.

Mở rộng nghĩa trang Đá Bạc có ảnh hưởng đến khu dân cư?

Thứ Ba, 01/04/2014, 07:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 17-3, Báo Quảng Bình nhận được đơn của các hộ dân thuộc tổ 1, tổ dân phố 10, phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) kiến nghị về việc: UBND phường Đồng Sơn mở rộng nghĩa trang Đá Bạc sát khu vực dân cư.

 

Khu vực san lấp mặt bằng được cho là làm bãi đỗ xe.
Khu vực san lấp mặt bằng được cho là làm bãi đỗ xe.

Nội dung đơn kiến nghị cho rằng: Năm 2013, UBND phường Đồng Sơn có kế hoạch mở rộng nghĩa trang tại tổ 1, tổ dân phố 10. Mục đích giải tỏa 4 hộ dân để thu hồi khoảng 500m2 đất cùng với đất dưới hành lang đường điện 500 KV. Tổng diện tích khoảng 1,5ha, làm đất lăng mộ cấp cho anh em cốt cán chưa có đất. Việc giải phóng 4 hộ dân nói trên là để lấy đất mở rộng nghĩa trang, nhưng lại kéo nghĩa trang vào gần nhiều hộ dân khác gây ô nhiễm.

Vấn đề thứ 2 mà các hộ dân thắc mắc là việc lấy đất làm lăng mộ cấp cho anh em cốt cán. Theo những hộ dân này, nhu cầu cấp đất làm lăng mộ thì không chỉ cán bộ mà mọi người dân đều cần cả. Nhưng không phải vì quyền lợi một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến người dân được.

Cũng theo đơn kiến nghị, việc này đã nêu lên tại các cuộc tiếp xúc với HĐND phường nhưng chưa được giải thích chưa thỏa đáng; còn tại lần tiếp xúc cử tri với HĐND thành phố thì không được hồi âm. Và đến tháng 1-2014, phường cho san lấp mặt bằng và theo như mặt bằng san lấp thì chỉ cách nhà dân chưa đến 20m.

Tiếp xúc với phóng viên, các hộ dân ở tổ 1, tổ dân phố 10, phường Đồng Sơn cho biết: Hầu hết họ là công nhân của xưởng cưa Việt Ý cũ và một số hộ thuộc diện di dân về đây sinh sống từ năm 1986 trở về trước. Anh Lê Văn Thắng chia sẻ: Dân nghèo mới phải lên đây sinh sống, chứ nếu có điều kiện thì đã mua đất ở nơi khác rồi, ai mà thích “ăn với cóc, ngủ với ma”. Sống gần nghĩa trang khổ lắm!

Anh Nguyễn Đức Hân cho biết: Về cơ sở khoa học, đo đạc cụ thể không biết như thế nào nhưng chắc chắn là ô nhiễm. Hiện tại, vào những ngày mưa, nước giếng có một lớp váng như dầu mỡ khiến chúng tôi rất ái ngại, lo lắng. Bởi ở nghĩa trang này, người ta chỉ chôn cất một lần. Ông Nguyễn Minh Xuân (72 tuổi) nói: Chỉ riêng việc đốt tư trang của người chết cũng đã đủ làm ô nhiễm rồi. Mình gần đất xa trời đã đành nhưng nghĩ tội thế hệ sau... Ông Nguyễn Hữu Sinh thì cho rằng: Cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều, từ việc tụng kinh, gõ mõ, đốt vàng mã...

Ông Nguyễn Đức Thiệu, Bí thư chi bộ 1, Đảng bộ Bộ phận 10, phường Đồng Sơn cho hay: Năm 1981, thời điểm gia đình ông chuyển về sinh sống tại đây thì khu nghĩa trang này đã hình thành rồi, tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ và khá rải rác. Khi đó, ông cùng một số hộ gia đình khác đã tính đến chuyện ở cách xa nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ nghĩa trang, nhưng càng ngày khoảng cách ấy càng rút ngắn lại. Trước thông tin UBND phường có chủ trương mở rộng nghĩa trang sát khu vực dân cư càng khiến các hộ trong khu dân cư này lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc di dời ra khỏi vùng này là rất khó khăn, bởi đa phần người dân sống xung quanh là người lao động tự do, công việc không ổn định.

Những ngôi nhà nằm sát khu mộ ở nghĩa trang Đá Bạc.
Những ngôi nhà nằm sát khu mộ ở nghĩa trang Đá Bạc.

Ngoài những lo ngại của người dân tổ 1, tổ dân phố 10, phường Đồng Sơn thì qua quan sát của phóng viên, hiện có khá nhiều hộ dân ở ngay sát các khu mộ trong nghĩa trang Đá Bạc với khoảng cách chưa đầy chục bước chân. Khu mộ nằm ở trên dốc, còn những ngôi nhà của người sống lại nằm phía dưới dốc.

Làm việc với UBND phường Đồng Sơn, ông Mai Xuân Sang, Chủ tịch UBND phường cho biết: Trong quy hoạch sử dụng đất tầm nhìn 2010-2020 (quy hoạch được phê duyệt vào năm 2013), khu vực này là nghĩa trang. Trước nguyện vọng của nhân dân về việc mở rộng nghĩa trang, hiện nay phường bắt đầu tiến hành lập dự án, mở rộng thêm khoảng 1 ha và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện phường mới chỉ cho san lấp làm bãi đỗ xe phục vụ nhân dân trong dịp lễ tết.

Về nội dung lấy đất làm lăng mộ cấp cho anh em cốt cán, ông Mai Xuân Sang khẳng định: Không có cuộc họp nào có kết luận như vậy, việc mở rộng nghĩa trang đáp ứng nhu cầu chung của nhân dân.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc hiện nay có một số hộ dân được cấp đất, sống ngay sát khu vực nghĩa trang, ông Sang cho rằng: Điều này đã có từ trước, đây là do lịch sử để lại và để di dời các hộ dân này bảo đảm theo quy định là rất khó khăn. Nhằm hạn chế những ảnh hưởng về môi trường, phường đã tiến hành kéo nước máy về tận khu dân cư nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ông Sang cũng cho biết: Sẽ tiến hành họp dân công khai về những vấn đề mà các hộ dân thắc mắc hiện nay.

Khoảng cách an toàn về môi trường (ATVMT) từ nghĩa trang hung táng đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở... được quy định đối với vùng đồng bằng: tối thiểu là 1.500m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng, và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng.

Đối với nghĩa trang chôn cất một lần, khoảng cách ATVMT tối thiểu 500m (theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3-4-2008 của Bộ Xây dựng ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng").

Hương Lê