.

Quảng cáo ngoài trời: Có luật, vẫn lộn xộn!

Thứ Bảy, 08/11/2014, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối năm 2012, Luật Quảng cáo ra đời nhằm chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo ngoài trời vốn là một bức tranh lộn xộn, bát nháo trong vài năm trước đó. Thế nhưng, đến nay, việc thực thi luật này vào cuộc sống cùng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng vẫn chỉ như “ném đá ao bèo”.

Sai chính tả tràn lan

Dạo một vòng quanh các tuyến đường của thành phố Đồng Hới như: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Hữu Cảnh... sẽ dễ dàng nhận thấy nhan nhản những biển hiệu quảng cáo với đa dạng màu sắc, hình dáng. Mỗi cửa hàng một kiểu, miễn sao “khoe” tối đa sản phẩm, dịch vụ của cửa hàng mình. Nhưng một điều nực cười là không ít những biển hiệu quảng cáo đập vào mắt người đi đường bởi những lỗi chính tả cơ bản.

Dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, hàng loạt các cửa tiệm cầm đồ mọc lên san sát nhau, trong đó, nhiều biển hiệu bị mắc các lỗi chính tả như: đồ củ, điện tữ, sữa chửa... Tại các quán ăn, cửa hàng lớn, nhỏ, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những hình ảnh “lệch chuẩn” như: chã cá, uốn soăn, sửa chua... Việc sai chính tả một phần là do cách phát âm sai dẫn đến việc viết sai. Sai phổ biến nhất là dấu hỏi/dấu ngã, ô/o... Nhiều bảng hiệu, pa nô thoạt nhìn ai cũng thấy sai những lỗi cơ bản, thế nhưng, chẳng hiểu sao, chúng vẫn mặc nhiên tồn tại.

Một thực tế đáng buồn là không ít những chủ quán ăn, cửa hàng đã nhận ra những lỗi sai ấy, nhưng họ coi đó là chuyện thường. Chủ một cửa tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Khi đưa nội dung cần viết cho nhân viên công ty quảng cáo, mình đã viết rõ ràng và đúng chính tả nhưng họ làm ẩu quá thành ra thế này, mang về treo lên mới phát hiện ra lỗi sai, mà lúc đó, đâu làm lại được nữa. Một tấm biển rộng cả chục m2 như thế này tốn cả đống tiền, sửa chữa cũng mất công, tốn của lắm”.

Những biển hiệu quảng cáo sai lỗi chính tả vẫn tồn tại nhiều năm nay.
Những biển hiệu quảng cáo sai lỗi chính tả vẫn tồn tại nhiều năm nay.

Trước tình trạng nhiều biển hiệu quảng cáo sai lỗi chính tả tồn tại nhan nhản trên địa bàn, một cán bộ hưu trí phường Hải Đình (Đồng Hới) phàn nàn: “Quảng cáo kiểu ấy thì làm mất hết sự trong sáng của tiếng Việt.  Người lớn mà viết sai thì làm sao dạy được con trẻ, trong khi những biển hiệu sai lỗi cơ bản vẫn cứ đập vào mắt các cháu mỗi ngày? Quảng cáo cũng là một chiến lược của kinh doanh, nhưng văn hóa quảng cáo kém thì làm sao có được văn hóa trong kinh doanh?”

“Loạn” quảng cáo

Theo quy định, một cửa hàng chỉ sử dụng một biển hiệu ngang và hai biển hiệu dọc, thế nhưng, nhiều cửa hiệu photocopy trên đường  Lý Thường Kiệt (TP. Đồng Hới) sử dụng đến bốn, năm biển quảng cáo với đủ loại chất liệu, kích cỡ, màu sắc khác nhau ở nhiều vị trí, miễn sao có thể trưng ra tối đa những thông tin về sản phẩm của mình. Có cửa hiệu sử dụng đến bảy biển, bảng hiệu quảng cáo nhưng cũng chỉ có chung một nội dung với chừng ấy câu, chữ.

Hoạt động quảng cáo, rao vặt của các tổ chức, cá nhân không được cấp phép cũng xuất hiện nhan nhản khắp nơi, từ khoan cắt bê tông, lắp đặt internet, mua bán nhà đất, đến hút hầm cầu, dịch vụ dọn vệ sinh... Cột điện, bờ tường, đâu đâu cũng thấy ken đặc những tờ rao vặt dán chồng lên nhau.

Trong khi đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3292/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2015, trong đó quy hoạch cụ thể những vị trí được phép treo băng rôn, pa nô quảng cáo ngoài trời. Luật đã có, hướng dẫn cũng đã đưa ra, nhưng ngay cả với những đơn vị đã được cơ quan chức năng cấp phép, vì mục đích kinh doanh, thu lợi họ vẫn cố tình đặt sai vị trí quy định, hoặc quá số lượng và thời gian cho phép.

Điều 18 của Luật Quảng cáo đã quy định rõ: Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều biển quảng cáo ngoài trời lại sử dụng tiếng nước ngoài vô lối, cỡ chữ và diện tích tiếng nước ngoài lớn hơn tiếng Việt, thậm chí còn có biển quảng cáo không dùng tiếng Việt hay sử dụng nhiều từ  lóng, gây sốc và bị cấm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời như: “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”...

Và một thực tế chung mà hầu như con phố nào cũng vướng phải đó là biển quảng cáo vượt quá kích cỡ, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vừa gây mất an toàn trong mùa gió bão. Theo Luật Quảng cáo, kích thước các biển hiệu quảng cáo, được quy định cụ thể: đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc, chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Trong khi không khó để bắt gặp nhiều tấm biển được treo móc chông chênh, cách phía trên tầng thượng tòa nhà chừng 5-6m. Chứng kiến cảnh xác xơ của đường phố Đồng Hới ngay sau cơn bão số 10 năm 2013, với hàng trăm biển hiệu bị hư hỏng, gãy đổ mới thấy độ nguy hiểm của những tấm biển quảng cáo đồ sộ đang tồn tại trên khắp các con phố lớn, nhỏ.

“Ném đá ao bèo”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Phấn Đấu, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khi bàn đến việc xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời ở tỉnh ta. Theo ông, dù đã có luật, có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng tình trạng sai phạm trong hoạt động này vẫn diễn ra tràn lan. Những nỗ lực chấn chỉnh đều chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”, sau những cuộc thanh, kiểm tra, những hoạt động bát nháo này vẫn ngang nhiên diễn ra mặc cho các cơ quan chức năng tìm nhiều biện pháp để ngăn chặn.

Biển hiệu quảng cáo ngoại cỡ cũng là một trong những mối đe dọa trong mùa mưa bão.
Biển hiệu quảng cáo ngoại cỡ cũng là một trong những mối đe dọa trong mùa mưa bão.

Ông Chánh Thanh tra sở cho biết: hiện tại, đội ngũ thanh tra sở chỉ bốn người-lực lượng này là quá mỏng để giải quyết, chấn chỉnh những hoạt động quảng cáo ngoài trời. Trong khi đó, phương tiện làm việc (thang, thước đo diện tích...) lại thiếu trầm trọng nên khó trong giải quyết những sai phạm về kích thước của biển, bảng hiệu quảng cáo. Nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp lợi dụng chính sự sơ hở này của cơ quan chức năng để lách luật, lơ luật, từ đó, hoạt động quảng cáo ngoài trời cứ phát triển tự nhiên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, trở thành bức tranh bát nháo như hiện nay.

Luật Quảng cáo 2012 quy định đã có nhiều nét mới trong quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc xóa bỏ quy định bắt buộc phải xin giấy phép quảng cáo đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, việc xin giấy phép quảng cáo chỉ bắt buộc với những bảng hiệu, công trình quảng cáo trên 20 m2 và sẽ được Sở Xây dựng cấp phép.

Riêng đối với những biển hiệu dưới 20 m2 thì chỉ cần thông báo nội dung và được thẩm định bởi Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Theo số liệu thống kê của phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì từ đầu năm đến nay có hơn 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh đến thông báo nội dung quảng cáo ngoài trời. Con số này không thấm tháp gì so với thực trạng biển hiệu quảng cáo mọc lên “như nấm sau mưa” trên khắp các con đường làng, ngõ phố như hiện nay.

Hành lang pháp lý thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhưng cũng là cơ hội để nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật pháp, mặc sức “tự tung, tự tác”, gây khó cho cơ quan chức năng trong chấn chỉnh, xử lý sai phạm. Nói như ông Nguyễn Phấn Đấu, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì để hoạt động quảng cáo ngoài trời thực sự đi vào nền nếp, cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc gắt gao của nhiều cơ quan, ban, ngành đoàn thể và trên tất cả, là sự tự ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Diệu Hương