Bồi lấp ở cửa sông Roòn: Loay hoay tìm giải pháp

Cập nhật lúc 11:44, Thứ Sáu, 19/09/2014 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều năm nay, việc tìm giải pháp giải quyết thực trạng cửa sông Roòn (Quảng Trạch) bị bồi lấp nghiêm trọng đã được chính quyền các cấp từ xã, huyện, tới tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, một giải pháp thực sự hữu hiệu vẫn chưa được tìm thấy. Theo đó, hơn 500 tàu thuyền của hai xã Cảnh Dương và Quảng Phú neo đậu tại đây đang phải từng ngày đối mặt với những khó khăn do việc bồi lấp này gây ra, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần...

Ngư dân khốn đốn vì tàu thuyền mắc cạn

Có mặt tại cửa sông Roòn, chúng tôi được chứng kiến cảnh nhiều chiếc thuyền đang cố lách qua những luồng cát để vào khu neo đậu. Một chiếc thuyền khá lớn, công suất trên 300CV liều mình băng vào thì bị mắc cạn. Tài công Lê Văn Dũng ở xã Quảng Phú cho biết, tàu của anh đã có mặt ở phía ngoài cửa sông từ sáng sớm, nhưng nước quá cạn không thể vào bến. Phải chờ đến tối mới dám cho tàu vào, nhưng vẫn bị mắc cạn vì thủy triều lên quá chậm. Anh Dũng nói, đây không phải là lần đầu tiên tàu của anh mắc cạn ở đây.

Cửa sông Roòn trước đây rộng khoảng hơn 100m, các loại tàu có công suất đến 400 CV có thể ra vào dễ dàng. Nhưng vài năm trở lại đây, cửa sông đã bị cát bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền của ngư dân chỉ có thể đi được trong con lạch nhỏ khoảng 10 mét và phải chạy vòng vèo theo con lạch này để vào nơi trú đậu.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, tại cửa sông Roòn đã có gần 40 tàu thuyền bị mắc cạn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Ngư dân Lê Văn Thành, ở thôn Hải Đông, xã Quảng Phú cho biết, tàu thuyền rất vất vả khi vào hoặc ra cửa sông Roòn vì mực nước sâu nhất ở cửa sông này lúc bình thường chỉ còn khoảng hơn 1m nên tàu thuyền vào là bị mắc cạn ngay.

Thời gian gần đây, phần lớn ngư dân đều đi biển vào lúc nửa đêm thay vì buổi sáng như trước, nhằm hạn chế tối đa việc mắc cạn. “Ban đêm thủy triều lên cao nhất. Mực nước trong cửa lạch cũng lên gần hai mét. Tàu thuyền có thể luồn lách để ra được”. Ra biển buổi tối tuy đỡ nguy cơ mắc cạn hơn, nhưng lại tăng nguy cơ va chạm giữa các thuyền. Vì  mỗi lần đến đợt ra biển, phải có đến mấy trăm tàu thuyền cùng chen chúc nhau chạy ra từ cửa sông.

Cửa biển bị bồi lấp gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân vùng này. Ngư dân Lê Anh Hùng, ở Hải Đông (Quảng Phú) cho biết trước đây khi cửa sông Roòn chưa bị bồi lấp thì chạy từ nơi đậu ra đến biển chỉ mất chưa tới chục lít dầu, nhưng nay bị mắc cạn nhiều, lại ì ạch có khi hơn một ngày mới ra được biển nên lượng dầu tiêu hao lên đến 70-80 lít cho 500 mét cửa sông. Để hạn chế việc mắc cạn ở cửa sông này, gần đây nhiều tàu lớn phải chấp nhận việc chạy tàu không từ nơi neo đậu ra biển.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Phú mắc cạn tại cửa sông Roòn  khi tìm cách vào neo đậu, cuối tháng 8-2014.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Phú mắc cạn tại cửa sông Roòn khi tìm cách vào neo đậu, cuối tháng 8-2014.

Sau khi ra khỏi cửa sông thì tàu này lại phải thực hiện hành trình vào cảng Gianh (Bố Trạch), cách đó mấy hải lý để lấy đá lạnh và dầu lên tàu rồi mới chạy ngược ra biển đánh bắt cá. Với những tàu nhỏ không có điều kiện chạy ngược vào cảng Gianh, thì phải neo tại cửa biển chờ khi thủy triều lên. Nhiều tàu không chờ được phải thuê tàu nhỏ ra cửa biển chở cá vào bán để kịp đi chuyến biển khác.

Mùa mưa bão đang đến gần, và điều mà phần lớn các ngư dân lo ngại nhất hiện nay là việc tàu sẽ bị mắc cạn khi trên đường trở về khu neo đậu để trú. Nếu thực trạng này không sớm được khắc phục, ngư dân phải chạy về các cảng khác để trú bão, vừa tốn kém chi phí lại gây khó khăn cho quá trình bảo vệ tàu và tài sản trên tàu.

Loay hoay tìm giải pháp

Ông Dương Ngọc Lâm, Quyền Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, việc cửa biển bị bồi lấp là nỗi khổ của ngư dân vùng Roòn nhiều năm qua. Tiếp xúc cử tri của xã năm nào cũng có nhắc đến việc này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa có giải pháp nào thực hiện được.

Theo những ngư dân ở xã Quảng Phú, chỉ có thể xây thêm hệ thống kè ở cả hai bên cửa sông hướng ra biển thì khi nạo vét mới ngăn được tình trạng xói lở bờ sông hai bên bờ. Tuy nhiên, hiện phía xã Cảnh Dương vẫn chưa thống nhất được phương án này nên chưa thể triển khai. Mới cách đây hơn một tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tìm hướng giải quyết việc nạo vét cửa sông để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ra khơi. Nhưng ông Lâm cho hay cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cũng tỏ ra bế tắc khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Ông cho rằng, nhiều lần xã đã tổ chức họp dân để tìm giải pháp nhưng vẫn chịu bó tay. Biện pháp thuê tàu hút cát được chính quyền cho là khả quan nhất nhưng vẫn không thực hiện được vì không có kinh phí. Mỗi lần thuê tàu hút cát phải mất vài trăm triệu đồng, với số tiền này thì rất khó để huy động sức dân nếu không được cấp trên hỗ trợ.

Trong khi đó, không phải chỉ cần nạo vét một lần là xong mà chỉ vài năm sau cửa sông lại bị bồi lấp, người dân lấy đâu ra tiền để năm nào cũng nạo vét. Biện pháp thứ hai được đưa ra là xây kè để chống xói lở, giải pháp này được cho là bền vững và lâu dài nhưng lại cần nguồn kinh phí rất lớn. UBND xã đã nhiều lần gửi văn bản xin kinh phí của huyện, tỉnh nhưng đều nhận được câu trả lời là không có kinh phí. 

Trước đây, UBND tỉnh cũng đề nghị là phải thực hiện xã hội hóa để có vốn nạo vét cửa sông. “Sau một thời gian cũng có doanh nghiệp đến có ngỏ ý là sẽ hút cát để khơi thông cửa sông, nhưng người dân không chấp nhận vì số lượng cát được hút đi quá lớn (21 triệu khối cát), sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của rất nhiều hộ dân sống dọc bờ sông” - ông Thành nói. Theo ông Thành thì việc xã hội hóa để giải quyết tình trạnh bồi lấp ở cửa sông Roòn là giải pháp phù hợp và đúng đắn nếu như có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước ở cấp huyện, tỉnh.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, việc nạo vét các cửa sông đang làm đau đầu ngành GTVT nhiều năm nay. Không chỉ riêng cửa sông Roòn mà ở các cửa sông khác trong toàn tỉnh cũng gặp vấn đề tương tự. Lý do ông Hải đưa ra và hiện nguồn vốn từ ngân sách quá hạn chế, mà để nạo vét được các cửa sông thì cần nguồn vốn hàng tỉ đồng. “Hiện chúng tôi đang tích cực kêu gọi xã hội hóa để thực hiện việc này, nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra” - ông Hải nói.

L.C

 

,
.
.
.