.

Làng tôi những ngày cách mạng Tháng Tám

Thứ Ba, 02/09/2014, 12:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1938, cha cho tôi đi học chữ Quốc ngữ trên Trường tiểu học Thọ Linh. Tôi còn nhớ khi tôi vào lớp Coursen fan thì anh Chuể, người anh thứ hai của tôi, đại tá Hoàng Thúc Cẩn cùng anh Nguyễn Hữu Vũ (tức Nguyễn Văn Đồng nay là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) cùng học một lớp. Chính anh Vũ là người tuyên truyền cách mạng cho lớp học trò chúng tôi.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã tác động sâu sắc đến đời sống chính trị và kinh tế của người dân miền Trung. Trong trường có 18 thầy giáo thì chỉ có 5 thầy là người Quảng Bình. Phần lớn là người Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng. Cô giáo người Pháp bỏ trường không dạy nữa nhưng chương trình Pháp - Việt vẫn dạy bình thường. Thầy Lương Duy Tâm lên làm hiệu trưởng và đã cho mời các đoàn xiếc, đoàn kịch nói về biểu diễn tại trường. Sôi nổi nhất là những đêm đốt lửa trại. Những hoạt động của tổ chức Phan Anh về phong trào thể dục, thể thao như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, hội vật, đua thuyền cũng phong phú hơn. Lệnh cấm “quần tam, tụ ngũ” của chính quyền hình như được nới lỏng.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp. Những chuyến tàu hỏa dài trên chục toa chở đầy lính ky binh của Nhật tràn về miền Trung.  Chúng đổ quân xuống ga Minh Lệ (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn) làng tôi, chiếm nhà ga, trường học, đình chùa miếu mạo để ở. Chúng cướp bóc ngô, khoai, lúa của dân cho lừa ngựa ăn. Đàn bà con gái phải lẩn trốn suốt ngày đêm. Đàn ông phải đi phu phen tạp dịch. Chúng bắt họ vác lương thực, đạn dược, vác gỗ, tà vẹt sửa chữa đường tàu. Chúng tôi đi học bị chúng ngăn lại lục soát sách vở nên buổi học nào cũng trễ.

Giặc Nhật bắt dân ta nhổ lúa để trồng đay. Người chết đói đầy đường. Những dòng người ăn xin nối nhau về chợ Mới. Họ nằm la liệt dưới gốc đa. Bọn Pháp thất trận chạy trốn vào rừng. Có một toán lính Pháp gặp người làng Minh Lệ đi chẻ mây, chúng bắt trói vào gốc cây sợ về báo với lính Nhật. Một người cà sợi dây vào thân cây cho đứt rồi cởi trói cho những người còn lại, may thoát chết. Lính Nhật vào lùng sục trong rừng áp giải lính Pháp ra. Họ kéo đi từng đoàn có một sợi dây thép xâu qua giữa lòng bàn tay. Mỗi sợi dây xâu được vài chục thằng. Chỉ ba tên lính Nhật mà áp giải được hàng trăm tên Pháp. Chúng tập trung tù binh về nhà ga Minh Lệ.

Pháp bị bại trận rất nhanh. Lính Nhật bảo vệ cầu Minh Lệ được bố trí trận địa pháo cao xạ trên động ông Tri đầu cầu phía nam. Những xạ thủ Nhật bị xích chân vào ụ pháo để bắn, không được chạy trốn. Máy bay Đồng Minh bay rất thấp, tốc độ lại chậm nhưng khi bom trút xong rồi, khói lên mù mịt đã mới nghe tiếng súng nổ. Bọn Nhật bắn “vuốt đuôi” nên không hạ được chiếc nào. Cầu Minh Lệ bị sập hẳn một nhịp, một nhịp bị xiêu, nhịp thứ ba thì móng sụt xuống nửa mét. Quân Nhật đổ xuống Minh Lệ ngày càng đông.

Cọc buộc ngựa chúng cắm khắp vườn, các cây cau, chuối bị phạt đổ ào ào. Chúng phá ngô, khoai, lúa của bà con cho ngựa ăn. Hàng ngày chúng bắt đàn ông đi chặt gỗ, đào đá, đan giỏ sắt bỏ xuống sông rồi khiêng đá hộc ném vào giỏ, chặt gỗ chống lại các nhịp cầu. Chúng chữa gần hai tháng đến ngày 1 tháng 5 năm 1945 mới thông được cầu. Nhịp cầu đổ xuống không trục lên được mà phải làm lại nhịp mới hoàn toàn.

Một góc xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn). Ảnh: P.V
Một góc xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn). Ảnh: P.V

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Hội đồng chiến tranh tối cao và nội các Nhật thông qua chiến dịch đầu hàng. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, đài Nhật phát đi lệnh của Nhật Hoàng kêu gọi quân sĩ đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Pháp bại, Nhật hàng. Quân Đồng Minh vào tước vũ khí và giải giáp quân đội Nhật. Đạn dược bọn chúng bỏ trong túi vải mà vẫn rơi vãi đầy đường. Chúng tôi lượm về gói lại trong mo cau giấu trong bụi tre.

Đêm 22, rạng ngày 23 tháng 8 năm 1945, cả Quảng Trạch rộn ràng không khí chuẩn bị khởi nghĩa. Đêm hôm đó trăng rằm sáng vằng vặc như ban ngày. Một số học sinh về hè đến nhà ngủ với anh Chuể. Chúng tôi theo cha đi bộ ra bến đò Phù Trịch. Người ở các làng kéo về đông như hội. Đò các làng tập trung ở bến đò Phù Trịch đông như mắc cửi. Thanh niên trai tráng vùng Nam Quảng Trạch theo các cụ phụ lão đi qua bến đò Phù Trịch đến đình Lũ Phong để tập trung. Người các nơi đổ về làng Lũ Phong tầng trong lớp ngoài, đứng chật sân đình. Ai nấy đều bừng bừng khí thế cách mạng.

Ngày 23 tháng 8, trúng phiên chợ Đồn nên bà con đi chợ nhập đoàn kéo đến bao vây phủ Quảng Trạch cướp chính quyền. Bà con vào phủ đường hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”. Tri phủ Quảng Trạch cùng bọn nha lại xin đầu hàng. Lực lượng tự vệ chiếm phủ đường, nhà dây thép, nhà đoan... Sổ sách, triện đồng bị tịch thu thiêu hủy tại chỗ.

Ngày 24 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa ra mắt đồng bào. Cả một rừng người, rừng cờ vui mừng đón chào Ủy ban khởi nghĩa. Anh Nguyễn Văn Đồng đứng trên lô cốt hàng bò, chợ Đồn tay cầm loa tuyên bố với nhân dân cuộc khởi nghĩa ở Quảng Trạch đã thành công.

Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, lòng tôi rưng rưng khi được biết những năm tháng anh Đồng về học dự thính ở lớp thầy Tâm với mục đích giác ngộ học sinh và giáo viên trong nhà trường. Nói sao hết niềm vui sướng tự hào của một cậu học trò nghèo, một người dân mất nước đã đứng lên làm chủ cuộc đời mình, làm chủ vận mệnh non sông đất nước mình.

Cuộc tuần hành theo  quốc lộ 1A kéo dài đến hai, ba cây số. Càng đi vào, dòng người nhập cuộc càng đông. Chúng tôi vào đến khe Nước dưới chân đèo Lý Hòa là tối, đành ngủ lại một đêm dưới rừng dương. Buổi khuya chưa rõ mặt người, ai nấy vội vàng dậy chạy cho kịp giờ. Cuộc tuần hành rầm rộ diễn ra trên đường phố của thị xã Đồng Hới. Dòng người hô vang khẩu hiệu, cờ bay phấp phới, nét mặt ai nấy hân hoan, lòng tràn đầy hạnh phúc. Chúng tôi tập trung tại sân vận động Đồng Hới dự mít tinh. Người đông vô kể. Dòng người như thác cuồn cuộn chảy từ sân vận động đến cầu Dài rồi đổ về bờ sông Nhật Lệ. Dòng người đi mãi đến nhà thờ Tam Tòa, lên cầu Mụ Kề rồi lại lên quốc lộ 1A.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, đồng bào hăng hái tham gia xây dựng chế độ mới. Ở làng tôi, ông Nguyễn Xừ với ông Nguyễn Đình Ngô là hai người chủ chốt đầu tiên.  Một số người lớn tuổi tham gia cách mạng dần dần được lựa chọn vào các vị trí chủ chốt của Ủy ban cách mạng lâm thời.

Ủy ban hành chính lâm thời lấy xưởng ép lạc phía trên đình làng làm trụ sở. Sau khởi nghĩa, mọi người trong làng đến tập trung tại trường làng Minh Lệ để nghe các anh, các chú tham gia cướp chính quyền ở Ba Đồn, Đồng Hới về kể chuyện.

Chính quyền cách mạng mới được thành lập đã phải đối mặt với bao khó khăn chồng chất. Hai triệu người chết đói, nền kinh tế kiệt quệ, ngân khố trống rỗng. Bác Hồ phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm được lan rộng khắp toàn dân. Ruộng đất bị bỏ hoang trong chiến tranh đã được phục hóa. Cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ tiêu diệt ba thứ giặc trước mắt: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Noi gương Bác, “ngày đồng tâm nhịn ăn” được toàn dân hưởng ứng.

Trong làng tôi, nhiều nhà chưa đủ cơm độn khoai, độn sắn mà ăn nhưng vẫn cưu mang những gia đình “tắt bữa” để cho họ có bữa rau, bữa cháo. Cứ 15 ngày xã lại tập trung thu gạo tại trường làng để cứu tế cho những người nghèo. Gia đình tôi mặc dù lúc đó đang có 4 người con nuôi, mỗi bữa nấu cơm cũng bớt lại một nắm gạo để ủng hộ bà con bị đói.

Công tác xóa nạn mù chữ được tổ chức thành một phong trào rất rầm rộ, phát triển khắp làng trên xóm dưới. Anh Chuể tôi phụ trách công tác bình dân học vụ của cả làng Minh Lệ và dạy kèm thêm một lớp xóm Bắc. Anh Trần Đình Dán dạy một lớp ở xóm Nam, anh Trần Quang Nọng dạy một lớp ở xóm Tây. Ngoài ba lớp chính, chúng tôi những thiếu niên cũng tham gia xóa nạn mù chữ cho các cụ, mẹ già và các anh chị trung niên.

Ngày nay số người dân Minh Lệ làng tôi tham gia cướp chính quyền còn lại không nhiều. Có nhiều người đã ngã xuống trên các chiến trường hay chết bệnh chết già. Tôi công tác tại Trường sư phạm Quảng Bình rồi về hưu. Cùng học với tôi có những người làm đã làm đến thứ trưởng, vụ trưởng, nay ở lại Hà Nội hay các thành phố lớn. Ngày hội làng hay tết Độc lập các anh vẫn về thăm lại làng xưa. Với tôi, một học sinh thiếu niên ngày ấy, rất tự hào vì được hoà vào dòng người đi cướp chính quyền. Tôi tự hào vì lần đầu tiên mình được làm con dân của đất nước Việt Nam độc lập.

Hoàng Hữu Thanh