Câu hỏi tuần này:

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đôi bờ sông Gianh?

Cập nhật lúc 08:05, Thứ Hai, 08/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Mùa mưa lũ đang đến rất gần, cùng với những nỗ lực của người dân, chính quyền huyện Tuyên Hoá cũng đang ráo riết đề ra các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do sạt lở đôi bờ sông Gianh đoạn qua địa bàn huyện. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tri Phương, Phó ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- giảm nhẹ thiên tai huyện xung quanh vấn đề này:

- Phóng viên: Mùa mưa lũ hàng năm, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Gianh đoạn qua địa bàn huyện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng này?

- Ông Nguyễn Tri Phương: Địa bàn huyện Tuyên Hoá hiện có 3 con sông lớn chảy qua. Riêng sông Gianh chảy qua địa bàn 15 xã của huyện. Những năm trở lại đây thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, đặc biệt trận lũ lịch sử năm năm 2007 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của.

Một điểm sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Châu Hoá.
Một điểm sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Châu Hoá.

Gần đây nhất là năm 2010, tình hình mưa lũ diễn biến khó lường, nước sông lên rất nhanh, tốc độ dòng chảy lớn dẫn đến tình trạng xói lở xảy ra khá nghiêm trọng. Diện tích đất nông nghiệp bị xói lở vùi lấp dọc sông Gianh trên 100ha, khối lượng đất hai bên bờ sông Gianh hàng năm bị xói lở cuốn trôi trên 150.000m3, trên 100 hộ dân bị đe dọa.

- Phóng viên: Những địa phương nào thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề do sạt lở thưa ông?

- Ông Nguyễn Tri Phương: Trên địa bàn huyện, ngoài sông Gianh còn có hai con sông khác đó là: Sông Nan chảy qua địa bàn xã Cao Quảng và sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn xã Hương Hóa.

Theo thống kê số điểm sạt lở dọc sông như sau: Thứ nhất, sông Gianh có 22 đoạn thường bị sạt lở hàng năm với tổng chiều dài trên 10km. Cụ thể: xã Văn Hóa 1 đoạn; Tiến Hóa 3 đoạn; Châu Hóa 2 đoạn; Mai Hóa 2 đoạn; Phong Hóa: 2 đoạn; Đức Hóa: 2 đoạn; Thạch Hóa: 2 đoạn; Đồng Hóa: 1 đoạn; Thuận Hóa: 2 đoạn; Lê Hóa 1 đoạn; Kim Hóa 2 đoạn; Thanh Thạch: 1 đoạn và xã Thanh Hóa: 1 đoạn. Thứ hai, sông Ngàn Sâu trên địa bàn xã Hương Hóa có 1 đoạn với chiều dài trên 5km thường xuyên bị sạt lở. Thứ ba, sông Nan trên địa bàn xã Cao Quảng có 3 đoạn với chiều dài trên 3km thường xuyên bị sạt lở.

- Phóng viên: Để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do sạt lở, theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào?

- Ông Nguyễn Tri Phương: Trước hết  là vận động các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở mới; đồng thời kêu gọi, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tỉnh, các dự án để đầu tư xây dựng, hoàn thiện dần hệ thống kè chống sạt lở dọc sông; tích cực chỉ đạo các xã thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường; giữ vững, duy trì cân bằng sinh thái; vận động người dân tổ chức trồng cây dọc sông, cấm tuyệt đối việc người dân chặt phá các loại cây hai bên bờ sông (đây là biện pháp phi công trình hữu hiệu nhất mà người dân có thể thực hiện được); tổ chức tốt việc di dời dân khi lũ lụt có nguy cơ xảy ra, đặc biệt là các hộ dân sống dọc sông.

                                                             Nguyễn Hoàng (thực hiện)

 

,
.
.
.