.

Phòng ngừa thiên tai trên biển

Thứ Năm, 18/09/2014, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta là một trong những địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thiên tai; bình quân mỗi năm phải hứng chịu 2 đến 3 cơn bão và 5 đến 6 đợt gió mùa đông bắc và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào. Bởi vậy, hoạt động sản xuất của ngư dân và tàu thuyền trên biển luôn chịu nhiều rủi ro thiệt hại do bão lốc, thiên tai gây ra.

Những con số đau lòng.

Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh, bình quân mỗi năm thiên tai cướp đi sinh mạng của 10 ngư dân đang sản xuất trên biển, làm đắm, hư hại khoảng 20-25 tàu cá.

Chỉ tính trong 5 năm lại đây, năm thấp nhất cũng có đến 9 người thiệt mạng và trên 20 tàu cá bị chìm hoặc hư hỏng nặng. Cụ thể: năm 2010, trên địa bàn có 39 tàu với 249 thuyền viên gặp nạn trên biển. Trong đó có 16 tàu đánh cá bị chìm, 17 người chết và mất tích. Địa phương có ngư dân bị thiệt hại lớn nhất trong năm này là huyện Quảng Trạch với 34 tàu bị chìm, hư hỏng và 12 người chết, mất tích...

Năm 2011 được xem là năm bão, lốc tố ít xảy ra trên biển ở khu vực tỉnh ta hơn mọi năm. Tuy nhiên, trong năm này thiên tai vẫn làm chết 9 người, trong đó có 5 ngư dân bị chết do lốc tố và gió bão làm đắm thuyền trên biển. Năm 2012, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh không lớn, nhưng có đến 14 người chết và mất tích, tài sản thiệt hại hơn 89 tỷ đồng, trong đó có 9 người chết và mất tích trên biển, 12 tàu thuyền bị hư hỏng nặng. Riêng 3 đợt gió mùa đông bắc tháng 10 năm 2012, đã làm đắm 5 tàu thuyền, làm chết và mất tích 7 ngư dân.

Năm 2013, thiên tai liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh ta. Đặc biệt cơn bão số 10 đã làm 4 ngư dân trong tỉnh thiệt mạng,  24 tàu thuyền bị chìm và mất tích (thành phố Đồng Hới 15 tàu, huyện Quảng Ninh 8 tàu, huyện Bố Trạch 1 tàu). Ngoài ra, có 89 tàu thuyền bị hư hỏng nặng, trong đó huyện Quảng Trạch có 48 chiếc, Đồng Hới 29 chiếc, Bố Trạch 12 chiếc. Tổng thiệt hại về tàu thuyền ước khoảng 37 tỷ đồng.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công một tàu cá bị nạn ở Thanh Trạch (Bố Trạch).
Lực lượng Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công một tàu cá bị nạn ở Thanh Trạch (Bố Trạch).

Điển hình là vụ chìm tàu QB 937714 TS do ông Nguyễn Phong ở Cồn Sẻ xã Quảng Lộc (Quảng Trạch) làm thuyền trưởng, trên tàu có 14 lao động đã bị chìm tại vị trí cách cửa Gianh khoảng 7 hải lý về phía Đông Bắc đầu năm 2013. Ngay sau khi được tin tàu QB937714 TS bị nạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương điều động 17 tàu của các cơ quan chức năng và ngư dân tham gia tìm kiếm trong khu vực tàu bị nạn, nhưng chỉ tìm được 2 người, số còn lại mất tích.

Trong 8 tháng đầu năm nay, mặc dù chưa đến mùa bão, lũ nhưng lốc tố cũng đã làm 3 tàu cá gặp nạn và cướp đi sinh mạng 2 ngư dân khi đang sản xuất trên biển.

Qua đây cho thấy, thiên tai trên biển luôn rình rập đối với ngư dân. Làm gì để giảm thiểu tai nạn do thiên tai gây ra luôn là vấn đề nóng hổi đặt ra cho các cơ quan chức năng và nhất là cho những lao động trên biển.

Biện pháp phòng tránh

Điều hiển nhiên ai cũng nhìn thấy là, hoạt động khai thác trên biển là nghề đặc thù, người lao động thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Theo ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tai nạn do thiên tai gây ra trên biển là chủ động phòng tránh.

Kinh nghiệm đi biển nhiều đời nay của ngư dân vẫn là xem hướng gió, chiều mây để tìm cách di chuyển ra khỏi khu vực có thể xảy ra lốc tố, gió bão. Tuy nhiên, bây giờ đã có hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại, góp phần đắc lực cho công tác phòng ngừa thiên tai nói chung và trên biển nói riêng.

Thực tế cho thấy, công tác phòng ngừa tai nạn do thiên tai gây ra đối với tàu thuyền trên biển thì khâu “phòng” là chính, còn khâu “cứu hộ” phải nhanh chóng, kịp thời mới hiệu quả. Theo kinh nghiệm của ngư dân đi biển lâu đời cho biết, trước hết, các tàu cá khi ra khơi phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn.

Trước khi rời bến, chủ tàu, thuyền nhất thiết phải kiểm tra tình trạng của tàu, nhất là đối với các trang thiết bị an toàn, thiết bị khai thác, nếu phát hiện bộ phận nào bị hao mòn thì phải thay mới ngay. Đồng thời, sắp xếp các thiết bị gọn gàng, đặt đúng chỗ để bảo đảm tính chủ động trong công tác cứu chữa khi gặp sự cố. Tất cả các thuyền viên phải được hướng dẫn và sử dụng thành thạo các trang thiết bị an toàn, trang bị phòng hộ...

Một tàu cá của ngư dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) bị bão đánh chìm.
Một tàu cá của ngư dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) bị bão đánh chìm.

Khi xuất bến, các chủ tàu cần khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với trạm kiểm soát Biên phòng nơi phương tiện cư trú, đồng thời chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu nhằm chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão. Đặc biệt, các chủ tàu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển, đối với trường hợp gặp sóng to gió lớn đe dọa đến sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên thì nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn.

Tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của trạm bờ

Hiện nay các địa phương đều tổ chức trạm chỉ huy trên bờ để hướng dẫn và nhận thông tin cứu hộ cứu nạn cho ngư dân trên biển. Việc tuân thủ sự chỉ đạo hướng dẫn của trạm bờ hết sức quan trọng, quyết định cho sự an toàn của tàu cá khi sắp có thiên tai xảy ra.

Những năm qua, mỗi khi thông tin về thời tiết như áp thấp nhiệt đới, dự báo bão, trạm bờ đều chuyển tải thông báo bão, gọi tàu, thuyền và ngư dân tránh trú bão, nhất là các tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm. Một vấn đề được rút ra qua các vụ chìm tàu trên biển mà ai cũng thấy, ngoài nguyên nhân khách quan do lốc tố, gió bão bất khả kháng ra, còn có nguyên nhân chủ quan của ngư dân.

Điều này thể hiện là, việc chấp hành sự điều động tàu, thuyền về nơi trú ẩn mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão xảy ra chưa được ngư dân chấp hành triệt để. Thông thường mỗi khi "trời động" là lúc tôm cá tập trung đi theo luồng rất thuận lợi để khai thác, vì vậy ngư dân thường nán lại để đánh bắt.

Bởi vậy mà có tàu đã bất chấp hiệu lệnh yêu cầu vào bờ, vẫn bám biển để đánh bắt cá. Thí dụ như cơn bão số 5 (đầu tháng 8-2013) đổ bộ vào biển Đông, Bộ đội Biên phòng tỉnh ra hiệu lệnh gọi tàu vào trú ẩn, vẫn có 190 tàu cá của tỉnh ta không vào mà tiếp tục đánh bắt cá trên biển. Hoặc một số tàu khi vào đến cửa sông Gianh do chủ quan, xem thường con sóng đã để xảy ra sự cố chìm tàu, làm chết người rất đáng tiếc. Xử lý tình huống này đối với ngư dân có kinh nghiệm là, không cho tàu vào cửa sông mà chuyển hướng đến khu vực đảo Hòn La để né tránh, chờ đến khi thuận tiện mới vào bờ. 

Qua theo dõi tình hình cứu hộ cứu nạn trên biển ở tỉnh mấy năm nay cho thấy năng lực cứu hộ cứu nạn của tỉnh ta còn hạn chế, không phát huy được hiệu quả. Khi xảy ra sự cố chìm tàu ngay cửa sông Gianh, đúng lúc có gió mùa đông bắc cấp 6, cấp 7 thì tất cả các tàu cứu hộ cứu nạn của tỉnh ta không thể làm gì được. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có tàu cứu hộ cứu nạn trên biển có công suất lớn, hoạt động được khi có gió cấp 7, cấp 8 trở lên, mới hy vọng xử lý tình huống chìm tàu có hiệu quả.

Trọng Thái