bảo vệ rừng hàng chục năm qua, ông Trương Quốc Đô vinh dự được UBND tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen về thành tích trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Xuân Vương