.
Vấn đề hôm nay:

Tháng Tư và những trăn trở...

Thứ Hai, 22/04/2013, 10:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Với dân tộc ta, với mỗi chúng ta, tháng Tư có một ý nghĩa thật đặc biệt trong năm bởi có bao điều đáng nhớ. Ông bạn hàng xóm của tôi là cựu chiến binh, mấy ngày nay bận rộn với việc sắp xếp lịch đi thăm lại chiến trường xưa. Máy điện thoại nhà ông réo vang, ông trả lời bạn bè oang oang cả ngày...

Vâng, đất nước của một thời chiến chinh, kỷ niệm trận mạc của những người ra trận bao giờ cũng thiêng liêng và chảy mãi theo dòng thời gian, như con kênh tưới mát những tháng ngày còn lại của người lính...Và không chỉ có người lính, Ngày chiến thắng 30-4 luôn là niềm tự hào của cả dân tộc... Thời gian đã lùi xa, những ký ức chiến tranh đã phần nào phai nhạt trong lòng mỗi người bởi bao lo toan trong cuộc sống thường ngày, nhưng đến tháng Tư hầu như ai cũng sống lại một góc trong ký ức, một chút trong suy tưởng để lắng lại những tháng ngày thấm đẫm máu, nước mắt, niềm vui hân hoan và sự đoàn tụ...

Những thanh niên lại tiếp tục lên đường nhập ngũ để gìn giữ Tổ quốc thiêng liêng.
Những thanh niên lại tiếp tục lên đường nhập ngũ để gìn giữ Tổ quốc thiêng liêng.

Tháng Tư ngước nhìn Bằng Tổ quốc ghi công, sờ nắn bộ quân phục bạc màu của người cha...để tự răn mình hãy sống xứng đáng hơn. Tháng Tư, trong bữa cơm có lời cha nhắc chuyện ông nội đánh giặc...để cháu con khỏi phải làm những việc xấu hổ với tiền nhân ngay trong gia đình...Tháng Tư đã khắc vào tâm khảm chúng ta và các thế hệ nối tiếp hãy nhớ lấy: máu xương của dân tộc này đã đổ xuống như núi, như sông để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc, để giang sơn liền một dãy. Trong khi kẻ thù vẫn còn đó, những mưu ma chước quỷ vẫn chưa hề bị tan loãng trong thế giới ngổn ngang những biến động. Hãy cảnh giác!

Có thể nói rằng với một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến và một lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, và dòng chảy của hào khí ấy chưa bao giờ nguội lạnh trong huyết quản của các thế hệ tiếp nối thì khó có một kẻ thù xâm lược bằng xương bằng thịt nào có thể khuất phục...Nhưng, hình như kẻ thù không chỉ có thế. Trong cuộc sống xô bồ, hối hả hôm nay hình như đã xen vào đó những điều khác lạ. Kinh tế thị trường đã xuất hiện những kẻ ăn cắp, những kẻ cơ hội và hàng loạt những tên gọi xấu xa khác. Không chỉ còn lẻ tẻ nữa mà đã thành một bộ phận...ngay trong cơ quan công quyền.

Trong thời gian gần đây rộ lên chuyện cán bộ, nhân viên "ăn cắp"...giờ công. Một việc mà nhiều người xem là khá "bình thường" nhưng nó lại bất bình thường đối với cơ quan Đảng, Nhà nước hay các đoàn thể chính trị. Bởi trong những người ăn cắp giờ công đó có người với đặc thù công việc họ đang làm người dân phải chờ đợi. Thời gian chờ đợi không đáng có của người dân sẽ làm giảm thu nhập của họ, sẽ làm họ bức xúc...Bởi vậy, đó không chỉ ăn cắp giờ công mà đã đánh cắp niềm tin của người dân với bộ máy công quyền, cụ thể là cơ quan anh ta làm việc, rộng hơn là huyện (thành phố) rồi tỉnh...Và, có lẽ đây chỉ là một "kênh nhỏ" trong nhiều kiểu tiêu cực khác đang gặm nhấm niềm tin của người dân.

Nạn vòi vĩnh, sách nhiễu... người dân trong thực hành công vụ vẫn  đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong từng con người cụ thể, ở những công việc cụ thể và cả nạn chạy chức, chạy quyền, nạn lợi ích nhóm, phe cánh... đã làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền, đây là điều nguy hiểm nhất hiện nay, tiềm ẩn nhiều điều bất ổn trong xã hội chúng ta... Chúng ta đã có nhiều biện pháp để chống, nhất là trong thời gian gần đây và đã có những chuyển động đáng kể, nhưng xem ra đích đến còn dài lâu và cam go. Cuộc chiến đang đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách thật sự minh bạch, tăng cường sự giám sát của người dân, của cấp dưới...cùng với đó là mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự vượt lên chính mình, vượt lên cái tầm thường để góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân...

Tháng Tư trong âm hưởng của chiến thắng mà bao thế hệ đã đổ máu xương để có được sẽ như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta vì sự thịnh vượng của đất nước. Hãy ngẩng cao đầu vì những điều thiêng liêng, hãy cống hiến, hy sinh như các thế hệ đi trước...

                                                                                         V. H