.

Nâng cao hiệu quả hoạt động nhóm nòng cốt ở khu dân cư

Thứ Năm, 04/09/2014, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân, thời gian qua, Mặt trận các cấp tỉnh ta đã có nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Một trong những cách làm hiệu quả là thành lập "nhóm nòng cốt" ở mỗi khu dân cư.

Qua gần 8 năm triển khai đề án "Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư", có thể thấy vai trò của các "nhóm nòng cốt" đã và đang thực sự phát huy hiệu quả.

Trưởng các "nhóm nòng cốt" là Trưởng ban công tác mặt trận hoặc trưởng thôn và các thành viên là công an viên, đại diện các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Các "nhóm nòng cốt" sau khi thành lập đều được hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, tiến hành khảo sát điều tra tình hình dân trí và việc chấp hành pháp luật của nhân dân, lựa chọn giới thiệu, tuyên truyền nội dung pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Từ 3 nhóm nòng cốt được thành lập hoạt động thí điểm năm 2007 ở xã Đại Trạch (Bố Trạch), thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), phường Đồng Sơn (thành phố Đồng Hới), đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được các nhóm nòng cốt.

Toàn tỉnh ta hiện có 522 "nhóm nòng cốt", mỗi nhóm có từ 5 đến 7 thành viên đều là những người có trình độ, hiểu biết về pháp luật, có uy tín tại khu dân cư. Để giúp các nhóm nòng cốt hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã ban hành quy trình hướng dẫn hoạt động, đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các thành viên.

Nhóm nòng cốt có vai trò quan trọng trong việc góp phần trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân ở khu dân cư.
Nhóm nòng cốt có vai trò quan trọng trong việc góp phần trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân ở khu dân cư.

Các nhóm nòng cốt thường xuyên tuyên truyền về nội dung pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, các chế độ chính sách và quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức tuyên truyền của các "nhóm nòng cốt" cũng rất linh hoạt như lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hội nghị triển khai, tổng kết của ngành, đoàn thể, các buổi giao lưu, tọa đàm... bảo đảm mọi lúc, mọi nơi, gần gũi và thiết thực với bà con.

Định kỳ hàng tháng, hàng quý hay khi có chủ trương, chính sách, quy định mới của địa phương thì các nhóm sẽ tổ chức nhóm họp, phân công trách nhiệm và bàn kế hoạch tuyên truyền rõ ràng. Các nhóm nòng cốt cũng luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động riêng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã.

Những địa bàn là điểm nóng về tội phạm, tập trung nhiều thanh niên hư hỏng thì các nhóm phối hợp với lực lượng chức năng như công an thôn, công an xã và gia đình tiến hành phân tích, giúp các đối tượng hiểu, tự nguyện từ bỏ các tật xấu, phấn đấu trở thành người công dân tốt.

Các nhóm nòng cốt còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới hội viên bằng việc thành lập nhiều mô hình CLB như tổ phụ nữ phòng chống ma túy từ gia đình, vận động chồng, con, người thân đi cai nghiện, không tái nghiện; tổ phụ nữ không có chồng con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật... góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, với vai trò chủ đạo của mình, Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn chú trọng chỉ đạo tăng cường hoạt động của 1.497 tổ hoà giải cơ sở, gắn hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở với công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật của nhân dân. Những điều này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở hầu hết các địa phương cũng như trên phạm vi toàn tỉnh.

Công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đòi hỏi sự nhiệt tình, nỗ lực cao của cán bộ công tác mặt trận và các đoàn thể. Việc thành lập các "nhóm nòng cốt" đã góp phần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, kịp thời đưa thông tin pháp luật đến với nhân dân. "Các nhóm nòng cốt đã chứng minh được hiệu quả, tạo ra sự nhận thức đúng đắn cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Những người tham gia nhóm nòng cốt thực sự là những người tâm huyết, có tinh thần, trách nhiệm, uy tín với cộng đồng, có hiểu biết về pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật... nên hoạt động khá hiệu quả, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân", ông Phạm Đức Thương, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh chia sẻ.

P.V