.

Chợ nông thôn và nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ Sáu, 28/03/2014, 16:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, để thuận tiện cho người dân giao lưu, buôn bán và trao đổi hàng hóa, hệ thống chợ nông thôn đã được tỉnh cũng như các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng và nâng cấp. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các chợ nông thôn hiện nay lại đang trong tình trạng báo động.

 

Tại chợ Võ Xá, xã Võ Ninh, hàng hóa được bày bán ngay dưới nền đất bẩn, ẩm ướt.
Tại chợ Võ Xá, xã Võ Ninh, hàng hóa được bày bán ngay dưới nền đất bẩn, ẩm ướt.

Thực phẩm bày bán lộn xộn

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện tại trên địa bàn tỉnh ta có tất cả là 139 chợ, trong đó có 4 chợ hạng 1, 8 chợ hạng 2, số còn lại chủ yếu là chợ hạng 3 và chợ tạm có quy mô nhỏ. Phần lớn tại các chợ nông thôn, hàng hóa được bày bán đều thiếu quy củ và rất lộn xộn, thực phẩm chín được bày bán lẫn lộn với thực phẩm sống, rác thải thì vứt bừa bãi, ứ đọng rất mất vệ sinh. Tại các chợ cóc, chợ tạm thì lại càng mất vệ sinh hơn khi không có cơ quan chức năng nào giám sát và kiểm tra, người bán hàng thích ngồi bán chỗ nào thì trải tấm nilong bán chỗ đó.

Có mặt tại chợ Võ Xá, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) vào lúc 9 giờ sáng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một khu chợ khá nhếch nhác và bừa bộn. Mặc dù chợ đã được xây dựng kiên cố nhưng hàng hóa vẫn được bày bán tràn lan trên nền đất dọc hai bên lối đi, thực phẩm chín thì không được che đậy, dù kẻ bán người mua ra vào tấp nập làm bụi bẩn, rác thải bay lung tung.

Càng đi sâu vào trong chợ, tình trạng mất ATVSTP càng đáng lo ngại, đặc biệt là khu vực bán thực phẩm tươi sống được bày bán ngay cạnh bãi rác, hộ nào buôn bán lớn thì đựng tôm, cá trong thau, rá, còn hộ nào buôn bán nhỏ thì bày bán cá, tôm ngay trên những tấm nilong trên nền đất bẩn, ẩm ướt dọc lối đi. Kinh khủng nhất vẫn là mùi hôi thối ở khu vực này, theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết rác thải của cả khu chợ đều tập trung tại đây, nào là vỏ ốc, vỏ hàu, bao nilong, phế liệu chất thành từng đống đã được lưu lại từ nhiều ngày. Những tiểu thương ở đây sau khi làm cá xong thì phần lớn rác và nước thải đều đổ ngay tại đó.

Mùi tanh của cá hỗn hợp với đủ thứ mùi của các loại rác thải khác bay khắp nơi tạo thành một “hương vị” không thể tả nổi khiến hầu hết người mua đều muốn mua thật nhanh để đi khỏi khu vực này. Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Võ Ninh chia sẻ: “Nhiều lúc đến khu thức ăn tươi sống để mua cá, tôi cũng không thể chịu nổi vì mùi hôi của rác thải. Đặc biệt trời mưa, nước chảy lênh láng rất ô nhiễm  nhưng vẫn phải cố chịu để mua được đồ”.

Tại chợ Cưởi, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy), tình trạng trên cũng tái diễn. Chợ này không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của bà con trong xã mà còn thu hút rất đông người dân của các xã đến giao lưu buôn bán. Chợ họp vào tất cả các ngày trong tháng, mặc dù chợ Cưởi cũng đã được quy hoạch theo từng khu vực cụ thể nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khá nghiêm trọng.

Được xây dựng đã khá lâu nên cơ sở vật chất của chợ còn thô sơ, mặt nền nhiều chỗ đã bị bong tróc nhưng vẫn được người dân tận dụng để bày bán các mặt hàng nhỏ lẻ như mớ rau, vài con cá. Vào sát cuối chợ là những gian hàng bán thịt được che đậy bằng những tấm tồn nhỏ. Và vấn đề đáng lo ngại ở đây lại là rác được xả ngổn ngan sát cạnh hàng thịt. Những người bán hàng ở đây hồn nhiên cho biết, rác thải đã được chất vào bao từ những ngày trước nhưng đến nay vẫn không có ai thu dọn. Kéo theo đó là từng đàn ruồi nhặng tha hồ bu bám trên những miếng thịt, chỉ khi nào có khách lại hỏi mua thì chủ hàng mới lấy tay khua nhẹ cho ruồi bay đi.

Thấy chúng tôi băn khoăn khi thịt bán ngay cạnh khu vực rác thải mà lại không có vật dụng gì che đậy, chị chủ hàng nhanh nhảu: “Tôi bán ở đây nhiều năm rồi, có thấy ai mua thịt về ăn mà bị ngộc độc thực phẩm đâu, về rửa sạch chế biến là an toàn hết mà”. Đó là chưa kể đến việc, thịt lợn đều được bày bán trên những tấm bìa cattong lớn, chất bẩn bám dính trên đó, hết buổi chợ chỉ đem chùi rửa qua rồi ngay mai lại được trưng dụng để bày bán tiếp.

Tại chợ hôm Dinh Mười, xã Gia Ninh, các quầy bán bún, bánh đều ngồi bán ngay trên cát. Khi lấy bún

Một quầy bán thịt tại chợ Cưởi, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy), thịt lợn được bày trên tấm bìa cattong cáu bẩn để bán cho khách hàng.
Một quầy bán thịt tại chợ Cưởi, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy), thịt lợn được bày trên tấm bìa cattong cáu bẩn để bán cho khách hàng.

để bán cho khách người bán hàng cũng không hề đeo găng tay để bảo đảm vệ sinh. Sát bên công trường đang thi công nghi ngút bụi, một quầy thịt quay di động vẫn đang treo lủng lẳng những khúc thịt vừa quay xong nóng hổi. Điều đặc biệt ở đây là khách đến mua rất đông mà không có chút băn khoăn hay lo lắng nào về việc mất an toàn VSTP. 

Công tác quản lý còn nhiều bất cập

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Hoài Nam, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh ta chỉ có chợ loại 1 và loại 2 là vấn đề VSATTP có quy củ và chặt chẽ  hơn vì có ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra và giám sát. Còn đặc biệt chợ dân sinh (chợ loại 3) và chợ cóc, chợ tạm, chất lượng thực phẩm hầu như là nằm ngoài kiểm soát vì các chợ này giao cho các xã, phường quản lý. Xã nào có ban quản lý thì cũng không có điều kiện để kiểm tra chất lượng thực phẩm ngay trên địa bàn. Đó là cả một bài toán chưa giải được về VSATTP, vì ngay ở tỉnh mỗi khi phát hiện sai phạm cũng phải đưa mẫu đến nơi khác để kiểm tra.

Mặc dù Sở Công thương, các cơ quan liên ngành, huyện đã thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện vấn đề bảo đảm VSATTP tại các chợ nông thôn nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như, khi kiểm tra thực phẩm công nghiệp đã qua chế bến, thực phẩm tươi sống đều rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm chất lượng nhưng dụng cụ, trang thiết bị để bảo quản và chế biến thực phẩm còn thiếu thốn thì nguy cơ mất VSATTP vẫn xảy ra. Môi trường bị ô nhiễm cũng là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm VSATTP, cụ thể như rác thải ứ đọng lâu ngày sinh ra ruồi, nhặng từ đó lại bu bám vào các thực phẩm chín gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Hiện tại, tỉnh ta đang triển khai thí điểm mô hình chợ bảo đảm VSATTP tại chợ Hoàn Lão (Bố Trạch) và từ nay cho đến năm 2015 sẽ triển khai thí điểm trên tất cả các chợ hạng 1 trong toàn tỉnh. Theo đó, người bán hàng phải niêm yết công khai nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn.

Anh Trần Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Thông tin truyền thông quản lý ngộ độc thực phẩm, Chi cục VSATTP cho biết, để giảm bớt tình trạng mất VSATTP tại các chợ nông thôn, các cơ quan liên ngành cần tích cực tuyên truyền, phổ biến và mở các lớp tập huấn về VSATTP; đồng thời thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lan Chi