Nâng cao khả năng phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn

Cập nhật lúc 16:59, Thứ Sáu, 19/09/2014 (GMT+7)

(QBĐT) - Với địa hình thấp trũng, hàng năm, huyện Lệ Thủy thường xuyên phải gánh chịu nhiều đợt bão, lũ dồn dập, liên tiếp và kéo dài... nên việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) hiệu quả là việc làm rất cần thiết. Để ứng phó có hiệu quả với mọi diễn biến bất thường của thời tiết và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây nên, năm 2014, huyện Lệ Thủy lại tiếp tục chú trọng việc xây dựng phương án và triển khai công tác PCLB-TKCN...

Thiên tai tàn phá nặng nề   

Những năm trở lại đây, tình hình bão, lũ trên địa bàn tỉnh ta cũng như huyện Lệ Thuỷ ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù chính quyền các cấp cùng với toàn thể nhân dân trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp ứng phó với những thảm họa do thiên tai gây nên, thế nhưng, hàng năm bão, lũ vẫn gây nên thiệt hại rất lớn cả về tài sản lẫn tính mạng con người...

Báo cáo tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2013 của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Lệ Thuỷ cho biết, năm 2013, bão, lũ đã gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân. Chỉ tính riêng hai cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 năm 2013, đã khiến 1 người chết (tại xã Kim Thuỷ) và làm cho 34 người bị thương, 31 nhà dân bị sập, 22.047 nhà tốc mái (trong đó tốc mái nặng trên 50% là 3.186 nhà), 1.650 nhà bị ngập lụt...

Bên cạnh đó, hai đợt bão lũ liên tiếp nói trên còn khiến cho 98 điểm trường học trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ bị thiệt hại tương đối nặng nề, học sinh phải gián đoạn việc học tập trong nhiều ngày. Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, hai cơn bão đã làm 570 ha hoa màu bị thiệt hại trên 70%; 2.953 ha cao su, hồ tiêu và trên 12 nghìn ha rừng trồng kinh tế của bà con nông dân bị gãy đổ.

Ngoài ra bão, lũ còn khiến cho khoảng 100 nghìn con gia cầm, gần 700 con gia súc bị chết; nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng tương đối nghiêm trọng... Số liệu từ UBND huyện Lệ Thuỷ cho thấy, hai cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 (năm 2013) đã "thổi bay" khối lượng tài sản của nhân dân trên địa bàn với trị giá khoảng 1.800 tỷ đồng. Bão, lũ còn khiến cho đời sống nhân dân và mọi hoạt động lao động, sản xuất bị ngưng trệ, gián đoạn. Phải tốn rất nhiều thời gian, tiền của, công sức..., huyện Lệ Thuỷ mới tạm ổn định được đời sống cho nhân dân sau thời điểm bão, lũ xảy ra.

Ông Dương Đệ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Lệ Thuỷ cho biết, hầu như năm nào chính quyền và nhân dân trên địa bàn cũng đều chuẩn bị, triển khai công tác phòng, chống bão lũ tương đối chu đáo, kỹ lưỡng.

Người dân huyện Lệ Thủy chặt tỉa cây xanh, gia cố lại nhà cửa để đối phó với bão lũ.
Người dân huyện Lệ Thủy chặt tỉa cây xanh, gia cố lại nhà cửa để đối phó với bão lũ.

Thế nhưng, do tình hình bão, lũ ngày càng có những diễn biến rất phức tạp, khó lường... nên rất khó tránh khỏi những thiệt hại. Thực tiễn qua nhiều đợt bão, lũ đã chứng minh, nếu các cấp chính quyền cùng toàn thể nhân dân chủ động làm tốt công tác PCLB-TKCN thì sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây nên...         

Nâng cao khả năng PCLB-TKCN

Thông thường, cứ bước vào đầu mùa mưa bão là người dân ở những vùng thấp trũng huyện Lệ Thủy lại gia cố, chằng néo lại nhà cửa, kê dọn đồ đạc, tài sản lên vị trí cao ráo, chuẩn bị thuyền đò, lương thực, thực phẩm dự trữ phòng ngập lụt dài ngày...

Tuy nhiên, với sự biến đổi thất thường của thời tiết của những năm gần đây, ngoài sự nỗ lực của mỗi một người dân, chính quyền huyện Lệ Thủy "buộc" phải luôn chủ động xây dựng và "nâng cấp" khả năng PCLB-TKCN cho thật sát, khớp với thực tế mỗi một địa phương, vùng miền mới có thể giúp người dân, các đơn vị đóng trên địa bàn... hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây nên...

Bước vào mùa mưa bão 2014, quan điểm mà UBND huyện Lệ Thủy đưa ra trong công tác PCLB-TKCN đó là, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trước mọi tình huống, diễn biến của thời tiết. Một trong những nội dung trọng tâm mà phương án PCLB-TKCN của huyện Lệ Thuỷ đề ra trong năm 2014, đó là: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”...

Bám sát dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2014, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo tất cả các đơn vị, địa phương trong huyện chủ động xây dựng kế hoạch, sớm triển khai, củng cố lại hệ thống đê, kè, cống xung yếu trước mùa mưa bão; quán triệt tốt phương châm “4 tại chỗ” và "3 sẵn sàng" đến tận các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố và hộ dân cư...

Công tác thông tin liên lạc được UBND huyện Lệ Thủy chú trọng đặt lên hàng đầu, để chủ động trong việc dự báo, cảnh báo, thông báo một cách nhanh nhạy, kịp thời và chính xác. Đến nay, 28/28 xã, thị trấn trong huyện đều được đầu tư xây dựng hệ thống loa máy, phủ sóng đài FM thuận lợi cho việc cảnh báo, tuyên truyền công tác phòng chống bão, lũ.

Từ huyện cho tới các xã, thị trấn đều chủ động xây dựng phương án bảo vệ tính mạng con người, tài sản, thành quả sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là các công trình hồ đập thủy lợi, phải có phương án bảo vệ hiệu quả các công trình xây dựng trên địa bàn trước mùa mưa bão...

Đến nay, toàn huyện đã chuẩn bị được khá nhiều phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác PCLB-TKCN như: xuồng cao tốc, thuyền máy, nhà bạt, phao cứu sinh, xe cứu thương, máy phát điện, bộ đàm... để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết. Ban chỉ huy PCLB-TKCN từ cấp huyện đến cơ sở đã được kiện toàn, củng cố nhằm hoạt động có hiệu quả hơn. Tất cả các thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN đều được phân công trách nhiệm cụ thể...

Phó Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Lệ Thuỷ Dương Đệ Quang cho biết: Hiện nay, Lệ Thuỷ đã chủ động bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất thường của thời tiết. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn cần chuẫn bị tốt phương án “4 tại chỗ” trong PCLB-TKCN để hạn chế đến mức thấp nhất về người, tài sản khi có thiên tai xảy ra; tiến hành tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2013 để rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Bên cạnh đó, UBND huyện chủ động rà soát lại những hộ dân ở các xã miền núi rẻo cao, vùng biên giới, vùng biển, vùng thấp trũng và những nơi có nguy cơ chịu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt dài ngày, sạt lở bờ sông... để có phương án bảo vệ, di dời đến nơi an toàn lúc cần thiết.

Với sự khẩn trương, tích cực và chủ động xây dựng các phương án PCLB-TKCN một cách sâu sát, tin rằng huyện Lệ Thủy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây nên.

Văn Minh

 

,
.
.
.