.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Công nhận xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới: Cái khó... nhân đôi!

Chủ Nhật, 21/09/2014, 14:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với hai tiêu chí 6 và 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” chính là những nền tảng quan trọng góp phần đổi mới bộ mặt đời sống văn hóa xã hội ở khu vực nông thôn, từ xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế hạ tầng cho đến duy trì các phong trào thi đua, nếp sống văn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, tỉnh ta vẫn chưa có một xã nào được công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và lộ trình đến đích vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Khó từ tiêu chuẩn “cứng”...

Cuối năm 2013, tỉnh ta hân hoan đón nhận tin vui khi xã Quang Phú (TP.Đồng Hới) là xã đầu tiên của tỉnh ta hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, để được công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới không phải là điều đơn giản đối với Quang Phú. Theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú, xã đã đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo quy định tại điều 4 của Thông tư 17.

Riêng khoản b mục 3 về 100% thôn có nhà văn hóa-khu thể thao, trong đó 50% nhà văn hóa-khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chính là điểm vướng mắc nhất của xã. Hiện nay, Quang Phú mới có 4/5 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn quy định. Thôn Nam Phú chưa có nhà văn hóa bởi thiếu mặt bằng xây dựng.

Chính quyền xã đã và đang nỗ lực giải quyết khâu mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, nhưng do nhiều vướng mắc nên việc hoàn thành nhà văn hóa phải lùi thời gian đến đầu năm 2015. Bên cạnh đó, mặc dù đã đi vào sử dụng, nhưng Trung tâm văn hóa-thể thao của xã vẫn còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, hiệu quả.

Đối với một xã điểm của tỉnh và đã về đích như Quang Phú mà vẫn còn đó những khó khăn, thì chắc chắn với các xã nghèo, những tiêu chuẩn “cứng” về cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa luôn là chướng ngại vật lớn. Xã bãi ngang Phú Trạch (Bố Trạch) chỉ mới thực hiện được 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, riêng hai tiêu chí 6 và 16 liên quan mật thiết đến việc công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xã vẫn chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch chia sẻ, Trung tâm văn hóa-thể thao xã mặc dù đã xây dựng xong từ năm 2005, nhưng còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, thiết bị máy móc. Toàn xã có 11 thôn thì 10 thôn mặc dù đã có nhà văn hóa nhưng nhiều trong số đó vẫn chưa đạt đúng chuẩn theo quy định. Thôn 5 chưa có nhà văn hóa, bởi với 30 hộ dân, điều kiện kinh tế khó khăn, việc đóng góp huy động sức dân để xây dựng nhà hóa không phải là việc dễ dàng.

Theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tính đến 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh mới có 12/136 xã đạt tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa, chiếm tỷ lệ 8,82% và không tăng so với đầu năm 2014. Đáng chú ý có những huyện như Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa, lại chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Tiêu chí 16 về văn hóa có 49/136 xã đạt, chiếm tỷ lệ 36,03% và tăng 2 xã so với đầu năm 2014.

Thôn Nam Phú vẫn chưa có nhà văn hóa thôn, do đó, xã Quang Phú (TP Đồng Hới) vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo Thông tư 17.
Thôn Nam Phú vẫn chưa có nhà văn hóa thôn, do đó, xã Quang Phú (TP Đồng Hới) vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo Thông tư 17.

Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, trong lộ trình công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo Thông tư 17, cơ sở vật chất văn hóa luôn là “gánh nặng” của nhiều địa phương. Hệ thống nhà văn hóa-khu thể thao thôn và Trung tâm văn hóa-thể thao xã của tỉnh ta phần lớn chưa đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thậm chí một số xã còn “trắng” về thiết chế văn hóa cơ sở.

Mặt khác, chúng ta chủ yếu chú trọng xây dựng nhà văn hóa thôn, chưa quan tâm nhiều đến Trung tâm văn hóa-thể thao xã, do kinh phí đầu tư trung tâm thường rất cao, việc huy động gặp nhiều khó khăn. Không ít xã cũng gặp tình trạng “khó” như: Nhà văn hóa xã đạt chuẩn đã có, nhưng chưa có đất để xây dựng khu thể thao, hoặc ở các thôn đã có sân vận động rộng rãi, việc xây thêm khu thể thao ở trung tâm xã dễ gây lãng phí... Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang yêu cầu các địa phương gấp rút thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục xét và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới vào cuối năm nay.

Đến gian nan tiêu chuẩn “mềm”...

Trong các tiêu chuẩn “mềm” công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, gian nan nhất là tiêu chuẩn về có 50% trở lên thôn, làng, ấp, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa” và tương đương liên tục từ 5 năm trở lên. Tiêu chuẩn này có sự gắn kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’ ở mỗi địa phương.

Xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí 16 về văn hóa được xã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc xã sẽ nhanh chóng được công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo Thông tư 17. Ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, để duy trì trên 50% số thôn của xã được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa” là rất khó khăn.

Toàn xã mới chỉ có 2/9 thôn duy trì 3 năm liên tục là “Thôn văn hóa” cấp huyện. Bởi, theo quy định chung, nếu chỉ cần có sự vượt mức về tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hay có vi phạm an ninh trật tự... là đã không được công nhận “Thôn văn hóa”. 3 năm giữ vững đã khó, 5 năm lại càng khó gấp bội. Đơn cử như thôn Lệ Kỳ 3, mặc dù đã duy trì 3 năm liên tục là “Thôn văn hóa” từ năm 2010 đến 2012, nhưng năm 2013, do trong thôn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vượt quá mức bình quân của huyện nên không đạt và phải bắt tay “làm lại từ đầu”. Thực tế cho thấy, năm 2013, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã ở mức khá cao.

Theo ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỷ lệ làng, bản, thôn đạt danh hiệu văn hóa còn thấp với 637/1.265, đạt tỷ lệ 50,3% (số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2014). Nếu so với mức bình quân chung của các tỉnh trong khu vực là trên 90% số làng, thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, thì tỉnh ta ở mức thấp và chỉ tương đương với các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên.

Nguyên nhân trên được giải thích là do các tỉnh thực hiện chưa tốt công tác bình xét (thiếu thực chất) hoặc do tỉnh ta thực hiện việc bình xét các tiêu chí cao hơn các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là đối với việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, và các nguyên nhân khác, như: sự thiếu quan tâm, sâu sát của chính quyền địa phương...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, theo đúng lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới của tỉnh, cần tiếp tục thực hiện công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đúng quy trình, khách quan, tránh bệnh hình thức, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của phong trào.

Bên cạnh đó, việc rà soát lại các tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu văn hóa theo hướng  bảo đảm chất lượng phong trào, phù hợp với mặt bằng chung so với các tỉnh bạn trong khu vực, đồng thời vận dụng linh hoạt, cụ thể, hợp tình, hợp lý đối với tiêu chí thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình cũng đóng vai trò quan trọng.

Mai Nhân