.

Bao giờ hết lụy đò?

Thứ Tư, 05/11/2014, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách trở đò giang vào mùa mưa lũ khiến thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) bị cô lập như một "ốc đảo", cuộc sống của hàng trăm con người nơi đây lâm vào cảnh khó khăn. Ước mơ về một chiếc cầu phao nối liền đôi bờ sông Gianh vì thế trở thành khát khao cháy bỏng của người dân "ốc đảo" khốn khó này.

Chông chênh cùng con nước

Thôn Đồng Phú là địa bàn khó khăn nhất của xã Đồng Hóa, với 204 hộ dân và 925 nhân khẩu. Ngăn cách với các vùng lân cận bởi dòng sông Gianh, từ bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây luôn phải lệ thuộc vào những con đò đã cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chính điều này khiến địa phương đang gặp vô vàn khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, việc canh tác của bà con nơi đây lại hết sức bấp bênh, năng suất không cao. Lại thêm giao thông đi lại khó khăn, nên Đồng Phú gặp rất nhiều trở ngại trong việc thông thương, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là điều gần như không thể đối với địa phương. Hiện tại, toàn thôn có đến hơn 91% hộ nghèo và cận nghèo. Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao như thế, công tác giảm nghèo thực sự trở thành gánh nặng đối với chính quyền sở tại.

 Cứ vào mùa mưa lũ, người dân Đồng Hóa lại chịu cảnh cô lập
Cứ vào mùa mưa lũ, người dân Đồng Hóa lại chịu cảnh cô lập

Những năm gần đây, giao thông đi lại của người dân thôn Đồng Phú có phần đỡ vất vả hơn, khi có cây cầu phao tư nhân bắc qua sông. Năm 2001, ông Nguyễn Hồng Khanh một người dân địa phương đã đứng ra xây dựng cây cầu phao với kinh phí gần 100 triệu đồng. Mặt cầu được làm bằng ván, bên dưới là hệ thống phao nổi có thể tháo dỡ được khi gặp mưa lũ. Có thể nói, cây cầu đã giải quyết được một phần nhu cầu đi lại cho gần 1.000 người dân thôn Đồng Phú.

Tuy nhiên, đó chỉ là về mùa hè, khi trời tạnh ráo. Còn cứ hễ mùa mưa đến, gặp khi mưa to nước lớn thì thôn Đồng Phú lại bị cô lập. Hơn thế nữa, vì là cầu phao tư nhân, nên mỗi lần qua cầu bà con phải trả phí (xe máy 4.000 đồng/lượt, xe đạp; đi bộ 1.000 đồng/lượt). Hàng tháng, ngoài những chi phí phải lo cho cuộc sống, họ còn phải “gánh” thêm cả phí qua cầu. Đối với một địa phương mà số hộ khá chỉ vẻn vẹn có 6/204 hộ như Đồng Phú thì đây cũng là một khoản chi phí khiến không ít người dân phải trăn trở. “Rứa mà khi mưa lũ đến, có tiền cũng chưa chắc đã sang sông được. Không biết đến khi mô, người dân quê tui mới thoát khỏi cảnh lụy đò”, anh Hoàng Văn Nhất, Trưởng thôn Đồng Phú thở dài.

Khó mà nói hết những khó khăn của người dân Đồng Phú khi mùa mưa lũ đến. Năm 2010, trận lũ lịch sử đã cuốn trôi chiếc cầu phao tư nhân, khiến một thời gian dài người dân phải đi lại bằng đò. Rút kinh nghiệm đợt lũ đó, cứ hễ mưa to nước lớn là ông Nguyễn Hồng Khanh lại tháo dỡ cầu, đề phòng bị lũ cuốn. Nhiều người đang làm việc, công tác ở các vùng lân cận có muốn sang sông đến chỗ làm cũng không phải là chuyện dễ. Khổ nhất vẫn là các em học sinh. Mưa to, nước lớn, cầu tháo dỡ, phương tiện duy nhất để các em đến trường là chiếc đò cũ. Có những hôm nước lũ về, đò không sang sông được, nhiều em đành phải quay về, chỉ có số ít em được bố mẹ gửi nhà người thân ở bên kia sông là được đến trường.

Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của con em địa phương. Theo số liệu thống kê của thôn, hàng năm số học sinh Đồng Phú đỗ vào các trường đại học, cao đẳng rất ít, có năm chẳng có em nào.

“Khát” nước sạch

Thiếu nước sinh hoạt là vấn đề nan giải của người dân nơi đây.
Thiếu nước sinh hoạt là vấn đề nan giải của người dân nơi đây.

Không chỉ đối mặt với những trở ngại về giao thông đi lại, hiện tại, hơn 200 hộ dân ở thôn Đồng Phú còn đang gặp khó khăn vì tình trạng “khát” nước sạch diễn ra triền miên. Không có công trình nước sạch, nguồn nước chuyên phục vụ cho nhu cầu của bà con địa phương là nước giếng. Tuy nhiên, đa số các giếng nước ở đây đều bị nhiễm phèn, không bảo đảm nên người dân rất chật vật trong việc tìm nước sạch để dùng. Giải pháp của họ là tự chế ra các dụng cụ lọc nước thô sơ bằng cát, sỏi, vải màn với hy vọng loại bỏ được phần nào độ phèn. Và một giải pháp khác nữa là... chờ mưa. Nước mưa với bà con nơi đây cũng chính là nước sạch... đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có nước mưa để người dân Đồng Phú dùng.

Trưởng thôn Hoàng Văn Nhất cho biết: Câu chuyện "khát" nước sạch ở đây hầu như diễn ra quanh năm, bất kể mùa nắng hay mùa mưa. Mùa nắng, hầu hết giếng trong làng đều lâm vào tình trạng cạn khô, bà con buộc phải lấy nước sông Gianh về dùng. Mùa mưa lũ lại càng khổ hơn, bởi lẽ không chỉ có giếng của dân bị nhiễm bùn mà cả nước sông Gianh cũng trở nên đục ngầu, không thể sử dụng được. Chẳng còn cách nào khác, bà con đành chấp nhận sinh hoạt bằng nguồn nước đục trong giếng. Những nhu cầu, sinh hoạt cần dùng đến nước đều được “cắt giảm” mà nước vẫn không đủ dùng. Tắm giặt thiếu không nói, nhưng nước để ăn uống cũng không có đủ khiến cuộc sống của người dân Đồng Phú gặp vô vàn khó khăn.

Rõ ràng, việc xây dựng cầu treo và hệ thống nước sạch cho người dân thôn Đồng Phú là vấn đề cấp bách và rất cần thiết hiện nay. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên quan tâm xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, với một xã nghèo như Đồng Hóa, nguồn ngân sách hạn hẹp thì việc đầu tư nguồn kinh phí hàng tỷ đồng cho xây dựng cầu treo và hệ thống nước sạch của thôn là điều gần như không thể. Vì vậy, Đồng Phú đang rất cần đến các kênh hỗ trợ từ nhiều phía để biến ước mơ từ bao đời nay của bà con thành hiện thực, để họ không còn sống trong cảnh cô lập, khó khăn như bây giờ.

Đ.V