Đồng Hới: Làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo

Cập nhật lúc 09:29, Thứ Tư, 02/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, TP.Đồng Hới đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và UBND các xã, phường thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2006-2010. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Hới đã giảm từ 7,6% năm 2006 xuống còn 2,34% cuối năm 2010. 

Để thực hiện giảm nghèo hiệu quả, bền vững, UBND thành phố đã huy động và đầu tư hàng chục tỷ đồng thông qua các dự án, chính sách như xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ về y tế, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm... cho hộ nghèo. Qua  đó phần lớn hộ nghèo đã được nâng cao nhận thức, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với đất đai, hoàn cảnh của mình và mạnh dạn trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt để phấn đấu thoát nghèo.            

Một trong những hoạt động chính của chương trình giảm nghèo mà thành phố đã đề ra và chỉ đạo thực hiện là hỗ trợ vốn cho người nghèo làm ăn. Từ năm 2006 đến cuối năm 2010, thành phố đã giải quyết trên 160 tỷ đồng từ nguồn vốn vay phục vụ cho người dân giảm nghèo. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo một cách bền vững và có hiệu quả. Trong 5 năm qua, thành phố đã tổ chức trên 150 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi trồng trọt cho gần 7.000 lượt người tham gia, xây dựng được 70 mô hình thí điểm, trình diễn trên lĩnh vực nông-lâm ngư nghiêp. Cùng với nguồn vốn vận động bổ sung từ nhiều nguồn quỹ khác nhau, những hộ nghèo đã có thêm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, mua sắm tư liệu sản xuất, ổn định công việc từ nguồn vốn vay.

Qua chương trình xoá đói giảm nghèo, nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định đời sống. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Khanh ở thôn Thuận Ninh, xã Thuận Đức, trước đây gia đình chị là hộ nghèo, nhưng được sự tạo điều kiện của các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong làm ăn, nay gia đình chị đã thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng, chị đã đào ao thả cá có diện tích 2.500 m2, nuôi đàn trâu bò gần 20 con và hàng năm có vài lứa gà thả vườn với tổng đàn gần 400 con... Mỗi năm đem lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 50 triệu đồng, một số tiền mà trước đây vài năm chị không bao giờ dám nghĩ tới. 

Có vốn vay giảm nghèo,  người dân tiểu khu TRạng, phường Đồng Sơn đầu tư trồng rừng phát triển kinh tế. Ảnh: Thiên Hà
Có vốn vay giảm nghèo, người dân tiểu khu Trạng, phường Đồng Sơn đầu tư trồng rừng phát triển kinh tế. Ảnh: Thiên Hà

Ngoài hỗ trợ người dân xoá đói giảm nghèo, thành phố còn chăm lo bảo vệ sức khỏe cho người nghèo và hỗ trợ giáo dục cho con em họ. Trong 5 năm qua thành phố đã cấp hàng chục nghìn lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Công tác khám chữa bệnh miễn phí, cung cấp bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo cũng được triển khai thường xuyên tại các cơ sở y tế của thành phố.

Một chương trình lớn mà thành phố đang thực hiện là hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo. Thành phố đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, bằng nguồn lực xã hội hóa để cùng chăm lo cho người nghèo ổn định cuộc sống. Đến nay thành phố đã  xây dựng được 63 căn nhà đại đoàn kết, trong đó 42 căn được xây dựng bằng quỹ "Vì người nghèo", 21 căn do Hội CTĐ thành phố vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn đóng góp. Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo.

Xác định một trong những nguyên nhân nghèo đói là người dân còn ít hiểu biết về cung cách làm ăn, và con em người nghèo không có điều kiện kinh tế để học tập, vì vậy thành phố đẩy mạnh thực hiện chính sách phổ biến kinh nghiệm làm ăn tới người dân và chăm lo về giáo dục cho con em họ, xem đây là giải pháp mang tính chiến lược, có hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững trong hiện tại và tương lai. Thành phố có chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác, đồng thời hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để trang trải trong thời gian học tập. Trong thời gian qua Hội Khuyến học thành phố đã hỗ trợ cho gần 1.400 lượt học sinh nghèo với số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Hội Khuyến học ở các xã phường, các ban khuyến học tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác cũng đã hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng  cho học sinh nghèo vượt khó.

Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm được coi là giải pháp căn cơ nhất để hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo phấn đấu thoát nghèo. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho nhiều con em ở địa phương. Trong đó nổi bật là Công ty gốm sứ Đức Huấn ở khu làng nghề Thuận Đức, công ty hiện có trên 70 lao động, hầu hết là con em địa phương và 45 lao động được bảo đảm các chính sách mà nhà nước qui định.

Trong giai đoạn tới, thành phố tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp, vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức kinh tế và cả cộng đồng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

Thành phố cũng không ngừng tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo có thêm các ngành nghề mới để làm ăn, nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và duy trì tốt thành quả của công cuộc giảm nghèo; phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 2%, giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 7.000 lao động; trên 70% số người lao động được qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 45%.

                                                                                     Thiên Hà

,
.
.
.