.

Để được hộ nghèo!?

Thứ Sáu, 04/04/2014, 15:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng 3-2014, có một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, dáng khắc khổ mang theo giấy chứng nhận bệnh hiểm nghèo của chồng, những cuốn sổ tâm thần của các con đi gõ cửa các cơ quan thông tin đại chúng để xin sự giúp đỡ. Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hương ở xóm 1, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Chị bảo, nếu không được sự giúp đỡ của cộng đồng, gia cảnh chị sẽ lâm vào đường cùng. Không có nhà để ở vì sổ đỏ đem cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho chồng con. Lần theo địa chỉ chị Hương để lại, chúng tôi vào cuộc để tìm hiểu thực hư. Và rồi sự thật không như lời kể của chị.

 

Chị Nguyễn Thị Hương luôn dùng những cuốn sổ điều trị ngoại trú tâm thần của chồng và hai con trai để xin sự giúp đỡ.
Chị Nguyễn Thị Hương luôn dùng những cuốn sổ điều trị ngoại trú tâm thần của chồng và hai con trai để xin sự giúp đỡ.

Ra ở đường nếu không có tiền trả nợ?

Ngồi đối diện với chúng tôi trong ngôi nhà mái bằng khá kiên cố, chưa vào chuyện mà chị Nguyễn Thị Hương đã khóc khá “ngon lành”. Chị kể: “Vợ chồng có năm đứa con, Tăng Viết Tường sinh năm 1986, Tăng Viết Hướng, sinh năm 1991, Tăng Thị Thảo sinh năm 1993, Tăng Viết Báo sinh năm 1996 và Tăng Viết Sách sinh năm 1998. Trong gia đình chỉ có Tăng Thị Thảo là bình thường, nay lấy chồng tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Tăng Viết Tường bị tai nạn năm lên hai tuổi, ảnh hưởng thần kinh. Tăng Viết Hướng học hành không đến nơi đến chốn, hay ăn cắp vặt, hai lần đi tù, nay vào nam làm công nhân. Tăng Viết Báo, Tăng Viết Sách bị “tâm thần”.

Chồng chị, Tăng Chánh, bị bệnh ung bướu, mất sức lao động. Gánh gặng gia đình dồn hết lên hai vai chị. Nhà nghèo, để có tiền chữa bệnh cho chồng và con chị đem sổ đỏ đi cầm cố cho một người bạn ba lần, số tiền vay trên 150 triệu đồng. Bây giờ đã đến hạn, nếu không có tiền trả nợ họ sẽ về lấy nhà, đuổi cả gia đình ra đường”.

Chị Hương đưa cho chúng tôi xem sổ theo dõi chữa bệnh ngoại trú tâm thần của hai con trai Sách, Báo và sổ điều trị bướu cổ (sau chuyển sang rối loạn tâm thần) của anh Tăng Chánh do Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Ninh cấp như một bằng chứng xác thực.

Câu chuyện chi Hương kể trơn tru, thông suốt, không có chút vấp váp, cộng với những giấy tờ, bệnh án của chồng con do cơ quan chức năng cấp, dấu đỏ hẳn hoi, chắc chắn những ai một lần nghe qua sẽ thương xót cho hoàn cảnh của chị. Thế nhưng với những người làm báo như chúng tôi, vì chuyện chị Hương trình bày quá “ngọt” khiến chúng tôi nghi ngờ.

Anh Tăng Chánh, chồng chị Hương, tại buổi làm việc, trước những lời nói của vợ đã có những cử chỉ phản đối khá kín đáo, nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra. Thậm chí khi ống kính truyền hình quay cảnh chị Hương “chăm sóc” cho mình, anh Chánh cũng dùng tay gạt phăng đi. Một người đàn ông hơn 50 tuổi sang chơi, chị Hương giới thiệu là hàng xóm (về sau chúng tôi mới biết tên Tăng Viết Hải, em trai anh Tăng Chánh), khi chúng tôi hỏi thêm anh Hải về gia cảnh chị Hương, chị Hương cũng lớn tiếng át đi.

Một chi tiết khác, khi chúng tôi muốn gặp Tăng Viết Sách và Tăng Viết Báo, chị Hương dẫn vào buồng, chỉ cậu thanh niên đang nằm ngủ ngon lành trên giường bảo đó là Báo, còn Sách đi chơi đâu không rõ. Gọi  em Báo dậy, nhưng mãi em vẫn nằm quay mặt vào tường... dường như xấu hổ với người lạ. Chị Hương đánh trống lãng: “Cháu nó sợ ánh sáng!”.

Đâu là câu chuyện thật về gia đình chị Hương?

Chúng tôi tiếp xúc với bà con láng giềng gần gũi gia đình chị Hương, và hơn chục người dân thuộc xóm 1, thôn Hà Thiệp. Câu hỏi được nêu ra: “Tại sao gia cảnh chị Hương đáng thương như vậy mà chính quyền thôn, xã không biết để giúp đỡ cho chị mà để chị đi cầu cứu tận dưới tỉnh?”.

Ông Phạm Văn Long bức xúc: “Gia cảnh gì, bà Hương không lo chí thú làm ăn, cứ vin vào mấy cuốn sổ tâm thần của chồng và con rồi đi khiếu nại lên xã, lên huyện, lên tỉnh. Nói ông Tăng Chánh bị bệnh u bướu dân bề tui tin chứ con cái trong gia đình ấy làm chi mà bị tâm thần”. “Nhưng không tâm thần, sao lại có sổ chứng nhận tâm thần?”.

Với cơ ngơi nhà đổ bằng kiên cố và có một số tài sản giá trị nhưng  chị Hương luôn khiếu nại để được công nhận hộ nghèo.
Với cơ ngơi nhà đổ bằng kiên cố và có một số tài sản giá trị nhưng chị Hương luôn khiếu nại để được công nhận hộ nghèo.

Chị Phạm Thị Lương khẳng định: “Mấy chục năm ni tui làm hàng xóm với nhà chị Hương. Con cái chị lớn lên răng tui không biết được. Ngày ngày vẫn thấy chúng vui chơi, đi chăn bò đó thôi. Thậm chí thằng Báo, thằng Sách nhiều lần to tiếng với mẹ vì chị Hương làm thế, sau này ai dám tìm hiểu, xây dựng gia đình với hai đứa nữa, vì họ cho rằng hai đứa bị tâm thần. Còn để chứng minh con chị Hương tâm thần hay không, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc là trắng đen mười mươi thôi”.

Một người hàng xóm kế bên nhà chị Hương, chị Phạm Thị Thu còn “dọa” phóng viên: “Nếu các anh, các chị đi kêu gọi giúp đỡ cho gia đình đó, bà con tui kéo về tỉnh kiện lại mấy anh, mấy chị! Con của chị Hương chẳng có ai bị tâm thần cả”.

Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được mọi người cho biết hiện tại anh Tăng Chánh, Tăng Viết Báo, Tăng Viết Sách tuy sức khỏe không được như người bình thường nhưng vẫn lao động, tự lo cho bản thân. Tăng Viết Tường làm nghề lái xe, Tăng Viết Hướng làm công nhân ở miền Nam bảo đảm cuộc sống cho mình. Theo Nghị định 67/CP của Thủ tướng Chính phủ mỗi quý ba cha con Tăng Chánh, Tăng Viết Báo, Tăng Viết Sách được hưởng trợ cấp 810.000 đồng/người; riêng chị Nguyễn Thị Hương hưởng 1.620.000 đồng công chăm sóc, như vậy mỗi quý gia đình chị Hương có thêm trên 4 triệu đồng.

Để được hộ nghèo!

Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Phạm Văn Dần lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Hương. Riêng Trưởng thôn Hà Thiệp Phan Văn Công thì chép miệng: “Thôn thực sự hết cách với chị Hương rồi. Chị Hương là một “điển hình” về khiếu kiện, tố cáo vượt cấp tại địa phương. Kể từ ngày chị có trong tay 3 cuốn sổ chứng nhận tâm thần của chồng và hai con, chị Hương càng làm dữ. Thậm chí có lần còn đòi ném cả ly uống nước vào một lãnh đạo huyện Quảng Ninh khi về cơ sở giải quyết đơn thư cho mình”.

“Vậy mục đích cuối cùng của chị Hương là gì?”. Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Phạm Văn Dần cho biết: “Là được diện hộ nghèo, mặc dù UBND xã giải thích hết sức cặn kẽ cho chị Hương hiểu, vấn đề bình xét hộ nghèo phải tiến hành dân chủ, công khai từ dưới cơ sở lên, căn cứ vào thang điểm quy định. UBND xã và bà con trong thôn cũng hiểu gia cảnh của chị Hương có khó khăn khi chồng và hai con sức khỏe không bằng người bình thường. Tuy nhiên, nhà chị Hương mái bằng diện tích khoảng 45m2, tài sản có 2 xe máy và một số đồ dùng giá trị, có 4 con bò... chấm 67 điểm, trong lúc đó dưới 43 điểm mới được xét hộ nghèo.

Vào ngày 27-3-2014, thôn Hà Thiệp tổ chức họp dân xóm 1 xem xét vấn đề hộ nghèo của chị Hương. Buổi họp dân trở thành dịp để “vạch trần” những thói hư, tật xấu của chị Hương, lợi dụng những cuốn sổ điều trị ngoại trú tâm thần của chồng và hai con trai để đi xin tiền, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân xóm 1. Kết quả xem xét bầu lại hộ nghèo cho chị Hương phản ánh đúng bản chất: 57 phiếu được phát ra thì 1 phiếu không hợp lệ, 2 phiếu đồng ý và đến 54 phiếu không tán thành.

Thanh Long