.

7 năm dân kêu cứu vì ô nhiễm khói bụi xi măng

Thứ Năm, 03/04/2014, 19:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu chuyện ô nhiễm môi trường nặng tại khu vực đứng chân của 2 nhà máy xi măng Áng Sơn I (thuộc Công ty CP Cosevco 6) và Áng Sơn II (Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân) tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) thật ra không mới, kéo dài đã 7 năm nay. Người dân thôn Áng Sơn đã gõ cửa kêu cứu tại rất nhiều cơ quan công quyền và diễn đàn tiếp xúc cử tri từ xã đến huyện, lên tỉnh, với đại biểu Quốc hội… nhưng cách xử lý hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Bức xúc đẩy lên đỉnh điểm vào sáng 2-4, khi gần 100 người dân dùng đá hộc, cột điện gãy chặn đường vào Nhà máy xi măng Áng Sơn II, đơn vị được người dân cho rằng đã gây ra tình trạng ô nhiễm nặng suốt nhiều năm qua...

>> Dân bức xúc phong tỏa Nhà máy xi măng Áng Sơn II

Dân kêu ô nhiễm-Chuyện không còn mới

Trở lại với câu chuyện ô nhiễm môi trường do nhà máy xi măng gây ra. Gần 7 năm nay, bà Bùi Thị Thé, ông Nguyễn Văn Quang và nhiều người dân khác trong thôn Áng Sơn ôm đơn đi “kêu cứu” tại nhiều cơ quan công quyền và diễn đàn tiếp xúc cử tri.

Trong thời gian này, hàng chục đoàn kiểm tra từ tỉnh đến huyện, xuống xã trực tiếp về với người dân thôn Áng Sơn và chứng kiến tận mắt mức độ ô nhiễm “khủng khiếp” về bụi, khói, tiếng ồn đối với các hộ gia đình sống cận kề xung quanh hai nhà máy trước đây và bây giờ là Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân. Sau các đợt kiểm tra, cái mà người dân chờ đợi mỏi mòn chỉ là lời hứa… cứ chìm dần trong khói bụi, ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Bà Phạm Thị Kê bức xúc: “Tôi nguyên TNXP chống Mỹ, chồng tôi là bộ đội. Cưới nhau xong về lập nghiệp tại thôn Áng Sơn, chưa kịp yên ấm thì chồng chết vì ung thư, 4 đứa cháu đau ốm liên miên, bệnh viện kết luận bị ung thư trong đó có một đứa chết khi mới lên 5 tuổi. Suốt ngày đêm dân chúng tôi sống chung với bụi như vậy, không bị bệnh nan y mới là chuyện lạ.

Cảnh người dân dùng đá hộc, cột điện gãy chặn đường vào nhà máy.
Cảnh người dân dùng đá hộc, cột điện gãy chặn đường vào nhà máy.

Thế hệ chúng tôi già rồi, chết cũng cam, nhưng chúng tôi phải đấu tranh… và các cấp có thẩm quyền, lãnh đạo nhà máy thương dùm thế hệ trẻ. Tôi nói đúng sự thật, cán bộ cứ về sống với dân Áng Sơn chúng tôi vài ngày đêm, xem có sống nổi không, huống chi dân chúng tôi chịu cảnh bụi bặm đã nhiều năm ni rồi!”.

Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh: trong vòng bán kính 1km quanh nhà máy có 65 hộ bị ảnh hưởng; 35 hộ ảnh hưởng nặng và khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất gồm 7 hộ dân thuộc xóm Lèn.

Nhiều lần chúng tôi tiếp xúc với bà con tại xóm Lèn, các hộ gia đình: Nguyễn Văn Quang, Ngô Đình Miền, Đỗ Bá Lực, Trần Trí Dũng… nhà cận kề ngay sát vách tường nhà máy trong đó ngôi nhà ông Đỗ Bá Lực sát ngay hệ thống tháp nghiền, búa đập, tua bin chạy ầm ào suốt ngày đêm. “Không thể nào chịu nổi”, ông Lực bức bối.

Ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ: “Dù tài sản, ruộng vườn, nhà cửa kiên cố, khang trang đến đâu, chúng tôi nhất trí di dân đến chỗ ở mới. Vì tương lai của con cháu và bảo đảm sức khỏe của chính mình lúc cuối đời. Chứ sống trong cảnh bụi bặm, ồn ào như thế này, liệu rằng sống nổi?”.

Như vậy, những hộ gia đình chịu ảnh hưởng nặng của ô nhiễm môi trường tại thôn Áng Sơn đã đồng tình di dời, để lại tài sản, nhà cửa gắn bó với mình hàng chục năm nay cho Nhà máy xi măng Áng Sơn II mở rộng quy mô trong tương lai. Nhưng họ đi về đâu khi chưa có khu tái định cư?

Dân phong tỏa nhà máy-Mặt nổi của tảng băng chìm

Ngay sau khi người dân thôn Áng Sơn dùng đá hộc, cột điện phong tỏa đường vào Nhà máy xi măng Áng Sơn II vào 7 giờ 30 sáng 2-4, phóng viên Báo Quảng Bình nhanh chóng có mặt tại hiện trường xảy ra vụ việc. 9 giờ 20 phút, xe chuyên dụng ra phun nước dọc tuyến đường dẫn vào nhà máy, không có lãnh đạo nào của nhà máy ra gặp gỡ người dân. 10 giờ, ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh đến hiện trường cho người vào mời lãnh đạo nhà máy thì ông Phạm Ngọc Vũ, Phó Giám đốc mới ra ngoài. 10 giờ 10 phút, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cùng các ban, ngành của huyện đến cùng trực tiếp đối thoại, giải quyết những bức xúc của người dân thôn Áng Sơn.

Đến 11 giờ cùng ngày, bức xúc của nhân dân được phía  lãnh đạo nhà máy và hai cấp chính quyền giải tỏa một phần, bà con tự giác tháo dỡ những vật dụng phong tỏa đường vào nhà máy.

Ông Phạm Ngọc Vũ (người đứng), Phó Giám đốc Nhà máy trả lời kiến nghị của người dân sáng ngày 2- 4- 2014.
Ông Phạm Ngọc Vũ (người đứng), Phó Giám đốc Nhà máy trả lời kiến nghị của người dân sáng 2-4-2014.

Ông Phạm Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Nhà máy xi măng Áng Sơn II trả lời trước dân: “Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân tiếp nhận nhà máy từ Công ty CP đúc Thắng Lợi và đưa vào sản xuất đầu năm 2012.

Khi bắt tay vào sản xuất, vấn đề bảo vệ môi trường được nhà máy ưu tiên hàng đầu. Đó là, đầu tư mua xe chuyên dụng tưới nước trên 1 tỷ đồng, ngày hai lần tưới nước trên các trục đường chống bụi. Trồng 2.000 cây xanh trong khuôn viên nhà máy. Thành lập tổ quét bụi để thu dọn bụi trên mặt đường. Việc bà con phản ánh tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm thì nhà máy cũng chỉ là nạn nhân của cơ chế như bà con. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, nhà máy cũng đã nhiều lần đề nghị cần gấp rút xây dựng khu tái định cư và di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm nặng. Nói nhà máy xả khói, xả bụi là không có

Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh: trong vòng bán kính 1km quanh nhà máy có 65 hộ bị ảnh hưởng; 35 hộ ảnh hưởng nặng và khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất gồm 7 hộ dân thuộc xóm Lèn.

trừ trường hợp xảy ra sự cố như mất điện chẳng hạn”.

Tuy nhiên trái với lời của ông Vũ, người dân phản ánh: Nhà máy vẫn xả khói, xả bụi bẩn thường xuyên (được các hộ gia đình tại xóm Lèn dùng máy di động chụp lại); xe chuyên dụng tưới nước nhiều khi mang tính hình thức, dùng để đối phó; xe tải trọng lớn vẫn chạy trong khung thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, vi phạm cam kết giữa nhà máy với nhân dân…

Nếu Nhà máy xi măng Áng Sơn II là nạn nhân của cơ chế như lời ông Vũ nói thì người dân trong vùng ô nhiễm là nạn nhân trực tiếp của nhà máy. Vấn đề xây dựng khu tái định cư, di dời dân khỏi nơi ô nhiễm đã được các cấp, ngành xem xét từ 7 năm trước nhưng ngân sách tỉnh không bố trí được nguồn vốn cho huyện Quảng Ninh triển khai, rốt cuộc khu tái định cư, vấn đề di dời dân vẫn chỉ là lời hứa, nằm trên văn bản giấy tờ.

Văn bản số 233/VPUBND-TD của Văn phòng UBND tỉnh trả lời ông Nguyễn Văn Quang
Văn bản số 233/VPUBND-TD của Văn phòng UBND tỉnh trả lời ông Nguyễn Văn Quang.

Ông Nguyễn Viết Ánh chia sẻ, lãnh đạo tỉnh không phải là không biết bà con sống khổ, hàng ngày đối mặt với bụi, khói, tiếng ồn. UBND huyện ghi nhận ý kiến của bà con để gửi lên tỉnh, đề nghị tỉnh gấp rút có hướng giải quyết cho bà con trong thời gian sớm nhất.

Hành động nhất thời phong tỏa đường vào Nhà máy xi măng Áng Sơn II của người dân Áng Sơn như giọt nước làm tràn ly. Đó là mặt nổi của tảng băng chìm-bức xúc, khốn khổ khi sống chung với bụi, ô nhiễm suốt 7 năm trời đằng đẳng.

Tại buổi đối thoại giữa chính quyền, lãnh đạo Nhà máy xi măng Áng sơn II, chúng tôi được bà Đỗ Thị Thắm, vợ của ông Nguyễn Văn Quang cho xem văn bản mới nhất số 233/VPUBND-TD ngày 21-2-2014 của Văn phòng UBND tỉnh do ông Nguyễn Xuân Khiều, Phó Chánh văn phòng ký, trả lời ông Nguyễn Văn Quang, nội dung như sau: “… Việc các hộ dân thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của Nhà máy xi măng Áng Sơn là đúng thực tế. Thời gian qua, UBND tỉnh đã rất quan tâm kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được việc di dời các hộ dân đến khu tái định cư. Hội đồng tiếp công dân tiếp nhận đơn, yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty cổ phần Cosevco 6 (chính xác là Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân-PV), UBND huyện Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại thông báo số 1647/TB-VPUBND ngày 5-9-2014 của Văn phòng UBND tỉnh. UBND tỉnh sẽ sớm giải quyết, tạo điều kiện để các hộ dân được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm”.

Điều duy nhất người dân thôn Áng Sơn mong đợi là câu trả lời dứt khoát từ các cấp chính quyền. Lúc nào? Đến bao giờ? Họ mới thoát khỏi vùng ô nhiễm?

Thanh Long